Một người bạn Hà Tĩnh đã nói đùa rằng bến Tam Soa là nơi kết duyên của 2 con sông này để tạo thành con sông La hiền hoà, thơ mộng, mặc dù trước đó sông Ngàn Sâu đã có lúc “ngoại tình” với nậm Ngàn Trươi ở rừng Vũ Quang…
Sông La chảy hết địa phận Hà Tĩnh thì gặp sông Cả từ miền Tây Nghệ An đổ về, hợp lại thành dòng sông Lam chảy theo ranh giới giữa đất Nghệ An và Hà Tĩnh ra biển qua Cửa Hội. Nhìn trên bản đồ, điều đó thật dễ nhận thấy. Nhưng để cả đời lênh đênh trên các nậm, các ngàn rồi nói được lên điều đó thì phải ghi nhận rằng đấy quả là một người ẩn chứa rất nhiều điều đáng để ngồi lại, đáng để một đêm cùng lênh đênh trên con thuyền và cũng là ngôi nhà của họ, ở tận sâu rừng thẳm, nơi bắt đầu của nậm Ngàn Trươi…
Anh bạn Thanh vốn là một người như vậy. Cũng trạc tuổi An, nhưng là dân sông nước, nên trông có vẻ già hơn, khắc khổ hơn và cũng… nhiều con hơn. Ngoài 40, chỉ ít ngày nữa là Thanh đã thành bố vợ (chỉ còn đợi đóng xong 1 chiếc thuyền, giá khoảng 3 triệu đồng làm của hồi môn cho con gái là đứa con đầu trong số 5 đứa con của Thanh sẽ ra ở riêng). Cánh “thương hồ” miệt rừng Trường Sơn sẽ lại thêm một gia đình mới…
Gọi là cánh “thương hồ” ở đây e rằng chưa thật chính xác, bởi việc buôn bán đối với họ chỉ là việc phụ. Cuộc sống của những người như gia đình Thanh, ngoài chuyện đánh cá thì còn có thêm cả nghề rừng nữa. Cá ở thượng nguồn không nhiều, lại khó bán nên việc khai thác tài nguyên rừng (trong phạm vi cho phép) là việc thường xuyên. Đời sông nước vốn nay đây mai đó, lại còn “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” nữa chứ. Thảo nào mà mấy anh “lính thủy đánh bộ” này thuộc kỹ đến từng khúc sông ở đây đến vậy; chỉ có điều cách tính khoảng cách của họ thì thật đặc biệt. Một ngày chèo có thể coi là đơn vị chuẩn, ít hơn là nửa ngày chèo, còn nhiều hơn là 2 ngày, 3 ngày…
Vậy thì một đời sông nước kia sẽ là bao nhiêu đây? Bao nhiêu chặng đường, bao nhiêu ghềnh thác, bao nhiêu chìm nổi…? Chợt thấy nao lòng trước một ý nghĩ như vậy. Và con lạch nhỏ chảy qua bến nước xã Hương Quang này đêm nay, vô tình hay cớ duyên gì lại là nơi họ neo lại, để rồi giữa chúng tôi và họ, chẳng biết ai là khách, ai là chủ đêm nay. Con thuyền cứ bồng bềnh, bồng bềnh cho đến khi những giọt rượu cuối cùng vơi cạn. Tiếng những con chim mơ ngủ, tiếng những con thú ăn đêm, tiếng cá đớp mồi khoan nhặt, tiếng sương rơi lành lạnh trên mái thuyền… làm cho đêm càng như thẫm lại, làm cho rừng núi càng như huyền bí, thâm u hơn. Chẳng biết mình đã gác lên ai và ai đã gác lên mình đêm qua nữa. Chỉ biết rằng đã có một lần như thế, đã có những người bạn như thế ở Vũ Quang…
***
Vườn Quốc gia Vũ Quang hiện nay có tiền thân từ Lâm trường Vũ Quang, sau đó trở thành khu bảo tồn thiên nhiên và bắt đầu chính thức được nâng cấp lên thành Vườn Quốc gia vào đúng thời điểm thành lập huyện, diện tích khoảng 55.000ha với nhiều loại cây gỗ nhóm 1 – 2 cùng nhiều loại động vật quý hiếm khác. Với trên 43km đường biên giới giáp nước bạn Lào, Vườn quốc gia Vũ Quang là địa bàn hoạt động của Đồn Biên phòng 567, lực lượng Biên phòng Hà Tĩnh. Để vào được xã Hương Quang, chúng tôi phải vượt được 3 “cửa” là Ban Quản lý VQG, kiểm lâm, Biên phòng, để rồi cuối cùng đến nghỉ tại nhà của… Trưởng công an xã. Ấy là chưa kể đến chuyện nhìn mấy chiếc xe “hầm hố” và bộ dạng của mấy thằng “trông như vừa trong rừng ra”, công an huyện cũng đôi lần dừng lại “hỏi han”…
Trưởng công an xã Hương Quang tên Vũ Tiến An (45 tuổi) nguyên là một hạ sĩ quan quân khí, về phục viên từ năm 1986. Câu chuyện trong bữa cơm ở nhà An, sau tất cả những điều xã giao thông thường, khi chút men đã làm cho mọi người trở nên cởi mở, liền quay trở lại chuyện rừng, chuyện thú và cuối cùng thì dừng lại ở chuyện về con sao la, con vật mà khi mới bắt đầu phát hiện ra ở Vũ Quang đã được coi như một sự kiện đặc biệt của giới sinh vật học. Vâng, con vật từng một thời là huyền thoại ấy đêm nay đã trở lại với chúng tôi trong đời thường, qua câu chuyện của một “thợ săn” đã giải nghệ.
An kể: Ở đây chúng tôi gọi nó là con dê sừng dài, chứ có ai biết sao la là gì đâu. Ngày mới phục viên về, công việc chưa có nhiều, thỉnh thoảng tôi lại lên rừng đặt bẫy thú. Chỉ cần đôi sợi dây phanh xe đạp bện lại, một đầu làm thành thòng lọng, đầu kia buộc vào một cành cây vít cong rồi cài lại, đặt trên đường đi của thú là có một chiếc bẫy, con thú nào đi qua cũng sẽ bị mắc lại, treo ngược lên. Bắt thì đơn giản như vậy, nhưng cũng chẳng để làm gì. Thịt dê ăn mãi cũng chán, kể cả là “dê sừng dài”. Đem về thì nặng, lại mất công bắt con đem biếu.
Lương Ngọc An
SKĐS