Tuỳ bút Quê hương

Quê hương Đức Thọ ngời sáng tên tuổi Trần Phú

Gần 68 năm sau khi anh dũng hy sinh trong ngục tù đế quốc để bảo vệ lý tưởng, bảo vệ Đảng, bảo vệ các đồng chí của mình và phong trào cách mạng (6-9-1931), vào tháng 1-1999, di hài đồng chí Trần Phú được đưa về an táng tại quê nhà (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Mộ đồng chí được đặt dưới bóng rừng thông trên đồi Quần Hội, nhìn xuống bến Tam Soa, nơi đầu nguồn sông La, nơi có núi Tùng soi bóng, có dãy Thiên Nhẫn xanh mờ, xa xa như đàn ngựa nghìn con đang nối nhau chạy về đồng bằng…

Sông La chỉ dài khoảng 20km nhưng phong cảnh hữu tình, khách, thuyền đông đúc, nước trong xanh, chỗ nông có thể nhìn tới đáy. Phía Đông Bắc bến Tam Soa có một cù lao đá nổi lên giữa dòng. Nhân dân truyền nhau rằng, các vị tiên xuống đó ngắm cảnh, bình thơ nên đá được gọi là “Thi đàm thạch”. Ngọn núi Tùng ở phía Nam bến Tam Soa nghìn đời trầm mặc, lưu giữ bao huyền thoại về người và đất nơi đây…

Mộ đồng chí Trần Phú tại quê nhà: Xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Vùng quê đẹp ấy đã sinh ra những con người kiên cường, bất khuất đứng lên chống Pháp dưới ngọn cờ nghĩa Cần Vương của Phan Đình Phùng (người làng Đông Thái) trong vùng rừng núi Vụ Quang. Và trong thế kỷ XX, ở Đức Thọ sáng ngời một cái tên: Trần Phú-người con ưu tú của quê hương, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, một trong những Tổng Bí thư có tuổi đời trẻ nhất, một tấm gương đạo đức cộng sản trong sáng, đã hiến dâng cả cuộc đời thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân.

Về Đức Thọ hôm nay, đi giữa những cánh đồng lúa đang thì con gái, cảnh quê hương tươi đẹp, thanh bình, ít ai hình dung được cảnh bom rơi, đạn nổ cày nát xóm làng trong những năm chiến tranh, khi nơi đây là một trong những “túi bom” trên đoạn đầu của con đường huyết mạch chi viện miền Nam, với những địa danh nổi tiếng, in dấu bao kỷ niệm của nhiều thế hệ bộ đội, thanh niên xung phong: Bãi Vọt, phà Linh Cảm, Khe Giao, Ngã ba Đồng Lộc… 100% số xã, 209 trong tổng số 270 thôn của Đức Thọ bị máy bay Mỹ, ngụy đánh bom hủy diệt nhưng người Đức Thọ bất khuất, kiên cường, không nao núng. Trong những năm tháng ác liệt đó, hơn 12.500 con em Đức Thọ đã lên đường nhập ngũ, 9000 người tham gia thanh niên xung phong, 15.000 người là dân công hỏa tuyến. 3.960 liệt sĩ của Đức Thọ đã ngã xuống trên các chiến trường. Huyện được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân; các xã: Trường Sơn, Tùng Ảnh của huyện được phong tặng danh hiệu anh hùng (lần thứ hai) thời kỳ đổi mới.

Sau chiến tranh, người Đức Thọ lại cần cù, thông minh trong xây dựng cuộc sống hòa bình. Từ hơn 10 năm nay, năng suất lúa hằng năm của huyện đã đạt hơn 11 tấn/ha; nông thôn Đức Thọ đổi thay nhanh chóng; công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số-gia đình và trẻ em, văn hóa thể thao… cũng ngày càng khởi sắc theo đà đi lên của toàn huyện.

Đức Thọ còn là vùng quê hiếu học, quê hương của nhiều nhà khoa bảng, nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị, quân sự, nhà khoa học nổi tiếng: Nguyễn Biểu, Bùi Dương Lịch, Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm… Tấm gương kiên trì, thông minh và học giỏi của người học sinh Trần Phú; tấm gương tận tụy và yêu nước của thầy giáo Trần Phú là nguồn động viên nhiều lớp học sinh huyện Đức Thọ phấn đấu noi theo. Nơi đây, gần như nhà nào cũng có con em học tại các trường đại học, cao đẳng. Việc khuyến học, khuyến tài được các gia đình, dòng họ rất quan tâm.

Với bề dày truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa, với những thế mạnh đang được phát huy đúng hướng, Đức Thọ đang ngày càng đổi thay, đi lên, xứng đáng với niềm tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú.

Bài và ảnh: NGỮ THIÊN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP