Kinh tế

Món Huế thời hoàng kim ngày kiếm 25 triệu đồng, thời mạt mong một phần mười cũng khó khăn

Gần đây, các cửa hàng trong chuỗi Món Huế liên tục đóng cửa đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Tuy nhiên, tiết lộ về thời hoàng kim của chuỗi cửa hàng này cho đến thời mạt, từ một nhân viên cũ càng khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối cho 1 thương hiệu.

Ngay sau những thông tin các cửa hàng của chuỗi Món Huế đóng cửa, PV Dân Trí đã tìm gặp anh T.T., một nhân viên cũ của chuỗi nhà hàng này. Anh T đã làm tại đây từ những năm 2016 và phải đến cuối năm 2018 mới nghỉ việc, đây cũng chính là khoảng thời gian từ “lên voi” cho tới “xuống chó” của chuỗi nhà hàng này.

Khoảng thời gian 2,5 năm làm việc tại một nhà hàng Món Huế ở Hà Nội, anh T đã làm gần như hết các công việc tại quán, từ nhân viên phục vụ lên tổ trưởng, giám sát và quản lý đứng điểm.


“Lúc tôi còn làm chính là thời hoàng kim của chuỗi Món Huế. Vì thời điểm đó, đồ ăn ngon, dịch vụ ổn chứ không tệ như gần 1 năm trở lại đây theo lời mọi người phản ánh”, anh T nói.

Đặc biệt, theo anh T, giai đoạn 2016-2017 món Huế rất đông, rất có tên tuổi, quy trình đào tạo nhân viên rất bài bản, chuyên nghiệp. Đồ ăn khá ngon, chương trình ưu đãi nhiều (giảm giá thẻ thành viên 10% mà chỉ cần bỏ ra 20 nghìn đồng là có 1 thẻ thành viên. Giảm giá 50% mỗi tháng 1 lần trong ba ngày. Ưu đãi thẻ trả trước như 850 nghìn đồng thì có thẻ 1 triệu hoặc 1,6 triệu thì có thẻ chi tiêu 2 triệu). Khách đông, doanh thu tốt và thời điểm đó nói đến món Huế ai cũng biết.

Thời hoàng kim ở nơi mà anh T gắn bó gần 3 năm trời vẫn khiến anh nhớ mãi. Bởi lúc đó, doanh thu tại cửa hàng rất “khủng”, khoảng 700 - 800 triệu đồng/tháng. Lương thưởng cho nhân viên có thể lên tới 80 - 90 triệu đồng/tháng, trong khi mức trung bình tại một số điểm khác chỉ 40 - 50 triệu đồng.

“Giá đồ ăn lúc đó khá rẻ, trung bình một người chỉ khoảng 130 nghìn đồng là đã no. Càng đi đông thì càng rẻ, có khi chỉ chưa đến 100 nghìn đồng/người. Rẻ như vậy mà doanh thu vẫn gần 1 tỷ đồng mỗi tháng thì lượng khách thời điểm đó phải rất đông”, anh T nhớ lại.

Đáng chú ý, theo anh T, các điểm được cho là “hot” của Món Huế như ở Xã Đàn, Láng Hạ, phố Huế trung bình một ngày có lợi nhuận lên tới 20 - 25 triệu đồng/ngày.

Tuy nhiên, sau một thời hoàng kim, Món Huế bắt đầu mở thêm cơ sở vô tội vạ. Trên đường Trần Duy Hưng có tới vài nhà hàng Món Huế như trong BigC Thăng Long, Vincom Trần Duy Hưng, 67 Trần Duy Hưng, N04 Hoàng Đạo Thuý. Nếu đi thêm một đoạn vào trong trung tâm thì có 12 Huỳnh Thúc Kháng, 3 Láng Hạ, 105 Thái Hà và 203 Nguyễn Huy Tưởng,…

Các cơ sở mọc lên như nấm, nhưng theo anh T: “Thời điểm tôi làm quản lý, tuy nhiên ngay cả tôi cũng không hiểu, vì sao chất lượng đồ ăn ngày càng tệ.”

Mở nhiều cơ sở, nhưng chất lượng đồ ăn đi xuống khiến khách hàng quay lưng cũng là một phần lý do

“Vì đặc trưng của chuỗi này là các sản phẩm đều chế biến từ bếp trung tâm ở Nguyễn Văn Cừ rồi theo quy trình: cấp đông - đưa về chi nhánh - bảo quản tủ đông - rã đông - nấu lại cho nóng - trang trí - phục vụ khách. Do đó, nếu bếp trung tâm làm đồ ăn chất lượng không đảm bảo thì dĩ nhiên các chi nhánh cũng sẽ không còn ngon”, anh T khẳng định.

Sau một khoảng thời gian rầm rộ mở thêm chi nhánh, đến đầu năm 2018 thì Món Huế bắt đầu gặp biến động. Lúc đó theo anh T, doanh thu giảm nên các chi nhánh bị o ép hơn. Biện pháp mạnh tay nhất là áp KPI 30% lương nhân viên với các tiêu chí như: doanh thu tháng phải tăng 2 - 8,9% tuỳ cửa hàng, quản lý chất lượng, dịch vụ,… Thấy không ổn nên anh T chỉ làm cố 1 thời gian rồi nghỉ.

Lúc này, doanh thu tại các cửa hàng “hot” cũng chỉ còn khoảng 7 - 8 triệu đồng/ngày. Thậm chí gần đây, theo anh T, không ít cửa hàng chỉ lẹt đẹt 2 - 3 triệu đồng/ngày. Trong khi tiền thuê mặt bằng dao động từ 30 - 40 triệu đồng/tháng, có nơi lên tới cả trăm triệu.

“Thế nhưng, thực lòng mà nói, 2,5 năm cống hiến tại đó, làm quản lý mà đi làm 6 giờ, đến 11 giờ đêm mới về. Gắn bó với từng nhân viên nên có rất nhiều tình cảm. Giờ thấy Món Huế như vậy tôi cũng thấy buồn”, anh T chia sẻ.

Hiện tại, Món Huế không chỉ nợ hàng chục tỷ đồng của các nhà cung cấp. Chuỗi này cũng đang nợ lương nhân viên từ tháng 9/2019 tới giờ. Sổ bảo hiểm của không ít người nghỉ làm từ tháng 4, những cũng phải tháng 9 mới được lấy.

Các nhà cung cấp đòi tiền

Có rất nhiều nhà cung cấp từ Nam ra Bắc đang bị Món Huế nợ số tiền khổng lồ. Rất nhiều người đã làm đơn kiện chuỗi này. Tuy nhiên, khả năng đòi được tiền vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP