Nhà cổ bên sông
Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ Trần Ngọc Du nằm trong hẻm 342 đường Bùi Hữu Nghĩa (P. Tân Vạn, TP Biên Hòa, Đồng Nai). Đây là nhà cổ đầu tiên trong chuỗi nhà cổ trên toàn tỉnh Đồng Nai được UBND tỉnh công nhận là di tích.
Bảng chỉ dẫn vào nhà cổ. Tấm bảng này mới được dựng lại sau một thời gian dài bị gãy đổ. |
Ngôi nhà cổ Trần Ngọc Du được xây dựng vào năm 1900. Tọa lạc trong khu đất rộng 1.200 m2, mặt tiền nhà cổ hướng ra sông Đồng Nai và mặt hậu tựa lưng vào núi Châu Thới. Trải qua 5 đời, hiện nay gia đình chị Tuyết Hồng và các con ở tại đây để trông coi di tích.
Chúng tôi bước vào nhà từ phía sau. Chị Tuyết Hồng hướng dẫn chúng tôi tham quan nhà. Quần thể nhà cổ gồm nhà trên, nhà dưới và nhà bếp nối tiếp nhau. Chị Hồng cho biết, nhà sau và nhà bếp hư hỏng quá nặng đã được đập bỏ và xây lại để con cháu ở. Hiện chỉ còn lại nhà trên với kiến trúc theo kiểu nhà 3 gian 2 chái.
Chị cho biết: "Lâu rồi không có ai đến tham quan. Chỉ thỉnh thoảng có một đài truyền hình ở miền Tây lên đây xin quay ngoại cảnh. Có lẽ do chúng tôi bận đi làm ăn nên thường xuyên khóa cổng không ai vào được chăng?".
Mặt tiền nhà cổ Trần Ngọc Du. |
Nhà trên mái lợp ngói âm dương, nền lót gạch tàu. Nhà có 6 hàng cột, mỗi hàng 6 cây bằng gỗ căm xe đen bóng. Cột, kèo, xiên, trính đòn tay, rui… kết dính với nhau bằng mộng và đóng chốt. Ở những đầu kèo còn có chạm trỗ hoa văn, họa tiết rất đẹp.
Trang thờ chính giữa nhà. |
Trong nhà, ba gian nhà chính là nơi có 3 tủ thờ. Gian thờ gia tiên ngay chính giữa gồm một trang thờ đặt trên tủ thờ khá cao. Trong trang là một tượng Phật nhỏ. Hai bên có hai câu đối, trên cùng là bức hoành phi. Cả câu đối và 3 chữ trên bức hoành phi đều bằng chữ Hán.
Gian bên trái trên tủ thờ có di ảnh ông Trần Ngọc Du. Gian bên phải có di ảnh của các thế hệ tiếp sau. Ngoài 3 tủ thờ, trong nhà không đặt một vật dụng gì. Trên mỗi tủ thờ chỉ có di ảnh người đã khuất và đơn độc một bát nhang. Cả 3 nơi thờ đều trong tình trạng hương tàn khói lạnh.
Bên trái là nơi thờ ông Trần Ngọc Du. Các bàn thờ đều chỉ có di ảnh và 1 bát nhang. Tất cả trong tình trạng hương tàn khói lạnh. |
Chị Hồng cho biết, thuở xưa ông Trần Ngọc Du xây dựng ngôi nhà này làm nơi ở và nơi thờ phụng gia tiên. Nơi ở gồm nhà nhà dưới và nhà bếp đã không còn, chỉ còn lại nơi đây dùng để thờ cúng và tiếp khách nên rất trang trọng và uy nghiêm.
"Bây giờ, chúng tôi, phận đàn bà, mới được tới chứ trước đây theo lời ông bà kể lại, đàn bà con gái không được phép lên nhà trên", chị Tuyết Hồng nhớ lại.
Cuộc trùng tu nhà cổ Việt của người Nhật
Chúng tôi mở cửa ra phía trước. Dòng sông Đồng Nai lặng lờ trôi. Trước sân, cây cỏ um tùm. Nhiều cây dại mọc hoang, thiếu bàn tay chăm sóc. Hàng rào khóa chặt nên chúng tôi không thể đến bờ sông, nơi từng là bến nước để cả gia đình sinh hoạt.
Ông Trần Ngọc Du (1862-1932), vốn là tri huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai). Ông đã cùng nhóm thợ mộc ở Bình Dương vào rừng tuyển gần 200 cây gỗ quý các loại như: căm xe, sao, dầu, sến, gõ...
Gỗ được vận chuyển bằng đường thủy theo sông Đồng Nai về cập bến ngay khu đất từ đường họ Trần.
Hàng cột lên nước bóng loáng. |
Một nửa số gỗ khai thác được dùng làm cột, số còn lại làm xiên, trính, kèo, đòn tay. Ngoài ra còn xẻ thành ván làm bàn ghế. Nhà cổ nằm trong khu vực làng gốm Tân Vạn nên toàn bộ gạch, ngói sử dụng trong nhà đều được đặt mua tai đây.
Ông còn thuê một số nghệ nhân phục vụ cho việc chạm trổ các họa tiết ở đầu kèo, cửa phòng, trang thờ... với nội dung sát với cuộc sống dân gian. Phải mất ròng rã 2 năm ngôi nhà mới hoàn thành.
Trải qua thời gian dài, nhà cổ Trần Ngọc Du xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ nhà dưới và nhà bếp bị xóa sổ vào năm 1965 và thay vào đó là những gian nhà gạch mới. Nhà trên là nhà chính và cũng là linh hồn của nhà cổ Trần Ngọc Du đang rất cần khôi phục.
|
Năm 2002, Tổ chức văn hóa và phục hồi văn hóa của Nhật Bản (JICA) cùng trường Đại học Nữ Chiêu Hòa Nhật Bản (Showa Women’s University) tài trợ 800 triệu đồng để trùng tu và sửa chữa ngôi nhà cổ Trần Ngọc Du. Sở dĩ người Nhật chấp nhận khôi phục lại nhà cổ này bởi nơi đây còn giữ được nét kiến trúc nguyên bản.
Trong suốt 2 năm, ngôi nhà được kiến trúc sư Akiyoshi Ejima cùng nhóm chuyên gia Nhật Bản trực tiếp thực hiện. Họ làm việc rất kỹ lưỡng, nghiêm túc, lấy từng mẫu gỗ đưa về Nhật thử nghiệm. Các bộ phận cấu tạo nên ngôi nhà đều được phục chế theo đúng nguyên mẫu.
Để giữ được màu của thời gian, họ đã không dùng đến véc-ni để đánh bóng. Nền nhà được làm lại bằng lớp bê tông dày và lát lại gạch cũ đúng kiểu xưa. Cửa trước đã bị mất, họ làm phên tre ốp vào cửa như các nhà xưa vùng quê miền Tây.
Phía trước ngôi nhà, sông Đồng Nai hiền hòa trôi. |
Ngôi nhà được nâng cấp, khôi phục lại như cũ và đến năm 2005 được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hiện, người cháu gái gọi ông Trần Ngọc Du bằng ông sơ (chị Tuyết Hồng) cùng 4 con và 3 cháu đang ở tại đây. Vừa là phụ nữ, vừa phải lo miếng cơm manh áo hàng ngày, chị khó lòng bảo tồn được ngôi nhà.
Hình ảnh một di tích mang đậm nét văn hóa vùng miền bị bỏ quên khiến ai cũng nao lòng. Với tình trạng này, khả năng nhà cổ tái xuống cấp là điều không thể tránh khỏi...
Tác giả: Trần Chánh Nghĩa
Nguồn tin: Báo VietNamNet