Tuỳ bút Quê hương

Nhà thờ họ – nơi lưu giữ những truyền thống cội nguồn

Về quê đã như một tâm niệm của mỗi người con xa xứ trong những dịp lễ Tết hay những lúc con người ta đã mỏi gối chồn chân nơi chân trời góc bể muốn được về nơi quê cha đất tổ để hưởng cái thú thanh nhàn.

Và quê hương, với những ngôi nhà thờ họ như một nét kiến trúc pha điểm và riêng biệt là nơi để mỗi người con nước Việt mỗi khi ra đi đau đáu và người trở về cúi đầu, nơi mà lòng người thảnh thơi mỗi khi thắp hương khấn cầu trước tổ tiên mình…


“Nhà thờ họ là một ngôi nhà dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ tính theo phụ hệ (dòng của cha)” (Bách khoa toàn thư). Vậy thì con người nhớ đến nhà thờ họ như nhớ về cội nguồn của mình, là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” như cây có cội, chim có tổ, người có tông mà ông cha ta đã nhắc nhở con cháu từ bao đời nay.


Về những vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ, hình ảnh nhà thờ họ đã trở thành một biểu tượng rất đỗi thân quen và linh liêng của nhân dân mình. Ngày lễ tết dù ai muốn đi lễ chùa nơi đâu thì điểm đến trước hết phải là nhà thờ tổ tiên. Lúc còn nhỏ tôi thường được theo cha đi lễ nhà thờ mỗi dịp tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, tháng Bảy,… Tiếng trống họ, tiếng tầm vông, tiếng chiêng kèng kèng đồng loạt nổi lên như khơi dậy trong cháu con những mạch nguồn cội rễ xa xưa khi cha ông ngày trước lập nên dòng họ.


Làng quê những ngày lễ nghi ngút hương khói từ các nhà thờ và tiếng trống chiêng vang vọng tứ phía khắc dấu vào trong mỗi lòng người con đất Việt để khi “đi xa thì muốn về, khổ đau càng muốn về” như lời trong bài hát của nhạc sỹ An Thuyên.


Từ Nghệ An theo cha vào Hà Tĩnh khi ông đã gắn sự nghiệp mình với hồ Kẻ Gỗ để mang dòng nước đến cho đồng ruộng, anh chị em chúng tôi được cha đưa đến trước nhà thờ họ thắp hương chào lạy tổ tiên và cầu mong tổ tiên phù hộ. Đó là sau này cha tôi kể lại chứ lúc đó trong trí nhớ của một bé gái 5 tuổi tôi chỉ nhớ hình ảnh cha tôi mắt ngấn nước quỳ lạy trước bàn thờ tổ và cái nhìn khắc khoải của ông khi phải xa mảnh đất chôn nhau cắt rốn để tha hương cầu thực.


Rồi tôi vào đại học, trong những việc chuẩn bị cho đứa con xa nhà tự lập vào đời, cha tôi không quên đưa tôi về quê để cúi chào tiên tổ. Lần này, tôi thấy mắt cha ngời sáng như thầm báo với gia tộc con cái đã được cha nuôi dạy nên người. Cắm thẻ hương lên bàn thờ, tôi cũng xúc động thầm hứa với gia tiên sẽ cố học thành tài làm rạng danh cho dòng họ.


Cứ thế, mỗi thời khắc quan trọng của cuộc đời con người luôn được tổ tiên chứng giám và theo sát. Con trai lấy vợ, con gái theo chồng, trước khi làm lễ với xóm làng phải báo với dòng tộc; mỗi đứa con sinh ra đều được đúng trước nhà thờ thắp hương để ghi vào gia phả dòng họ… Có những dòng họ cuốn gia phả đã dày cộm, trong đó là tên tuổi con cháu và những việc quan trọng của họ mạc, là lịch sử mỗi dòng họ để truyền lại cho thế hệ tương lai sau này.


Nhà thờ mỗi họ được xây dựng với quy mô, kiến trúc tùy theo gia cảnh dòng họ đó, là sự đóng góp của các suất đinh (là nam) và theo địa vị xã hội của những người có vai vế trong họ. Tuy nhà thờ mỗi họ vì thế lớn nhỏ khác nhau nhưng với họ nào thì đây cũng là nơi để tụ tập cháu con đoàn viên trong những dịp lễ lạt. Tùy theo mỗi vùng và mỗi dòng họ mà có những cách soạn lễ khác nhau nhưng thường mỗi gia đình soạn cỗ xôi con gà đến cúng rồi cùng nhau hạ cỗ uống rượu nói chuyện rôm rả ngay giữa sân nhà thờ, còn một phần đưa về lấy lộc.


Sau Tết cổ truyền Quý Tỵ vừa qua, rằm tháng Giêng lại về. Như một lời hẹn ước với lòng, mỗi người con dân Việt lại tìm về với nhà thờ họ như để được anh linh người xưa tiếp thêm sức mạnh cho những chặng đường phía trước và gìn giữ tâm linh cội rễ cao quý của dân tộc mình.


Lê Hương

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP