Địa Chí Hà Tĩnh

Làng cọ quê tôi (Sơn Thuỷ – Hương Sơn)

Làng tôi ngày xưa theo sử sách các cụ để lại có tên làng Trị Yên bây giờ thuộc xã Sơn Thuỷ (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Núi Nầm sừng sững như lũy thành ôm ấp lấy mảnh đất năm nắng mười mưa.

hatinh24h

Ai đã từng tới quê tôi đều thốt lên phong cảnh hữu tình, vẻ đẹp nguyên sơ gợi cảm cho du khách, ngoài cam chanh, mít, vải… nét trội lên vẫn là cây cọ. Riêng tôi và bạn bè cùng trang lứa, cây cọ mang nhiều kỷ niệm êm đềm sâu sắc tuổi thơ, bóng cọ đi theo suốt cuộc đời.Trời đất ban tặng cho những người dân quê tôi nhiều núi lắm những ngọn đồi lúp xúp, qua bao nhiêu biến cố thăng trầm, cây cọ đã trở thành người bạn tri kỷ trong mỗi gia đình.

Giống như loài thông, cây cọ có sức khoẻ kỳ lạ gieo vào đâu cũng mọc, ở đất nào cũng tốt tươi. Rễ cọ chui sâu vào đất và có cây vươn dài tới hàng chục mét. Quê tôi nhà nào cũng trồng cọ, nhà ít dăm bảy cây, nhà nhiều trồng tới hàng trăm cây. Một số gia đình xóm Tàu Sơn, xóm Long Thuỷ có cả trang trại cọ bát ngát. Hầu như cây nào cũng mọc thẳng, khi cọ trổ búp vút lên trông giống thanh gươm biếc rồi nở bung ra như mặt trời xanh. Đi trong rừng cọ ngỡ như lạc vào một khu rừng nguyên thuỷ thâm u, huyền bí.

Tuổi thơ chúng tôi không đứa nào không thích chơi đùa trong vườn cọ.Cây cọ tô điểm cho làng tôi một vẻ đẹp hoang sơ, những buổi hoàng hôn chập choạng tôi đã từng một mình ra ngõ để xem đàn dơi trú ẩn dưới tán cọ dày. Tôi lên học cấp hai đã xa dần trò chơi trẻ thơ, nhưng cây cọ trong vườn lại cho tôi những điều thú vị khác…Những chiều hè tôi thường ra vườn chặt một lá cọ trải trên thảm cỏ nằm đọc sách, gió nam hẩy hẩy thổi, chiếc “chiếu xanh” kỳ diệu ấy hầu như đã giúp tôi dung nạp được những tri thức của thánh hiền… 

Theo phong tục của làng Sơn Thuỷ và các làng khác ở huyện Hương Sơn, chuyện cưới hỏi cho con và chuyện lợp nhà là hai chuyện lớn nhất của đời người. Một mái nhà tranh có giá trị sử dụng từ mười lăm năm đến hai mươi năm, tính ra phải ngốn đến hàng trăm chiếc tranh mới phủ kín hai mái hai hồi. Chẳng có luật ghi trong hương ước cả, thế nhưng chuyện lợp nhà đã thành chuyện cả làng lo. Mọi gia đình đều tự nguyện tham gia vào “phường tranh” lợp nhà. Tôi đi từ đầu làng đến cuối thôn bây giờ giờ khó tìm thấy những ngôi nhà tranh, tất cả làng tôi đều ngói hoá, nhưng điều làm tôi xúc động cây cọ trong vườn vẫn hiện hữu với người dân.

Chuồng trâu, chuồng bò, chuồng hươu… nhiều gia đình vẫn lợp bằng lá cọ.Tôi ghé thăm nhà ông Miên thấy nhà cửa khang trang sân gạch loáng bóng, tỏ ý khen sự đổi đời gia đình ông… Không ngờ ông Miên lại xuýt xoa nuối tiếc một thời: “Chú ơi, con làm được tiền nó về xây nhà cho cha đó, nhưng tôi vẫn khoái ở nhà tranh vì mát hơn nhiều. Mình không nghe con thì nó cho là lập dị và không chịu đổi mới”.Ông Miên kể: “Năm đói 1945, nhiều gia đình đói đến mức không có hạt gạo nấu cháo loãng cầm hơi, quả cọ với rau má đã cứu sống được hàng chục gia đình”. Tôi nhìn ra vườn nhà ông Miên, cây cọ vườn nhà ông Miên cây nào cũng cho quả chi chít. Những quả cọ tròn to như trứng sáo khi bắt đầu chín chuyển sang màu xanh biếc… Ông Miên không còn trèo hái được nữa nhưng mỗi bữa ăn ông vẫn bắt con hái xuống và làm thức ăn cho mình… Một điều khá lạ nữa già trẻ gái trai làng tôi từ xưa tới nay không ai không thích ăn món đặc sản dân dã này.

Quả cọ chín ăn không hết họ muối vào ché vào vại để ăn dần ngày này sang tháng khác.Tôi ra chợ Đình xem chợ quê thay đổi nhiều không, chợt thấy một góc chợ chất đầy những bó lá cọ màu xanh. Ông Ngụ đang ngồi bán lá cọ ở đây. Tôi hỏi ông Ngụ: “Vườn đồi nhà bác hiện nay cọ còn nhiều như trước nữa không?”. Ông cười bảo: “Còn nguyên chú ạ, tôi có trồng thêm vài chục cây nữa.

Từ trước tới nay chi tiêu trong gia đình chủ yếu nhờ vào cây này. Tuy không nhiều lắm chỉ mươi lăm triệu đồng thôi nhưng nó là cây phụng dưỡng tuổi già cho tôi”. Quay sang hỏi chuyện bác gái, ông tâm sự bà Ngụ đã mất cách đây sáu năm. Bỗng giọng ông chùng xuống: “Bà ấy trước khi khuất núi có dặn rằng đừng nghe ai xúi bậy rồi phá vườn cọ để trồng cây khác. Tôi nghe lời bà xem cây cọ như một kỷ vật thiêng liêng của nhà tôi”. Cây cọ là linh hồn quê hương và có linh hồn của vợ ông trong đó.Bầu trời quê đã bắt đầu sang xuân, trên những ngọn đồi cao vẫn thấy bóng cọ xanh rười rười thoả thuê tắm nắng trời. Bất chợt từ trong lớp học ven đường có tiếng trẻ đọc: “Rừng cọ ơi rừng cọ/ Lá đẹp lá ngời ngời/ Tôi yêu thường vẫn gọi/ Mặt trời xanh của tôi”…Tôi gói chặt quả cọ vào bì món đặc sản người thân ở quê tặng tôi và neo chặt những câu thơ hay về cây cọ vào tận đáy lòng.


Phan Thế Cải/

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP