Với những cống hiến to lớn cho cộng đồng, Dự án Nhà chống lũ vừa vinh dự đạt giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2016.
Từ ánh mắt thất thần của một cụ già vùng lũ
Nhà chống lũ đã hoàn thiện, đảm bảo an toàn cho người dân. |
Dự án Nhà chống lũ là 1 trong 10 đơn vị đạt Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2016, giải thưởng cao quý do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng cho các tập thể, cá nhân có cống hiến và thành tích xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ý tưởng dự án bắt đầu khi chị Phạm Thị Hương Giang -CEO Công ty Tư vấn Thương hiệu G’Brand (biệt danh Jang Kều), người sáng lập chương trình Nhà chống lũ, cùng bạn bè vào Quảng Nam làm công tác thiện nguyện năm 2009.
Trên đường đi hỗ trợ các em học sinh Trường Lê Quang Tám (Quảng Nam) bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, nhóm thiện nguyện đã tận mắt chứng kiến khung cảnh tan hoang, nhà cửa gần như biến mất hết vì bị lũ cuốn trôi. Ấn tượng ám ảnh nhất là hình ảnh một cụ già chống cuốc đứng thất thần, vô cảm với tất cả mọi điều xung quanh.
“Ánh mắt của một người mất trắng sau trận lũ đã khiến tôi nung nấu ý tưởng triển khai xây dựng mô hình nhà an toàn để đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân khi lũ về”, chị Jang Kều xúc động kể lại.
Và rồi tình cờ chị Jang Kều biết đến mô hình nhà cổ cả trăm năm được dựng trên 6 chiếc cột bê tông nhằm bảo vệ sự an toàn. Ngay lập tức, chị tin rằng sẽ rất hợp lý nếu áp dụng cách thức này vào mô hình Nhà chống lũ.
Đến hành trình 3 năm hiện thực hóa ý tưởng
Nhóm Nhà chống lũ đang đi thực địa. |
Được thành lập ngày 21/11/2013, nhóm Nhà chống lũ chỉ gồm 5-7 người, làm các ngành nghề khác nhau. Lần đầu tiên kêu gọi mọi người ủng hộ, huy động được hơn 200 triệu đồng, nhóm Nhà chống lũ đã nhanh chóng vào Hương Sơn – Hà Tĩnh để triển khai chương trình với 7 tiêu chí để hỗ trợ người dân vùng lũ, đó là: Hộ nghèo, cận nghèo chịu thiệt hại nặng sau mưa bão; Cam kết thực hiện theo thiết kế của dự án Nhà chống lũ để đảm bảo có ngôi nhà mới bền vững, an toàn trước các biến động của thiên tai; Có khả năng đối ứng về vốn; Thực hiện theo đúng tiến độ, kế hoạch mà dự án đề ra; Ưu tiên các nhà đông nhân khẩu, những hộ gia đình có con nhỏ; Các hộ đặc biệt như quá nghèo, bệnh tật, không biết quản lý tài chính thì phải huy động thêm nguồn lực giúp hộ được hỗ trợ (UBND xã/phường/ thị trấn hoặc hội – đoàn thể ở địa phương); Có đất hợp pháp (được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chứng nhận quyền thừa kế đất đai hợp pháp…).
Nhớ lại những ngày đầu triển khai dự án Nhà chống lũ đầy khó khăn, thách thức, chị Jang Kều nói: “Chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức, từ việc nghiên cứu kế hoạch tìm sinh kế dài lâu cho người dân vùng lũ, khảo sát, tổ chức sự kiện kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng nhằm giúp người dân vùng lũ có cuộc sống ổn định, bền vững. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng “an cư – lạc nghiệp” là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Nhóm Nhà chống lũ rất vui mừng khi là nhân tố đóng góp sự ổn định lâu dài tới những người dân vùng lũ”.
Mặc dù nhóm Nhà chống lũ chỉ có 5-7 người nhưng thông qua mạng xã hội hoặc cộng tác viên từ các tỉnh, đặc biệt là nhờ có đội ngũ thanh niên các tỉnh Đoàn, nên nhóm hoạt động hiệu quả hơn.
“Chương trình được triển khai với số lượng người ít nên chúng tôi áp dụng cách làm cuốn chiếu, đến nơi này để đánh giá thật kỹ, sau đó, khởi công ở đây thì khảo sát tiếp khu vực bên cạnh để đến khi khởi công bên kia thì bên này đã triển khai công tác giám sát rồi. Mỗi căn nhà của dự án Nhà chống lũ sau khi hoàn thiện đều được gắn 1 viên gạch gốm Nhà chống lũ, với ý nghĩa thể hiện sự chung tay của cộng đồng cùng xây dựng ngôi nhà cho người dân vùng lũ”.
Sau 1 thời gian triển khai tại các địa phương khác nhau có địa chất và thời tiết khác biệt, nhóm Nhà chống lũ đã nghiên cứu và xác định rõ 7 mô hình xây dựng ngôi nhà chống lũ. Cụ thể, như ở Hà Tĩnh (Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang) có đặc điểm vừa xả lũ thủy điện vừa có địa chất yếu kết hợp lũ nên nhà chống lũ phải có thiết kế đặc biệt; Ở Quảng Ninh thì kê nền lên tránh lũ bùn, lũ ống; Ở vùng biển Quảng Bình có đặc điểm lũ kết hợp bão; Ở Tân Hóa- Quảng Bình thường có lũ cao từ 4 – 14 m nên phải làm nhà phao; Còn lũ ở Quảng Nam có đặc điểm là lũ pha bão và cát…
Và niềm tin của những người làm công tác thiện nguyện
Trong vòng 3 năm (2013-2016), dự án Nhà chống lũ đã xây dựng được hơn 350 căn nhà hỗ trợ giúp người dân 6 tỉnh thành trên cả nước.
Theo chị Jang Kều, điều mà nhóm dự án Nhà chống lũ hướng tới là thay đổi ý thức của người dân tại vùng lũ. “Tới đây, chúng tôi sẽ thành lập quỹ, có trả lương cho những người tham gia dự án để có thể có nguồn lực con người tập trung cho triển khai các hoạt động của dự án một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững. Từ thành công ban đầu của dự án Nhà chống lũ, chúng tôi cũng đã triển khai thêm nhiều chương trình khác kết hợp như tạo sinh kế bền vững cho người dân. Chẳng hạn như trao tặng dê cho người dân thì có sự thỏa thuận rằng sau này sẽ chuyển 2 dê con do con dê được tặng đẻ ra cho người khác, và cứ như vậy sẽ lan tỏa cách làm cũng như đảm bảo thu nhập cho người dân”, chị Jang Kều chia sẻ thêm.
Đối với những người làm công việc từ thiện, niềm tin là một thứ vô hình nhưng rất giá trị. Chị Jang Kều và nhóm dự án Nhà chống lũ vẫn luôn tin rằng con người sẽ ngày càng sống tử tế với nhau hơn và cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp lên.
Thái Anh