Tuỳ bút Quê hương

Nhà thơ Minh Nho với "Mai em về Hà Tĩnh"

Đó là bài thơ của nhà thơ Minh Nho (tên thật là Đinh Nho Liêm)- nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ Tĩnh và Tổng Biên tập báo Hà Tĩnh. Tác giả vừa là nhà báo vừa nhà thơ và đã có hàng trăm tác phẩm ghi dấu ấn khó quên trong lòng độc giả Nghệ Tĩnh cũng như cả nước.




Sau 15 năm sáp nhập hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (1976-1991) thành tỉnh Nghệ Tĩnh, “Ôi mười lăm năm ấy-Biết mấy là buồn vui”. Có thể nói, mười lăm năm là cả chuỗi thời gian khá dài nhưng cuộc hội ngộ chưa thực trọn vẹn, ngày chia tay đã cận kề. Trả lại cho em cái tên Hà Tĩnh, cái tên thân thương ngày em ra đi, nay em lại mang về. Không có ngôn từ nào tả hết cái nỗi nhớ nhung trước lúc chia xa ấy, Nhà thơ Minh Nho đã thốt lên trong cõi lòng mình bằng áng thơ mộc mạc: “Mai em về Hà Tĩnh-Anh ở lại Nghệ An…”.


Có thể nói, sau công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thành công, Hà Tĩnh còn biết bao ngổn ngang bề bộn do cuộc chiến tranh tàn khốc để lại; Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh chưa kịp hàn gắn, khắc phục khó khăn chồng chất thì cũng là lúc thực hiện quyết định của Chính phủ về việc sáp nhập Nghệ An và Hà Tĩnh để cùng nhau chung lưng đấu cật bắt tay xây lại cuộc sống mới.


Một ngày đầu năm 1976, người Hà Tĩnh đã mang hành trang đến với Thành Vinh- Trung tâm tỉnh lỵ Nghệ An để cùng nhau xây dựng Nghệ Tĩnh theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã chọn. Sau cuộc hội ngộ, cuộc sống của nhân dân Hà Tĩnh cũng bắt đầu được hồi phục từ ý chí và nghị lực; người người ra đồng, nhà nhà ra đồng bắt tay san lấp hố bom, cày cuốc lại ruộng đồng, tiếp tục gieo mầm sống mới. Từ đấy, tình cảm 2 tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh lại càng quyện chặt bên nhau: “ Sông Lam và Sông La- Chung một dòng cuộn chảy.” Nghệ An có dòng sông Lam, Hà Tĩnh có sông La, hai con sông lớn gặp nhau tại Bến Thủy chảy ra biển cả. Mặc dầu được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, của tỉnh nhưng đời sống người dân Nghệ Tĩnh thời bấy giờ cực kỳ gian nan và vất vả: “Năm 80 gạo cũng 80- dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ..”... Riêng Hà Tĩnh, hầu hết các công trình cơ sở hạ tầng đều bị giặc Mỹ ném bom tàn phá. Nhà thơ Minh Nho đau xót viết: “ Bao cay đắng ngọt bùi-Khi đào sông đắp đập – Khi xẻ núi mở đường-Mồ hôi và máu thấm”. Có lao động mà không có ăn bởi kênh mương thủy lợi không có, ruộng đồng cằn cỗi, xác xơ dẫn đến: “Bát cơm chưa đầy đặn- Bao lần phải sẻ san”


Thời bấy giờ cả Nghệ Tĩnh vào cuộc Cách mạng: “Dân dời lên ở vùng cao- Để đất bằng phẳng đưa vào thâm canh”. Cuộc cách mạng bằng ý chí và nghị lực, bằng cả tấm lòng của người Cộng sản: “Thay trời đổi đất – Sắp đặt lại giang sơn” để “Nắng đốt và mưa chan-Dựng nên làng nên phố”. Nhớ lại những năm đầu nhập tỉnh, được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, lực lượng thanh niên xung phong ra quân ồ ạt đi xây hồ Kẻ Gỗ, công trình đại thủy nông của cả miền Bắc thời bấy giờ. Đến các công trình thủy lợi vách Bắc, vách Nam để bắt nguồn nước ngọt ngược dòng, tưới mát cho bao cánh đồng bao đời khô hạn.


Có nước từ các công trình thủy lợi, cuộc sống hai miền Xứ Nghệ bắt đầu được cải thiện. Nhà thơ Minh Nho luôn cùng chung nhịp thở cuộc sống thường nhật, để thấu hiểu những khó khăn vất vả gần gũi và sẻ chia với người nông dân một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để làm nên củ khoai hạt lúa để rồi: “ Sông núi nào cách trở-Câu ví dặm thương nhau-Phiên chợ Vinh đẹp giàu- Bao miền quê bỗng gặp”. Thời bấy giờ, do hậu quả của chiến tranh tàn khốc để lại, chợ búa thưa thớt, khi nhập tỉnh cả Nghệ Tĩnh duy nhất chỉ có chợ Vinh là khá tấp nập, để mọi người giao thương hàng hóa: “Bưởi ngon từ Phúc Trạch –Mít ngọt tận Nghĩa Đàn-Quỳnh Lưu về cải bắp- Cà chua từ Diễn Châu…”.


Phải nói rằng, thời gian nhập tỉnh cũng khá dài, tuy nền kinh tế phía Nam Nghệ Tĩnh là Hà Tĩnh lại còn tụt hậu rất nhiều so với kinh tế của các huyện phía bắc bởi các cơ sở hạ tầng sau chiến tranh vẫn chưa thể hàn gắn nổi; mặc dầu vậy nhưng cuộc sống, tình cảm con người Xứ Nghệ luôn luôn lạc quan với cuộc sống mới: “Trai gái cứ yêu nhau- Đứa lấy chồng Núi Quyết- Đứa lấy vợ Ngàn Sâu- Con cái đều khỏe đẹp”. Nhà thơ Minh Nho luôn thể hiện cái nghĩa tình trong mọi câu thơ của mình; có nghĩa có tình thì dù khó khăn đến mấy rồi cũng sẽ vượt qua: “ Nghĩa tình sao nói hết- Những điều xưa xa sâu-Những ngày ta bên nhau-Dựng xây nên Nghệ Tĩnh”.


Nhà thơ không chỉ dừng lại ở những câu thơ rất đỗi mộc mạc và tự hào ấy mà ông luôn trăn trở, ngoài nghĩa tình chân chất trong thơ của ông ra, Nhà thơ Minh Nho đã luôn lấy tính tính chính trị làm cốt lõi để gieo chữ, gieo nghĩa. Và cũng vì thế mà tạo lập nên chổ đứng của một nhà thơ. Mỗi bài viết, mỗi câu thơ của ông đều đau đắu nghĩa tình quê hương. Khi Nhà thơ ngoảnh lại thời gian đã trôi dần theo năm tháng hơn cả một thập niên, còn đó biết bao toan tính để xây nên một Nghệ Tĩnh giàu mạnh, một thế đứng cho cả miền Trung quê Bác. Nhưng, tất cả vẫn còn ở phía trước. Bao hẹn hò dang dở đành phải chia tay, để rồi : “ Mai em về Hà Tĩnh- Anh ở lại Nghệ An, Sông La và Sông Lam- Rung giây đàn một nhịp”.


Thế là, vào một ngày tháng 9 năm 1991, ‘anh” Nghệ An tiễn người “em” Hà Tĩnh về lại với quê mình, tấm lòng của người thành Vinh như níu chặt lấy cả khối tình cảm không thể cách chia đôi bờ Bến Thủy, nặng nghĩa, nặng tình lắm lắm nhưng rồi cũng phải chia xa. Người Hà Tĩnh lại mang hành trang trở về quê cũ để tiếp tục xây dựng lại cuộc sống trên chính quê hương mình, để lại phía sau một Thành Vinh bao nổi hoài niệm. Đứng giữa quê mình nhà thơ lại thốt lên: “Tôi lại về Thị xã-Như đứa con xa trở về với mẹ – Chẳng còn thơ bé để tung tăng đi khắp phố khắp nhà… Những con đường đất đá ngập lầy- Những dòng người xe chen chúc”. Có lẽ Nhà thơ trở lại quê hương với một tâm trạng đầy ắp ngổn ngang kỷ niệm. Tâm hồn như một đứa trẻ thơ ngơ ngác nhìn lại: “Mười lăm năm giữa dòng đời trong đục- Thành Sen ơi, đất mẹ quê cha-Vẫn con đường độc đạo ta qua..”. Sau 15 năm hội ngộ với biết bao vui buồn, nay nhà thơ lại phải đối diện với một thực cảnh: “Tôi trở về trong nửa gian nhà chật –Nước thiếu- điện chập chờn –Bữa cơm còn vắng bóng vợ con – Đêm đêm đọng nỗi buồn –Nghe tiếng lòng thầm nhắc-Món nợ quê nhà…”.


Cho đến những ngày này, nhìn lại quảng đường 20 năm tái lập tỉnh đi cùng năm tháng, tuổi đời của nhà thơ Minh Nho đã già yếu đi nhiều nhưng tâm hồn ông thì vẫn mãi trẻ trung, yêu nghề, yêu đời. Cả cuộc đời làm báo, làm thơ ông luôn nghĩ về quê hương, nghĩ về sự nghiệp phát triển của tỉnh nhà. Bạn bè, đồng chí chúc nhà báo, nhà thơ Minh Nho vượt qua căn bệnh hiểm nghèo để tiếp tục cống hiến cho đời những trang viêt tươi xanh như “Mai em về Hà Tĩnh”.

Nông Nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP