Nông Thôn Hà Tĩnh

Nuôi tôm 2 vụ và những điều cần chú ý

Tại Hà Tĩnh, thời tiết đầu mùa hè năm nay diễn biến rất thất thường, mưa giông nhiều và kéo dài nhiều ngày liên tục đã làm biến động môi trường nước nuôi tôm, dẫn đến ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của tôm.


Khi thời tiết phức tạp diễn ra, đa phần các hộ nuôi quảng canh cải tiến và bán thâm canh mới thả tôm được khoảng 30 ngày tuổi, kết hợp với sự đầu tư về kinh phí lẫn kỹ thuật nuôi còn yếu nên sức chịu đựng của tôm với biến động môi trường nước rất kém. Theo đó dịch bệnh đốm trắng trên tôm cũng xảy ra tràn lan, khó kiểm soát. Vì vậy đã có nhiều ao nuôi sau đợt mưa giông kéo dài tôm đã bị sốc môi trường, dịch bệnh nên đồng loạt nổi đầu, bơi lờ đờ và chết hàng loạt gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi tôm. Còn lại những ao hồ khác may mắn hơn, không bị dịch bệnh xảy ra nhưng tôm cũng còi cọc, chậm lớn, đến lúc thu hoạch kích cỡ không đồng đều. Đó chính là lý do giải thích vì sao đối với các vùng quảng canh cải tiến và bán thâm canh tại tỉnh ta năm nay nuôi tôm chính vụ thu được kết quả không mấy khả quan. Và điều này đã ảnh hưởng xấu đến tâm lý người nuôi tôm trong vụ tiếp theo. Để nuôi vụ tiếp theo đạt được kết quả thắng lợi như mong đợi, hạn chế tối đa rủi ro do thời tiết và dịch bệnh gây ra các chủ hộ nuôi tôm cần lưu ý một số điều sau. 1. Trước khi thả giống: – Cần cải tạo lại ao; bón vôi; xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi đúng theo quy trình kỹ thuật và lịch thời vụ của các cơ quan Chi cục nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, … đã khuyến cáo. Và thời gian cải tạo ao lại phải tối thiểu 30 ngày mới được thả nuôi tiếp. – Đối với những ao nuôi vụ trước đã bị dịch bệnh xảy ra, nên đưa nước ngọt vào ngâm nhằm làm thay đổi môi trường trong ao nuôi, hạn chế được dịch bệnh, thời gian xử lý ao 15 – 20 ngày. Sau đó xử lý nước nuôi bằng chlorin nồng độ 25 – 30 ppm (tức 25 – 30 g/m3), thời gian xử lý sau 7 – 10 ngày mới được gây màu nước. – Theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các vùng nuôi lân cận, khi thấy ổn định mới được tiến hành thả giống. – Đối với những hộ nuôi tôm không đủ điều kiện kỹ thuật, kinh tế để tiếp tục nuôi tôm vụ 2 thì có thể thả một số đối tượng khác như cá rô phi đơn tính, cá vược, cá dìa … nhằm cải tạo môi trường, hạn chế được dịch bệnh trên tôm năm nuôi tiếp theo. 2. Thả giống: – Chọn tôm giống có thương hiệu uy tín đã được khẳng định trên thị trường Hà Tĩnh như công ty CP Việt Nam, công ty Việt Úc, công ty UP Việt Nam, công ty Vina, công ty Việt Thắng … ; nguồn gốc tôm giống phải rõ ràng, trước khi thả nuôi phải được kiểm tra chất lượng và có giấy chứng nhận kiểm dịch. – Trước khi thả tôm cần kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, độ mặn… giữa trại giống và ao nuôi. Nếu có sự khác biệt thì phải điều chỉnh thích hợp để tránh sốc cho đàn giống. Tránh thả tôm khi trời nắng, nhiệt độ nước cao hoặc khi trời mưa. – Nên thả giống mật độ thưa hơn chính vụ. Cụ thể: 50 – 60 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng và 10 – 15 con/m2 đối với tôm sú. 3. Khi đã thả giống: – Các hộ nuôi phải thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi. Chú ý đến các yếu tố hay bị biến động như nhiệt độ, oxy, pH, …. để điều khiển các yếu tố này nằm trong khoảng thích hợp với tôm nuôi và khoảng dao động cho phép, không gây sốc đối với tôm. Nếu kiểm tra thấy yếu tố pH giảm: Dùng vôi bột CaCO3 hoặc Dolomite để nâng pH liều lượng: 20 – 30 kg/1000m3 nước, nếu xuống quá thấp dùng vôi nung CaO, liều lượng: 15 – 2 kg/1000m3. Trường hợp pH tăng: Tốt nhất là nên thay nước hoặc dùng đường, liều lượng 1,5 – 2kg/1000 m3 nước. – Thực hiện các biện pháp ổn định nhiệt độ như: nâng cao và duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,2 – 1,4 m; hạn chế thay nước; rải vôi xung quanh bờ ao ngăn chặn các vật chủ trung gian từ bên ngoài vào ao nuôi. – Nên sử dụng chế phẩm sinh học, vôi nông nghiệp (CaCO3) hoặc vôi Dolomit (CaMg(CO3)2) làm ổn định môi trường nước với định kỳ: Dolomit + Canxi, liều lượng 300 – 400 kg/ha/tuần. Đồng thời bổ sung Vitamin C và khoáng chất vào thức ăn tăng sức đề kháng cho tôm nuôi. – Ngày nuôi thứ 40 nên tiến hành xi phông hoặc xả đáy. – Ngày nuôi từ thứ 50 trở đi tiến hành dùng hoá chất khử các loại khí độc như NH3, CH4. – Tôm nuôi đạt kích cỡ 120 con/kg thì có thể tiến hành cấp thay nước. Nước cấp vào ao không được lấy trực tiếp từ sông mà phải qua xử lý hóa chất chlorin để đảm bảo chất lượng nước trong ao nuôi. Thay 15 – 20% lượng nước trong ao (Kiểm tra sức khoẻ con tôm trước khi thay và kiểm tra môi trường nước trước khi cho vào ao). – Theo dõi thông báo kết quả quan trắc môi trường của Chi cục nuôi trồng thuỷ sản và tình hình dịch bệnh tôm của các vùng lân cận để có biện pháp xử lý phòng bệnh và kịp thời. Mặt khác phải thường xuyên theo dõi diễn biến khí hậu, thời tiết để chủ động có các biện pháp can thiệp kịp thời sự biến động môi trường. – Ngoài ra các Hợp tác xã, tổ nuôi tôm cộng đồng có trách nhiệm theo dõi nắm bắt tình hình thời tiết cũng như dịch bệnh trên địa bàn nhằm triển khai biện pháp kỹ thuật phòng ngừa bệnh xảy ra trên tôm nuôi đối với vùng nuôi của mình./.


Hoàng Thị ThanhTrung tâm Khuyến Nông – Khuyến ngư Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP