Trước mắt, ngay trước thời điểm 1/7/2017, việc liên thông kết quả xét nghiệm được thực hiện với 38 bệnh viện tuyến Trung ương. Tiến tới đầu năm 2018, sẽ có 122 bệnh viện bao gồm 38 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện hạng 1 thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm.
Hiện bộ Y tế đang xây dựng tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học theo 5 mức: rất tốt, tốt, khá, trung bình khá, trung bình và chưa xếp hạng.
Nhờ liên thông kết quả xét nghiệm, bệnh nhân sẽ không còn phải chịu cảnh mỗi lần chuyển viện lại thêm một lần chụp chiếu, xét nghiệm; vừa tốn kém chi phí, vừa mất thời gian. Điều quan trọng, liên thông kết quả còn giảm chi phí từ quỹ bảo hiểm y tế.
Liên thông kết quả xét nghiện, bệnh nhân sẽ giảm chi phí (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, việc liên thông kết quả xét nghiệm cũng khiến nhiều bác sĩ lo ngại. Một bác sĩ chia sẻ, đối với nhiều bệnh nhân và một số loại bệnh, mỗi giờ sẽ cho ra các kết quả xét nghiệm khác nhau, tuỳ thuộc vào tiến trình của bệnh, thậm chí phụ thuộc vào chế độ ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân. Nếu công nhận kết quả của bệnh viện khác mà không xét nghiệm lại có thể dẫn đến chẩn đoán sai, điều trị sai.
Trường hợp của ông Đ.V.Đ (Hải Phòng) là một ví dụ điển hình. Ông Đ. bị đau đầu dữ dội nên đã đến bệnh viện khám. Ông Đ. được chỉ định xét nghiệm máu, chụp X.quang, siêu âm,… đủ cả. Bác sĩ kết luận ông đã mắc phải một loại u não hiếm gặp, nhưng sau khi kiểm tra lại ở bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ông Đ. được xác định mắc giun đũa.
Sau đó, ông lại được làm xét nghiệm chuyên sâu ở viện Sốt rét – Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương. Bác sĩ tại đây khẳng định ông D. bị nhiễm loại giun có tên Toxocara spp. Nếu như ông không làm lại các xét nghiệm thì có lẽ đã được phẫu thuật u não.
“Trên thực tế, có nhiều xét nghiệm của bệnh việc tuyến dưới sai, nếu không làm lại xét nghiệm, người dân có thể “chết oan” vì điều trị không đúng bệnh”, một bác sĩ chia sẻ.
Về điều này, đại diện bộ Y tế cho rằng, để các bệnh viện công nhận kết quả xét nghiệm của nhau còn phải đảm bảo các kết quả đó ngang bằng về chất lượng. Để làm được điều đó phải xây dựng các trung tâm kiểm định chất lượng trung gian để thực hiện kiểm định năng lực xét nghiệm, chất lượng xét nghiệm của các bệnh viện. Nếu đạt chuẩn ngang nhau mới có thể công nhận lẫn nhau.
Theo TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh (bộ Y tế), đó cũng là một trong những lý do bộ Y tế xây dựng Dự thảo Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm. Nội dung tiêu chí đánh giá bao gồm 11 điều từ tổ chức quản lý đến trang thiết bị, quá trình quản lý vật tư, sinh phẩm, chất lượng kết quả xét nghiệm…
Bộ công cụ sẽ giúp từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm y học để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hoá và làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện có thực hiện xét nghiệm, giảm phiền hà, chi phí cho người bệnh…
N.Giang/Theo Người đưa tin