Kỳ Anh

Kỳ Anh: Nỗi niềm nhường đất cho dự án

Sau khi nhường đất cho dự án, 49 hộ dân thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” chờ xây nhà ở. Bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt đang vây quanh họ…

Ngổn ngang chờ …nhà tái định cư


Bên cạnh QL 1A, gần cuối tỉnh Hà Tĩnh, khu tái định cư (TĐC) thôn Minh Huệ đang xây dở dang, cái thì được nửa tường, cái thì đang làm nền, bỏ móng… là nhà của những hộ dân khu TĐC Minh Huệ. Bên kia đường là một dãy các lều bạt được căng làm chỗ sinh hoạt của những hộ dân xóm Minh Huệ di cư để nhường đất cho dự án. Cuộc sống trước đây vốn yên ổn, các hộ đến xây dựng kinh tế tại thôn Minh Huệ, khi có dự án nhường đất cho Khu kinh tế Vũng Áng thì các hộ dân được vận động đền bù và nhượng đất cho dự án.


Tuy nhiên, khi di dời ra khu vực TĐC thì phải dựng lều ở tạm để xây nhà. Ông Nguyễn Công Nhượng (SN 1946) cho biết: “Gia đình tui di dân từ thôn Minh Thành ra theo chương trình Xây dựng khu kinh tế mới của xã Kỳ Nam. Ra nơi mới tui khai hoang được mảnh đất cuộc sống tạm gọi là ổn. Năm 2012 có dự án về, dân đồng tình ủng hộ giao đất lại cho dự án rồi ra đây. Nhưng đất giao rồi, nhà phá rồi, tiền đền bù nhận rồi nhưng ra nhận đất muộn quá, không làm nhà kịp. Giờ sống trong lều dăm (5 tháng) tháng nữa mới có nhà mà chui vô”. Căn nhà ông xây đối diện cái lều đang sống bên kia đường mới xây được nửa tường còn dang dở.


Cuộc sống tại khu TĐC mới với bộn bề khó khăn, người dân chưa có nước để dùng, phải tự bỏ tiền khoan giếng để có nước sử dụng, mỗi cái giếng cũng tốn từ 8 – 10 triệu đồng. Gia đình nào chưa có giếng hoặc khoan không có nước thì phải tận dụng can, xô, phi để đựng nước sinh hoạt, ngoài ra còn phải có nước để phục vụ việc xây dựng nhà cửa. Khi ra khu lều tạm để sinh sống người dân được hứa là cho dùng điện trong thời gian đầu để làm nhà nhưng thực tế họ vẫn phải thanh toán tiền điện thắp sáng hàng tháng.


“Trước khi đi thì thấy hứa điện, đường, trường, trạm mà giờ đây điện nước đều chưa có. Bà con đã đồng lòng nhường đất cho dự án nên mong muốn chính quyền đã hứa thì làm cho dân để đảm bảo cuộc sống …”, anh Nguyễn Văn Út (45 tuổi) chia sẻ. Nói đoạn anh dẫn chúng tôi về mảnh đất nhà anh, đã bỏ tiền ra khoan tận 2 cái giếng nhưng chưa cái nào có nước để dùng.

Khu lều chõng được dựng tạm bên đường để chờ xây nhà TĐC

Khu lều chõng được dựng tạm bên đường để chờ xây nhà TĐC

Nhiều bất cập


Vì chưa ổn định được chỗ ở nên người dân vẫn chưa thể triển khai được công ăn việc làm, đời sống cũng nhiều bất cập khi chỗ ăn nghỉ chưa có, một gia đình 6 đến 7 người già, trẻ đều chui trong cái lều chưa đầy 20m2 với nhiều thiếu thốn. Ngay cả vấn đề vệ sinh môi trường cũng chưa được đảm bảo, vì không có nhà vệ sinh: “Cần giải quyết “nhu cầu” là phải chạy lên quả đồi bên cạnh hoặc ra tận bãi biển.


Đàn ông thì đỡ hơn, phụ nữ thì quá khổ dậy sáng sớm đi vệ sinh cho “kín đáo” lúc trời chưa sáng để khỏi ai bắt gặp, còn ban ngày thì chạy lên đồi cây để “giải quyết”. Rác thải thì bừa bãi khắp nơi, trời nắng lên là gió xốc vào trong lều khó tả lắm chú…”, ông Nguyền Đình Vàng cho biết. Người lớn thiếu thốn đã đành, trẻ em thì thiệt thòi về chỗ nghỉ ngơi, góc học bài trong lều, điện thắp sáng không đầy đủ…


Ông Nguyễn Mạnh Mờng – Trưởng thôn Minh Châu cho biết, “khoảng tháng 9/2012 thì 49 hộ dân này được nhận tiền đền bù, tháng 12 mới được nhận giao đất TĐC, nhưng đến tháng 1/2013 đã phải di dời rồi. Người dân không kịp làm nhà để ở, sống tạm trong lều bạt cũng nhiều khó khăn lắm”. Cũng theo ông Mờng, quy hoạch tại khu TĐC cũng chưa hợp với nông thôn mới, như đường hành lang trong khu TĐC nhỏ nên sau này sẽ khó mở rộng, đường điện ngầm mà vẫn dùng điện trần, trạm điện bên cạnh khu dân cư, trên đường không có chỗ trồng cây xanh…


Ông Nguyễn Đình Vin – Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam – cho biết: “Xã đã có nhiều văn bản đề nghị hỗ trợ những khó khăn ban đầu cho bà con TĐC Minh Châu nhưng vẫn chưa được, hiện xã đang có văn bản đề nghị hỗ trợ bà con 5 triệu/hộ để khoan giếng nước. Tiền điện thì đang đề xuất hỗ trợ không thu trong vòng 6 tháng đến 1 năm để người dân ổn định và phục vụ xây dựng nhà cửa. Còn những tuyến đường giao thông trong khu dân cư được quy hoạch không có hành lang cây xanh, nếu sau này mở rộng và xây dựng nông thôn mới sẽ rất khó khăn. Riêng về vấn đề môi trường thì đang đề xuất xây nhà vệ sinh công cộng để phục vụ bà con trong thời gian đầu chưa ổn định chỗ ở tránh ô nhiêm môi trường…”.


Chưa nói đến vấn đề chuyển đổi cơ cấu việc làm cho người dân TĐC, vấn đề sinh hoạt và điều kiện cuộc sống ban đầu còn nhiều khó khăn bất cập. Người dân đang lo lắng sau khi ổn định nhà cửa, họ sẽ làm gì để mưu sinh khi đất đai đều đã bàn giao cho dự án… (?)


Ngô Toàn

PLVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP