Trong sự gắn kết Bình – Hà ấy phải kể đến những con người đã làm nên nhiều điểm nhấn lịch sử mối quan hệ đó.
Tình cờ chúng tôi được biết và làm quen với ông Phan Văn Hợi – một người con Hà Tĩnh hiện đang sống và làm việc trên đất Bình Định trong dịp ông về thăm quê. Thật kỳ lạ, kíp làm chúng tôi đã theo chân ông ngay trong hành trình đó bởi đây cũng là mạch phóng sự mà chúng tôi sẽ thực hiện trong một chương trình liên quan. Trong nỗi niềm rưng rưng của một người con xa quê hơn 45 năm, chúng tôi cảm nhận được tấm lòng và nét thuần hậu của ông khi bước chân vào căn nhà xưa cũ. Mấy chục năm qua đi, hàng xóm làng giềng người còn kẻ mất, bạn bè xưa – những người đã tiễn ông đi trong ngày nhập ngũ cũng đến chào đón, hỏi thăm. Món quà của người con xa xứ cũng chỉ giản đơn là đặc sản của quê hương Bình Định ruột rà – mảnh đất đã yêu thương, chở che ông trong mấy chục năm qua…
Tấm bia với dòng chữ: Bắc Nam thống nhất – Bình Hà keo sơn
Cũng như rất nhiều người con Hà Tĩnh khác, năm 1964, theo tiếng gọi thiêng liêng của miền Nam, ông lên đường nhập ngũ. May mắn thay, vùng đất mà ông sống và chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh ấy lại chính là Bình Định anh em – tỉnh được Trung ương chọn kết nghĩa với Hà Tĩnh trong phong trào “kết nghĩa Bắc Nam” những năm 1960. Sống trong lòng địch, ngày đêm chỉ biết đến chuyện “phá kìm diệt kẹp” tại các ấp chiến lược nhưng những người lính cộng sản như ông vẫn luôn vững tin bởi ở đó, đồng bào miền Nam, những người má, người anh Bình Định vẫn luôn đùm bọc, yêu thương. Thế rồi trong một trận đánh úp vào đồn địch, không may ông bị thương nặng phải chuyền về tuyến sau. Ở đây, ông được chăm sóc, chở che và trở thành con nuôi một gia đình tại huyện Hoài Nhơn. Chính tại đây, sống và làm việc cùng bà con, ông mới cảm nhận hết những tình cảm lớn lao những gẵn bó máu thịt mà bà con Bình Định dành cho mảnh đất và con người Hà Tĩnh yêu thương. Đây cũng là cơ duyên. Sâu thẳm lòng mình ông đã xem Hoài Nhơn là quê hương thứ hai, quyết định gắn bó cuộc đời mình trong suốt quãng đời còn lại, trở thành một cán bộ chủ chốt trong ngành lao động thương binh và xã hội Bình Định cho đến ngày nghỉ hưu. Hơn 70 tuổi, ông thấy mình vẫn còn khoẻ lắm. Từ “Bình Định ruột rà”, ông vẫn về với Hà Tĩnh trong bao nỗi niềm “thương nhớ khôn nguôi”: “ Hà Tĩnh là quê hương, là mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nuôi nấng mình trường thành. Còn với Bình Định, đó là nơi mình không thể rời xa được. Nhớ lại trong chiến tranh ác liệt, có những lúc khó khăn, gian khổ tưởng không thể nào vượt qua nổi. Thế mà vẫn chiến đấu và chiến thắng. Đó là nhờ con người, nhờ mảnh đất ấy đã nuôi mình, đã tiếp thêm sức mạnh cho mình…”
Khác với ông Hợi là người con Hà Tĩnh nhưng cả cuộc đời sống, chiến đấu trên quê hương Bình Định, ông Nguyễn Đức Mai(Tùng Ảnh – Đức Thọ) lại là một người con Bình Định nhưng suốt cuộc đời lại gắn chặt với mảnh đất Hà Tĩnh. 87 tuổi, tai đã ít nhiều nghễnh ngãng nhưng ông vẫn được bà con nơi đây tin tưởng bầu giữ đủ các chức vụ của xóm. Từ ma chay cưới hỏi đến ban bệ đoàn thể, mặt trận… có việc gì cũng đều đến tranh thủ ý kiến của ông. Người dân ở đây vẫn thường trìu mến gọi là “ông Miền Nam” hay “ông Mai Bình Định”. Năm tháng lúi xa với nhiều vất vả của cuộc sống thường nhật nhưng người ta biết đến ông bởi ông chính là hiện thân của chiến thắng núi Nài 26/3 làm nức lòng quân dân cả nước. Ông là người đại đội trưởng đại đội pháo Binh Định năm xưa – người ta biết đến ông với thước phim đi vào tư liệu lịch sử: băng quấn ngang đầu vẫn không chịu rời trận địa…Người con Bình Định này đã góp phần tạo nên một mốc son lịch sử 26/3/1965, đã làm nên một đại đội pháo Bình Hà đi vào huyền thoại. Lần đầu tiên máy bay của không quân Mỹ bị bắn rơi trên quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh. Thắng lợi đó góp phần đánh bại chiến dịch “Sấm rền” của không quân Mỹ nhằm hủy diệt hệ thống Ra đa của ta, góp phần cổ vũ, động viên các phong trào thi đua vì miền Nam quyết thắng, thể hiện rõ ràng nhất sức mạnh mối tĩnh kết nghĩa Bình – Hà anh em.
Ông Mai trong cuộc hội ngộ với những con người cùng thời với mình (Ông Nguyễn Tiến Chương, ông Đào Tinh)
Bình Định – Hà Tĩnh, 50 năm với những con người, những tên đất tên làng của hai vùng đất đầy nghĩa tình. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, rất nhiều người con Hà Tĩnh đã chiến đấu, hy sinh vì mỗi tấc đất, vì miền Nam ruột thịt. Và cũng không ít ngừơi con Bình định cả cuộc đời mình vẫn sống, chiến đấu và cống hiến cho sự đổi thay hôm nay trên đất Hồng Lam. Những khẩu hiệu hừng hực khí thế “một người làm việc bằng hai, tất cả vì miền nam ruột thịt”. Mỗi chiến thắng của Bình Định trong đó, Hà Tĩnh ngoài này lại sôi động một phong trào thi đua lao động sản xuất mang tên chiến thắng đó. Nhiều công trình thuỷ lợi, nhiều chiến dịch sản xuất như “Bình Hà, Bồng Sơn, Hoài Sơn…” đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ.
Những năm tháng đắp đập xây hồ hôm qua và hôm nay là những công trình còn mãi thời gian…Mỗi câu chuyện, mỗi con người, trong suốt dặm dài lịch sử đã kết tinh nên nghĩa tình anh em sắt son Bình – Hà, góp phần tạo nên cội nguồn sức mạnh trong công cuộc dựng xây hôm nay.
Thuận Huế
Baohatinh