Đền ơn - Đáp nghĩa

“Tấm lòng miền Nam” của một cựu chiến binh xứ Nghệ

Đều đặn mỗi tháng 2 lần, vào ngày Rằm và mùng Một (Âm lịch), ông Phạm Minh Tâm, cựu chiến binh (CCB) ở phường Hưng Dũng (thành phố Vinh, Nghệ An) ra Nghĩa trang Dăm Mụ Nuôi thắp hương cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) miền Nam tập kết.

Trong những năm qua ông đã gửi hàng trăm lá thư vào miền Nam mong tìm được thân nhân của những người đang nằm lại nơi đây.

Nghĩa trang miền Nam

Chúng tôi tìm đến nhà, vợ ông Tâm bảo ông vừa ra nghĩa trang. Theo ra nghĩa trang, thấy ông đang sẻ phát mấy tán cây rậm rạp xõa xuống các phần mộ. Thấy có người đến tìm, ông dừng tay trò chuyện: “Nghĩa trang rộng gần 4.000m2 với gần 230 ngôi mộ, sức đã già yếu, một mình tôi vừa sẻ, phát, cuốc dọn phía này thì phía kia đã cỏ cây đã mọc um tùm, thành ra không mấy khi sạch sẽ, thoáng đãng toàn bộ”. Quả thật, với độ tuổi 67, từng bị tai nạn cách đây chưa lâu, lại còn tham gia công tác xã hội (hiện là Phó chủ tịch Hội CCB phường) ông Phạm Minh Tâm không đủ sức để kham nổi việc chăm sóc các phần mộ ở Nghĩa trang Dăm Mụ Nuôi (phường Hưng Dũng). Điều đáng nói là việc làm của ông hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ tình yêu thương, quý trọng đối với những CBCS miền Nam tập kết đang yên nghỉ nơi mảnh đất “Làng Đỏ” anh hùng.

hatinh24h
Ông Phạm Minh Tâm bên tấm bia khắc tên CBCS miền Nam tập kết đang yên nghỉ tại nghĩa trang

Lật giở những trang tư liệu ghi chép, ông Phạm Minh Tâm cho hay, từ năm 1954, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, thực hiện nội dung “Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về miền Bắc”, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải – Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời, khoảng 140 nghìn CBCS miền Nam đã tập kết ra miền Bắc. Ngày ấy, ai cũng hồ hởi lên đường, vì tin rằng sau 2 năm tổng tuyển cử thống nhất đất nước sẽ được trở về đoàn tụ với gia đình. Nghệ An là một trong những địa phương đón tiếp chu đáo những người con tiêu biểu của đồng bào miền Nam, bằng chứng là một bệnh viện được dựng ngay trên đất Hưng Dũng để chăm sóc sức khỏe cho thương binh, cán bộ và chiến sĩ tập kết, thường gọi là Bệnh viện miền Nam. Ngỡ rằng, chuyến đi chỉ độ 2 năm rồi sẽ được trở về quê hương nhưng không ngờ đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, tìm cách chiếm đóng miền Nam, thực hiện âm mưu chia cắt đất nước ta lâu dài. Trong quãng thời gian đằng đẵng ấy, có người trở lại miền Nam tiếp tục chiến đấu giải phóng quê hương, có người ở lại miền Bắc công tác và có không ít người vì vết thương tái phát hay sức yếu, tuổi cao không đủ sức chờ đến ngày thống nhất đã nằm lại trên đất Bắc. Và ở thành phố Vinh, có khoảng 300 người đã nằm lại ở Nghĩa trang Dăm Mụ Nuôi, sau giải phóng có gần 70 người được gia đình ra tìm và đưa hài cốt về quê. Số người còn lại (có 4 ngôi mộ liệt sĩ) đang trong cảnh “Thác nằm yên nghỉ nơi đất Bắc/ Hồn còn vương vấn chốn trời Nam” như 2 vế đối của ông Tâm được khắc ở tượng đài nghĩa trang.

tam long mien nam cua mot cuu chien binh xu nghe
Ông Phạm Minh Tâm bên tấm bia khắc tên CBCS miền Nam tập kết đang yên nghỉ tại nghĩa trang

Ông Phạm Minh Tâm sinh ra và lớn lên ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), là một người lính tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam trong những năm gian khổ, ác liệt (1968-1975). Người lính ấy có mặt trong những trận chiến ở vùng “đất lửa” Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, trải qua bao gian khổ, hiểm nguy và chứng kiến bao hy sinh, mất mát. Sau giải phóng, ông lại có mặt trong đoàn quân chiến đấu đánh đuổi quân Pôn Pốt xâm lược, bảo vệ biên giới Tây Nam, rồi cùng đơn vị sang tận Campuchia giúp nước bạn tránh khỏi họa diệt chủng. Năm 1988, ông rời quân ngũ, về lập gia đình và sinh sống ở phường Hưng Dũng (thành phố Vinh). Người lính trận trở về hay tin trên vùng quê nay có một nghĩa trang miền Nam đang dần rơi vào quên lãng, bởi gần như không có người chăm sóc, hương khói.

Và hành trình tìm kiếm thân nhân

Là cán bộ Hội CCB phường, một lần tình cờ ông Tâm tìm thấy danh sách và sơ đồ các ngôi mộ do Hội Đồng hương miền Nam gửi lại. Có được nguồn tư liệu này, ông Phạm Minh Tâm đã đi khắp nơi, nhờ báo chí và truyền hình để tìm kiếm thân nhân và nguồn kinh phí hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nghĩa trang. Và rồi, năm 2014, Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 đã hỗ trợ và tiến hành tôn tạo, nâng cấp khu nghĩa trang CBCS miền Nam tập kết trở nên khang trang, sạch đẹp.

Quê quán của những người đang an nghỉ ở Nghĩa trang Dăm Mụ Nuôi nằm rải rác khắp các tỉnh miền Nam, từ Quảng Trị đến tận Mỹ Tho, Đông Nam Bộ, nhiều nhất là Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Cùng với việc đăng tin trên các phương tiện truyền thông, ông Tâm nghĩ ra cách soạn thư và gửi về cho chính quyền cấp xã theo địa chỉ trong bản danh sách của Hội Đồng hương miền Nam gửi lại. Hơn 200 bức thư gửi đi, chỉ nhận được 35 cuộc điện thoại hồi âm và đến nay chỉ mới 7 gia đình thân nhân ra nhận mộ người thân. Nguyên do bởi đã hơn 60 năm kể từ ngày những CBCS miền Nam vượt vĩ tuyến 17 ra Bắc tập kết, thời gian ấy tương đương với một đời người nên người thân hầu như đã mất, nếu còn sống cũng đã già yếu. Rồi trong cảnh loạn ly, chính quyền Diệm và Thiệu bao lần dồn dân lập ấp, bắn giết dân thường, biết bao gia đình rơi vào cảnh ly tán.

Có xã nhận được thư đã gọi điện chia sẻ: “Chúng tôi đã dò tìm khắp toàn xã và được biết người thân của chiến sĩ này không còn một ai. Vì sau khi tập kết ra Bắc, chính quyền Ngô Đình Diệm đã dồn cả gia đình vào ấp chiến lược và sau đó tìm cách sát hại. Bây giờ chỉ còn cách nhờ bác chăm sóc giúp phần mộ”. Riêng gia đình của chiến sĩ Nguyễn Đình Trung ở Tam Kỳ (Quảng Nam) ra tìm mộ mang theo mang theo cả giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công và những tấm Huân chương. Nghĩa là, khi ông Trung mất, Nhà nước đã làm thủ tục báo tử gửi về quê, nhưng đang chiến tranh loạn lạc, gia đình không thể ra tìm, lâu dần không còn nhớ địa chỉ. Lại có gia đình gọi điện thưa: “Chú ơi! Nhờ chú chăm sóc mộ ba cháu thêm một thời gian nữa nhé, sau vụ mùa cháu mới ra Vinh đưa ba về được ạ!”.

Ông Phạm Minh Tâm còn là người sâu nặng ân tình với đồng đội, cách đây 3 năm, ông đã 2 lần vào núi rừng miền Tây tỉnh Thừa Thiên – Huế, nơi từng diễn ra những trận đánh ác liệt để tìm mộ đồng đội. Hai đồng đội này cùng chiến đấu, và chính tay ông mai táng lúc hy sinh. Gần nửa thế kỷ trôi qua với bao biến động, cảnh vật đã đổi thay, gần như không còn dấu tích nhưng ông không quản ngại gian nan, đi cả tuần liền trong rừng để tìm nơi đồng đội an nghỉ. Chuyến đi thứ hai, ông Tâm bị tai nạn ảnh hưởng đến não, phải nằm điều trị mấy tháng trời.

Lúc chào tạm biệt, ông Phạm Minh Tâm chia sẻ: “Tôi đang kiến nghị các cấp, các ngành liên quan cử 1 người và trả lương cho họ để chăm sóc nghĩa trang. Sức đã yếu, tôi không còn kham nổi, trong khi cây dại ở đây đang mọc lại quanh các phần mộ. Và hy vọng có thêm nhiều người đang an nghỉ nơi đây được về với quê hương…”.

TRẦN CÔNG KIÊN

Nguồn: Năng lượng Mới 543

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP