Địa Chí Hà Tĩnh

Lập làng trên núi Cà Đay

Chúng tôi lên Hương Liên (Hương Khê – Hà Tĩnh) vào một sáng đầu xuân. Giữa làn sương bạc, trái núi Cà Đay hiện ra như một con voi khổng lồ nhoài mình ra dòng sông Ngàn Sâu hút nước. Trên con voi ấy có một tộc người đang hồi sinh…

 Khi những cành mai nở rộ hoa, cả núi rừng Cà Đay khoe sắc của đủ thứ loài hoa cũng là lúc một mùa xuân mới lại về với bản Rào Tre, bản Giàng… Những người lính biên phòng như Thiếu tá Hải lại tất bật đến thăm, động viên, hỗ trợ bà con dân tộc các bản sửa sang mái nhà, chuẩn bị nhu yếu phẩm đón Tết cổ truyền.

Từ thế kỷ 20 đổ về trước, ít ai biết rằng trong những lùm cây, hang hốc của núi Cà Đay bên dòng Ngàn Sâu này đã một thời âm thầm, lặng lẽ cưu mang bộ tộc người sống lay lắt, hoang dã như thời nguyên thuỷ, “đói không lo, no không mừng” -đó là bộ tộc người Chứt. Những năm 1960, bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã phát hiện ra họ, nhưng thời đó do chiến tranh tàn khốc, cả nước phải dốc lòng cho tuyền tuyến, kinh tế cạn kiệt, phương tiện đi lại khó khăn nên sự xuất hiện của người Chứt chưa được chú ý. Phải đến năm 2001, bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh thành lập tổ chức công tác “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) về đóng trên địa bàn thì người Chứt mới thực sự được khai trí, rạng mặt mở mày.

Để đưa được người Chứt hoà nhập cộng đồng thì người chiến sĩ biên phòng ngoài sự kiên trì, gương mẫu còn cần có trái tim rung động và sự cảm thông sâu sắc. Họ xem việc bảo vệ sự bình yêu nơi biên giới và giúp đỡ đồng bào vùng biên thoát khỏi đói nghèo lạc hậu, thoát khỏi bóng tối phong tục là một mệnh lệnh thiêng liêng. Vì thế, ngoài việc lo cho người Chứt cái chỗ ở và no cái bụng thì công tác tuyên truyền vận động để đồng bào rời núi không dễ dàng. Có người nói hình tượng, hang sâu núi thẳm như tấm áo bao bọc người Chứt bao đời nay. Giờ bắt họ cởi tấm áo đó ra, dâu dễ. Nhưng tấm lòng người lính biên phòng trải ra, ngày qua ngày đã được người Chứt thấu hiểu và đón nhận.

Chỉ riêng việc vận động chị em phụ nữ Chứt sinh đúng, sinh đủ đã vô khối chuyện. Đại uý Nguyễn Văn Thiên -Tổ trưởng tổ vận động kế hoạch hoá gia đình cho người Chứt đã kể chúng tôi nghe tục “ngồi lửa” của phụ nữ ở đây: “Ngày đầu lập bản, có không ít trường hợp đàn bà con gái tới ngày kinh nguyệt là họ tặng lẽ vào rừng chặt một lá cọ thật to đem về trải xuống thềm nhà. Trên lá cọ có phủ ít lá bơm bớp, rồi người đàn bà ấy tự ngồi lên. Xung quanh tứ phía mọi người thân tập trung đốt lửa. Khi ngọn lửa tắt thì quạt than rực hồng. Và người đàn bà cứ ngồi vậy. Ngồi bất động như bị thôi miên, như bị ma thuật vậy. Có người ngồi 1 ngày, có người ngồi 2, 3 ngày. Sau đó họ tự đứng dậy, đi ra sông tắm gội vứt bỏ hết những gì dơ bẩn bám quanh mình…”.

Trăm nghe không bằng một thấy. Khi rời doanh trại bộ đội Biên phòng vào bản, chúng tôi gặp anh Hồ Phong, năm nay 31 tuổi. Tôi hỏi “Anh mấy con rồi, lấy vợ lâu chưa”? Hồ Phong cười hồn nhiên: “Mình lấy vợ đã 5 năm nhưng chỉ có 2 đứa con. Nhờ cán bộ Biên phòng hướng dẫn nên vợ chồng mình không sinh thêm nữa”.

Tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, hiện nay toàn bản có 30 hộ với 119 nhân khẩu thì số hộ có cặp vợ chồng từ 18 – 23 tuổi là 8 hộ. Để thực hiện tốt KHHGĐ, bộ đội Biên phòng và Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên địa phương kết hợp tuyên truyền đến từng gia đình. Năm 2008 chị Hồ Thị Lĩnh và Hồ Thị Sung đã đình sản, trở thành những người Chứt đầu tiên áp dụng tiến bộ kỹ thuật y học này. Năm qua toàn bản chưa để xảy ra trường hợp tử vong nào liên quan đến sinh đẻ. Trưởng bản- Đảng viên Hồ Kính nói rất tự tin: “Hiện chúng tôi không phải lo cái đói, cái bệnh nữa. Mình đang vận động bọn trẻ sinh ít con bởi đất rừng chỉ có chừng ấy thôi”. Nghe vậy, tôi tin rằng, rồi đây sẽ có nhiều người vượt lên tầm nhận thức của Hồ Kính, Hồ Phong.

Trong phong trào khai trí cho người Chứt, phải nói đến vai trò cá nhân Đại uý Nguyễn Văn Thiện – Tổ trưởng tổ công tác tại bản. Qua 7 năm công tác, anh đã trở thành người con thân yêu của bà con dân bản. Ngoài việc hướng dẫn đồng bào cầm cày, cầm cuốc bắt đất hoang dâng quả ngọt cho đời, anh còn có công phục hồi lại “Đàn Pí” – một loại nhạc cụ lâu đời của người Mã Liềng. Trong đợt liên hoan tiếng hát truyền hình toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2006, chị Hồ Thị Kiên cùng bộ đội Biên phòng bản Rào Tre đã mang theo cây đàn này xuống TP Hà Tĩnh biểu diễn đạt giải A. Từ đó cây đàn Pí đã có mặt tại Trường Đại học VHNT Quân đội (Hà Nội) cùng 2 cháu là Hồ Phi và Hồ Thiết đang theo học tại trường. Năm trước, nhạc sĩ An Thuyên – Hiệu trưởng đã về tặng quà cho đồng bào. Rồi đây các em sẽ là những người công dân kiểu mẫu đóng góp trí tuệ của mình xây dựng quê hương, đất nước.

Tạm biệt bà con dân tộc Chứt ở Cà Đay khi ánh mặt trời đang dát vàng cùng những làn sương chiều bảng lảng trên sườn núi, cảm giác như đâu đây hơi thở của mùa xuân đang hiển hiện. Người lính biên phòng không chỉ có công lập làng ở núi Cà Đay mà còn là những người gắn bó keo sơn với bà con dân bản, tô thắm thêm sắc xuân cho những miền biên viễn thân yêu.

Nông nghiệp

  Từ khóa: núi Cà Đay , Lập làng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP