Tuỳ bút Quê hương

Ngược dòng Ngàn Phố…

Cái rét cuối đông tê cóng từng hơi thở nhưng con sông Ngàn Phố vẫn âm thầm đổ về bến Tam Soa trong mờ mịt mưa phùn. Khí trời đã tô đậm thêm vẻ trầm mặc và lặng lẽ vốn có từ khá nhiều năm nay cho con sông quê tôi. Tôi ngược ngàn khi trong mình mang theo từng suy nghĩ, từng hơi thở, từng nhịp trái tim…

Về Ngàn Phố, nhạc sỹ Trần Hoàn từng nói: “Em sinh khi mô thì tui đây nỏ biết …chỉ biết bây giờ xanh mướt những bờ cây”. Không biết sông có tự bao giờ nhưng trong mông lung chuyện cũ của nội tôi thì xa xưa sông có tên Đỗ Gia (theo tên huyện Hương Sơn cũ) bắt nguồn từ đại ngàn Sơn Kim, và Sơn Tân quê tôi chính là điểm cuối trước khi hợp lưu với “dải lụa” Ngàn Sâu, khoác lên mình tên gọi mới – La Giang.


Tạo hóa đã ban cho vùng đất Sơn Tân một nét vẽ tuyệt đẹp khi đặt bên này dòng chảy là trùng trùng Thiên Nhẫn hùng dũng như đàn thiên mã trong thế vươn lên phía trước – nơi có đền La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, có khe Nước Đổ và thành Lục Niên (là căn cứ chống giặc Minh của Bình định vương Lê Lợi trong sáu năm liền)… Còn bên kia là làng mạc trù phú với ngàn dâu xanh mướt và những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, có làng mộc Xa Lang nổi tiếng khắp huyện, khắp tỉnh, lên cả triều đình với những người thợ không chỉ khéo léo mà còn có triết mỹ uyên thâm như: bác cả Mền, phó Xuân, phó Thảnh…


Tương truyền cả Mền (1868 – 1933) là thợ cả tài hoa trong làng mộc Xa Lang. Tài năng và cốt cách của ông được thừa hưởng từ nghiệp tổ tông, từ các vị cao tổ, tằng tổ họ Trần vốn là những chuyên gia xây dựng kiến trúc có biệt tài về tạo dáng, chạm khắc tinh xảo, điệu nghệ và thường xuyên thiết kế, qui hoạch tổng thể các công trình hoành tráng. Từ thuở còn là thanh niên, ông đã được tôn là bậc thợ cả, nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh. Đôi bàn tay vàng và đặc biệt là cảm quan thẩm mỹ, những quan điểm duy mỹ vừa sáng tạo vừa đậm đà tính dân tộc và phong cách dân gian độc đáo của ông nay vẫn còn in đậm dấu ấn trên những công trình đền đài, lăng tẩm như: đình Trung Cần, đình Hoành Sơn, Khiêm cung lăng vua Tự Đức…


Chuyện xưa kể lại, trong một cuộc thi tạo dáng, vẽ mẫu các hình chạm khắc và bố cục tổng thể của khu đền Thánh – huyện đường Đỗ Gia cũ (thuộc Sơn Tân ngày nay) do Hội văn thân Hương Sơn tổ chức và Thượng thư Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm chỉ đạo, giám sát công trình, cả Mền đã loại hàng chục đối thủ trong đó có cả bản vẽ của Hoàng giáp. Những lý lẽ giải thích cho sự phá cách, sáng tạo của cả Mền đã hoàn toàn thuyết phục Nguyễn Khắc Niêm. Trải những thăng trầm lịch sử, đền Thánh ngày nay đã không còn nhưng câu chuyện về bác cả Mền vẫn lưu truyền khắp làng trên xóm dưới như một huyền thoại. Và sau những biến đổi của của đời sống xã hội, sau một thời gian dài bị lãng quên, ngày nay làng mộc Xa Lang đang hồi sinh từng ngày.


Sinh thời nhà thơ Huy Cận cũng đã hết lời ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên của Sơn Tân với những bờ sông rợp bóng cừa và lộc vừng, với hệ thống đền đài, chùa tháp, với rừng trúc đầy huyền thoại mang dấu ấn hai vị dũng tướng Trần Đạt và Trần Lệ mà về sau nhân dân lập đền thờ tôn hai vị làm thành hoàng của làng. Sau khi cuộc bình định của Lê Lợi thành công, vua Lê Thái Tổ sắc phong cho ngôi đền là Tối Linh tự, nhưng bà con vẫn quen gọi là đền Trúc…”Quần thể kiến trúc hai bên bờ sông ở đây là một di tích nghệ thuật hiếm có, phản ánh rất rõ bản chất triết mỹ của người Việt, biểu hiện cho phẩm chất luôn vươn lên, hướng tới cái chân, thiện, mỹ của tổ tiên…” (dẫn theo Trần Anh Thuận – “Sơn Tân quê hương tôi”).


Ngược dòng Ngàn Phố...

Một nét sông quê. Ảnh: In ternet

Ngày nay, Ngàn Phố không còn cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập như mấy chục năm về trước nhưng trong chuyến du giang của mình, tôi vẫn bắt gặp những con thuyền ngược xuôi chất đầy hàng hoá. Họ là những ngư dân miền xuôi theo sông ngược ngàn với sản vật biển cả và rồi lại xuôi về với đầy đủ thức ngon, vật lạ của núi rừng. Câu ca: “Mít non chở xuống, cá chuồn chở lên” là vậy. Sông không chỉ cung cấp nước và phù sa cho ruộng đồng cây trái mà còn là con đường giao thương nối miền ngược, miền xuôi. Tưởng như nơi đây tồn tại hai dòng chảy ngược xuôi, hoà lẫn vào nhau của những nét văn hoá, những tập tục, tâm tư, tình cảm … của con người đồng bằng và miền núi.


Ở phương diện khác, sông chính là nơi tạo nên văn hoá cho những làng xã ven sông, khoác lên mỗi vùng đất nơi nó đi qua một sắc màu riêng biệt. Vùng hạ lưu như: Sơn Hoà, Sơn Thịnh, Sơn Tân có lẽ là những vùng được hưởng nhiều ưu đãi nhất từ sông. Dường như từ thượng nguồn trôi về, sông đã mang theo tất cả những gì tốt nhất nhất và lắng đọng trên vùng đất này, nuôi dưỡng ruộng đồng quanh năm tươi tốt, làng mạc trù phú. Dòng chảy hiền hoà, mềm mại mang tên Ngàn Phố ấy đã tạo cho cư dân nơi cuối dòng những khác biệt về ngoại hình và tố chất so với những vùng khác.


Thôn nữ của vùng Thịnh Xá, Văn Giang, Xa Lang, Đậu Xá từng rất nổi tiếng với vẻ dịu dàng, duyên dáng rất riêng. Từ thượng nguồn sông đã mang về biết bao nguyên liệu để làm nên một Sơn Thịnh nổi tiếng với nghề đan lát và làm guốc mộc. Cũng từ dòng chảy này, những đôi guốc mộc, những nong, thúng, dần sàng… đã theo thuyền bè tới những vùng quê xa mang theo cả nét văn hoá của vùng sông núi mà người thợ đã gửi gắm qua đôi tay khéo léo của mình. Và có mấy ai hay kẹo Cu-đơ – đặc sản của Hà Tĩnh ngày nay là khởi nguồn từ nhà ông Cu Hai ở bến sông này…


Ngược lên không xa là làng khoa bảng Sơn Hoà với 2 dòng họ danh tiếng Nguyễn Khắc và Đinh Nho. Linh khí của dòng sông đã hợp với thổ nhưỡng tạo nên chốn địa linh nhân kiệt, trong đó phải kể đến những tên tuổi lớn như: Thượng thư Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, Giáo sư – Viện sỹ Nguyễn Khắc Viện… Họ đã được sinh ra ở đây, uống nước khúc sông này, ngụp lặn và lớn lên cùng con sông quê hương và trở thành những tài năng quí báu của Tổ quốc.


Sông Ngàn Phố là quà tặng vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất Hương Sơn. Đôi bờ ven sông là những làng mạc trù phú với bãi mía, nương dâu, ruộng lạc, ruộng ngô xanh mướt theo mùa như: Sơn Châu, Sơn Ninh, Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Diệm, Sơn Quang… Làng mạc thanh bình yên ả, phong cảnh hữu tình vì thế còn là nơi tìm về của biết bao người con quê hương. Dẫu không được sinh ra và lớn lên ở đây, dẫu quê cha ở tận Hưng Yên nhưng cuối đời đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã tìm về với mảnh đất Tình Diệm (Hương Sơn) quê mẹ. Và tại ngôi chùa Tượng Sơn nằm sát tả ngạn sông Ngàn Phố (nay thuộc Sơn Giang) ông đã hoàn thành 66 quyển của 28 tập bộ sách “Y tông tâm lĩnh” vô cùng quí giá đối với nền y học Việt Nam cả về y thuật lẫn y đức.


