Thành ủy Hà Tĩnh làm việc với Phòng GD&ĐT về mô hình trường học mới

Từ năm học 2013-2014 ngành Giáo dục đào tạo thành phố đã tập trung triển khai thực hiện mô hình trường học mới với thí điểm tại trường TH Thạch Linh. Đến năm học 2015-2016 đã nhân rộng mô hình tại 9 trường trong toàn thành phố, trong đó có 7 trường TH và 2 trường THCS. Qua 2 năm thực hiện, mô hình đã tạo được sự đồng thuận cao của phụ huynh học sinh. Các địa phương, nhà trường đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện thiết yếu phục vụ cho việc dạy học theo hướng đổi mới. Hoạt động dạy và học đã có bước chuyển biến căn bản. Giáo viên, học sinh đã thích nghi với phương pháp dạy, phương pháp học của mô hình mới. Chất lượng giáo dục được Bộ, Sở giáo dục và Ngân hàng thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Phòng GD&ĐT Tổ chức thành công Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Thực hiện Kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh về Kế hoạch đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào trường tiểu học và chuẩn bị cho Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cấp tỉnh trong thời gian tới; ngày 12/9/2015, Phòng GD&ĐT Lộc Hà đã tổ chức thành công Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh dành cho cho cán bộ, giáo viên và học sinh tiểu học toàn huyện – Đây là hoạt động lớn, có thể xem là ngày Hội của đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên và của chính các em  học sinh. Đến dự Liên hoan, ở tỉnh có nhạc sỹ Trịnh Ngọc Châu – Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hoá Sở VHTT&DL Hà Tĩnh; thầy giáo Dương Văn Lâm và thầy giáo Trần Hậu Trung – Phó Trưởng phòng GDTH Sở GD&ĐT Hà Tĩnh. Ở huyện có các đồng chí Hoàng Nữ Ngọc Oanh, UVBTV HU, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, đồng chí Lê Quang Huệ – Phó Chủ tịch UBND huyện, các đồng chí đại diện cho các ban, phòng ngành cấp huyện; cùng đông đủ cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia cổ vũ, động viên. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, là một “thổ sản độc đáo” được kết tinh từ lao động, từ đấu tranh, từ tình yêu, trí tuệ tài hoa, là sự kết tụ tuyệt vời giữa ngôn ngữ diễn xướng tiếng Việt với khẩu ngữ địa phương; với nhịp sống, điệu thức của vùng quê nắng gió, nhọc nhằn, quả cảm; và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân 2 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An từ lâu. Bởi từ thuở nằm nôi, tâm hồn người xứ Nghệ đã được tắm chất thi ca trong những lời ru của bà, của mẹ. Lớn lên cùng những điệu ví, câu hò gắn với cuộc sống mưu sinh và tình yêu quê hương, đôi lứa. Mộc mạc mà ý nhị; dung dị mà mượt mà; lạc quan mà da diết, sôi nổi mà lắng sâu. Vùng quê Nghệ Tĩnh của chúng ta vốn được biết đến như một mảnh đất nghèo khó, khắc khổ nhưng hôm nay đã và đang từng ngày thay da đổi thịt với những nhà máy, công trường mang tầm vóc của thời kỳ CNH, HĐH. Nhưng có thể nói ý chí, tâm hồn, cốt cách của người xứ Nghệ thì chẳng hề đổi thay. Trong nét văn hóa, cốt cách của người Nghệ Tĩnh kết tinh, phản chiếu văn hóa, cốt cách người Việt mà vẫn giữa nguyên nét độc đáo, cao đẹp, rất riêng có của mình. Phải chăng có được điều đó chính là nhờ Dân ca Ví, Giặm đã ngấm vào máu thịt của họ và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhân dân ta. Tất cả đã trở thành âm hưởng, mạch nguồn trong mỗi chúng ta. Liên hoan Tiếng hát dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh giáo viên và học sinh toàn huyện đã góp phần tôn vinh và phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm – một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại đã được UNESCO công nhận; Liên hoan đã thực sự tạo được không khí thi đua vui tươi, phấn khởi cho cán bộ, giáo viên và học sinh, nhằm xây dựng môi văn hóa học đường thân thiện, tích cực; là dịp để các đơn vị có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc đa dạng hóa các hình thức học tập, vui chơi phù hợp với hoạt động giáo dục học sinh tiểu học đúng với tinh thần Kế hoạch chỉ đạo đưa Dân ca Ví, Giặm vào trường tiểu học của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh; khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, thi đua dạy tốt, học tốt, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị Quyết Đại hội Đảng các cấp và nhiệm vụ năm học mới. Đây cũng là dịp để đánh giá lại kết quả thực hiện đẩy mạnh phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD&ĐT đã phát động trong những năm qua. Là cơ sở để phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc, sáng tác trong giáo viên và học sinh và cũng là một trong những cơ sở quan trọng cho định hướng nghề nghiệp của các em sau này. Qua một ngày diễn ra Liên hoan đã có 26 tiết mục đến từ Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm của 13 đơn vị trường tiểu học; có hơn 150 thầy cô giáo và 250 học sinh trực tiếp tham gia với các thể loại: đơn ca, song ca, tổ khúc dân ca tập trung vào các chủ đề ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương, đất nước và ngành giáo dục. Hầu hết các tiết mục tham gia đều đạt các yêu cầu do Ban tổ chức đề ra. Thời gian tập luyện của các đơn vị chưa nhiều. Bên cạnh đó, đội ngũ diễn viên múa, hát không đồng đều và đa số đều đang bận rộn với công việc trong mùa tựu trường, các em học sinh còn bỡ ngỡ với những ngày đầu tiên lên lớp mới. Đặc biệt, ngoài công việc chính, họ còn đảm nhiệm nhiều vai diễn khác nhau trong đời sống thường nhật. Có những người chỉ quen cầm phấn, có những người chuyên tính toán với những con số và ở họ chưa quen cầm micro để hát và hát trước công chúng, trên sân khấu với âm thanh, ánh sáng hoành tráng đa sắc mà như Liên hoan lần này. Ở hầu hết các diễn viên, nghệ sỹ, nghệ nhân không chuyên này lần đầu tiên lên sân khấu, họ không có nhiều năng khiếu về văn hóa, văn nghệ nhưng với trách nhiệm, lòng nhiệt huyết với phong trào nên đã quyết tâm tập luyện dù phải đổ nhiều mồ hôi, thực hiện nhiều động tác khó, đòi hỏi kỹ thuật cao để chất lượng tiết mục tham gia thật đặc sắc, thật độc đáo, hấp dẫn, cống hiến hết mình vì nghệ thuật cho khán giả. Tại Liên hoan Tiếng hát dân ca Ví, Giặm giáo viên, học sinh toàn huyện làn này có nhiều thể loại, tiết mục phong phú, đa dạng, có sự đầu tư về dàn dựng, trang phục, đạo cụ, hòa âm, phối khí khá bài bản, có giá trị nghệ thuật cao. Nhiều tiết mục được khán giả và Ban Giám khảo bình chọn là Xuất sắc trong việc Tự biên và phát triển lời. Nhiều đơn vị có sự đầu tư dàn dựng bài bản các tiết mục dự thi, có nhiều diễn viên tham gia và biểu diễn khá đều, đẹp có giá trị nghệ thuật cao như: Tổ khúc dân ca: “Vui cùng điệu ví, câu hò” của TH Thịnh Lộc; “Hát về mái trường” của TH Thạch Bằng, “Mái trường dệt những ước mơ” – TH Mai Phụ; “Nghĩa tình câu hát dân ca” – TH Thạch Kim; “Mời trầu” – TH Tân Lộc; “Phụ tử tình thâm” – TH Thạch Bằng;… Có nhiều thầy cô và các em học sinh có giọng hát có chất lượng kỹ thuật thanh nhạc khá tốt như cô giáo Đinh Thị Hiến – TH Bình Lộc, Bùi Thị Nguyệt – TH Mai Phụ, Nguyễn Thị Hương Liên – TH Thạch Bằng; Hà Thị Thanh Tâm – TH Thạch Châu, thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn – TH Thịnh Lộc, thầy Trần Văn Chiến – TH An Lộc. Các em học sinh của các trường TH Thạch Kim, Thạch Bằng, Thịnh Lộc, Thụ Lộc, Bình Lộc,… Thành công của Liên hoan có sự nổ lực, cố gắng, đóng góp của đội ngũ biên tập, đạo diễn, biên đạo múa không chuyên của đơn vị trường học, họ đã có những đóng góp quý báu, sự cống hiến đáng trân trọng của mình vào nghệ thuật góp phần tôn vinh giá trị của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Bên cạnh đó có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các nhà trường, nhiều trường đã có sự đầu tư về  thời gian, đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất và động viên tinh thần để anh chị em diễn viên chăm lo tập luyện, đem lại chất lượng nghệ thuật cao và đạt giải thưởng về cho đơn vị mình. Đúng là, âm nhạc không có biên giới, không có khoảng cách vì nó đã làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn, tình cảm thắt chặt hơn và tình đoàn kết trong mỗi đồng chí, trong mỗi tổ chức ngày càng bền vững và có tính nhân văn sâu sắc. Bên cạnh những kết quả, những ưu điểm thì tại Liên hoan lần này vẫn còn những hạn chế không thể không tránh khỏi đó là: Về phía BTC đã có nhiều cố gắng song không thể tránh những thiếu sót; điều kiện CSVC, trang thiết bị còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng với yêu cầu cao của nghệ thuật. Về phía các trường: Một số đơn vị chưa quan tâm đầu tư có chiều sâu nên một số tiết mục dự thi còn đơn điệu; chất lượng chưa cao, đầu tư phục trang chưa phù hợp với nội dung bài hát làm giảm chất lượng nghệ thuật. Ở thể loại hát có những diễn viên có chất giọng tốt nhưng chọn bài quá khó không hợp với khả năng của mình, đòi hỏi ở những bài hát đó phải có kỹ thuật thanh nhạc mới xử lý được tốt hơn; một số diễn viên diễn xuất chưa linh hoạt vì quá chú trọng vào nhịp và lời bài hát mà quên diễn xuất và di chuyển sân khấu không hợp lý; hoặc hát đúng cao độ nhưng sai nhip; chất lượng đĩa nhạc của một số đơn vị chưa cao, làm diễn viên bị chi phối trong quá trình biểu diễn. Yêu cầu của liên hoan là Liên hoan tiếng hát nhưng nhiều đơn vị chưa chú trọng phần hát mà chỉ chú trọng vào phần múa phụ họa rườm rà, tốn kém. Một số diễn viên còn mang quá nhiều trang sức, phụ kiện của nhịp sống hiện đại lên sân khấu dân ca làm cho tiết mục biểu diễn chưa thực sự phù hợp. Kết thúc Liên hoan, trên cơ sở đánh giá của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức quyết định tôn vinh, trao thưởng về tập thể có: 1 Giải Nhất (TH Thịnh Lộc), 2 giải Nhì (TH Thạch Kim, Mai Phụ), 3 giải Ba (TH Thạch Bằng, An Lộc, Bình Lộc), 7 giải KK. Về tiết mục có: 3 giải A (“Vui cùng điệu ví, câu hò” – TH Thịnh Lộc; Phụ tử tình thâm – TH Thạch Bằng, Nghĩa tình câu hát dân ca – TH Thạch Kim), 4 giải B, 8 giải C; đặc biệt, Ban Giám khảo đã bình chọn, trao thưởng trao thưởng cho em Lê Nguyễn Khánh Ly (TH Thạch Kim) và cô giáo Đinh Thị Hiến (TH Bình Lộc) là hai người có giọng hát dân ca hay nhất. Với sự thành công ngoài mong đợi tại Liên hoan này, chúng ta tin tưởng rằng, trong thời gian tới các trường học trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm của đơn vị, đặc biệt là đưa dân ca Ví, Giặm vào nhà trường một cách sáng tạo, xem đây là một hoạt động thường xuyên và mỗi một thầy cô giáo sẽ là người “thắp lửa” dân ca Ví, Giặm trong chính các em học sinh của mình để dân ca Ví, Giặm mãi trường tồn và phát triển./. Một số hình ảnh tại Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh giáo viên và học sinh tiểu học:

TOP