Trải bao mưa nắng và nhiều bom đạn kẻ thù, di tích đang dần xuống cấp nhưng sau những cố gắng không biết mệt mỏi của ông Lê Thế Chung, ông Lê Năm (vốn là những người đã và đang nắm giữ chức vụ Giám đốc viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác) và các vị lãnh đạo tỉnh, Dự án “Tu bổ, tôn tạo quần thể di tích đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” được đầu tư xây dựng. Giờ đây, từ lòng sông có thể nhìn thấy rất rõ tượng đài và khu mộ đá Lãn Ông trên núi Minh Tự đã và đang được tôn tạo, xây dựng. Đó là nơi có vị thế “Tả toàn long thu hữu toàn thuỷ” mà sinh thời bậc danh y rất giỏi thuật phong thuỷ ấy đã căn dặn con cháu mai táng ông ở đó khi ông qua đời.


Ngược dòng Ngàn Phố...

Du khách viếng nhà thờ Đại danh y Lê Hữu Trác nhân ngày giỗ cụ – 15 tháng Giêng âm lịch

Ông Nguyễn Trung Thực – Trưởng đại diện văn phòng BQL dự án cho biết: “Được sự đầu tư và uỷ thác của Bộ y tế, Viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác là chủ đầu tư công trình này. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành thi công công trình, sau khi hoàn thành khu tượng đài và mộ đá sẽ tiếp tục thi công tôn tạo chùa Tượng Sơn và nhà thờ thân mẫu Hải Thượng. Đây là một vùng sơn thuỷ hữu tình, vậy nên theo qui hoạch và thiết kế của chúng tôi, nơi này không chỉ là khu tưởng niệm Lê Hữu Trác mà còn là khu du lịch sinh thái có qui mô rộng lớn và hiện đại”. Vậy là trong tương lai gần, Ngàn Phố hiền hoà lại được ôm trọn vào lòng mình một khu di tích lịch sử vô cùng đẹp đẽ.


Càng về phía thượng nguồn không gian càng mờ đục hơn bởi bụi mưa. Bến vắng, người thưa, đò của những xóm vạn chài nằm đợi nắng, sông vì thế trở nên trầm mặc hơn bao giờ hết. Qua những bãi lạc, ruộng dưa là trùng điệp núi rừng với dáng vẻ uy nghi, hùng vỹ. Có lẽ chính phong thái núi non này đã tạo nên những người con anh hùng, bất khuất, kiên trung mà tên tuổi còn lưu danh tới muôn sau. Sâu thẳm núi đồi những dấu tích về Cao Thắng – vị tướng tài ba, anh dũng của nghĩa quân Phan Đình Phùng vẫn còn lẫn quất trong mỗi hồn cây, tảng đá… Trên chuyến đò dọc của mình, thi thoảng tôi gặp những bè nứa với những dáng người cô đơn xuôi dòng mà tưởng như bóng dáng tảo tần của mẹ tôi, chú tôi, anh tôi…thuở cơ hàn lên rừng chặt nứa về bán … Đã xa lắm rồi, đã thành ký ức rồi mà sao hôm nay tôi lại rưng rưng, nghẹn ngào đến thế… Phải là sông đang nói cho tôi hay rằng cõi người vẫn chưa thể hết những cuộc đời cơ cực?


Dòng sông nào cũng chất chứa và chuyên chở trong nó nhiều tầng, nhiều lớp giá trị đối với đời sống nhưng hiếm có dòng chảy nào lại nuôi dưỡng và lưu giữ hai bên bờ của mình nhiều dấu tích quá khứ như Ngàn Phố. Tìm về với dòng sông là tìm về với cội nguồn văn hoá quê hương, tìm về những giá trị mới đang không ngừng được bồi đắp và kết tinh, cũng là tìm về với những gì đang chìm khuất trong sâu thẳm lòng mình…


Trong dòng chảy miên viễn của thời gian, Ngàn Phố của tôi vẫn hiền hoà chảy giữa dòng đời, lặng lẽ chảy vào lòng người những suối nguồn tinh khiết…Tôi tin thế!


ANH HOÀI

Baohatinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP