Những năm qua, thương mại trong nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2006 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP trong cùng thời kì.
Lường trước những nguy cơ…
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa như hiện nay, việc Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các Hiệp định thương mại tự do vừa là cơ hội song cũng là thách thức lớn trong việc phát triển thị trường thương mại trong nước. Trong khi Việt Nam đã và đang thiếu một chiến lược tổng thể, toàn diện đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này một cách bền vững, làm hạn chế việc thúc đẩy sức sản xuất của doanh nghiệp Việt, không nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa.
Trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng, sản phẩm hàng hóa trong nước sản xuất ngày càng khó chiếm lĩnh và phát triển thị trường. |
Ông Phạm Đình Đoàn, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái cho biết, bản thân doanh nghiệp là thành viên của một số chuỗi siêu thị nên hiểu rằng, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài không chỉ bán sản phẩm nhập ngoại, họ luôn chấp nhận bán hàng Việt Nam và bán những gì người tiêu dùng thích. Từ đó truy ngược trở lại vấn đề sản xuất, nếu doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng không tốt thì sẽ không thể đưa vào được vào chuỗi siêu thị.
“Trong thời đại thay đổi nhanh như hiện nay, Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển thương mại đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 là rất khó. Trước đây doanh nghiệp đã tham gia đề xuất nhiều nhưng chính sách đưa ra doanh nghiệp triển khai khá khó khăn, nhiều quy định không khả thi, không đưa vào thực tế. Vì vậy, Bộ Công Thương cần phải quan tâm đến vấn đề quy hoạch và xây dựng kế hoạch phát triển thị trường phải có tính khả thi”, ông Đoàn lưu ý.
Cần có một cái nhìn xa hơn trước những biến đổi của công nghệ là quan điểm của PGS.TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khi đưa ra dẫn chứng, nhiều Tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như Alibaba kinh doanh phát triển nhưng không hề có cửa hàng; hoặc những hãng taxi lớn lại không hề có chiếc xe nào. Chính vì thế, để có một chính sách phát triển thương mại trong nước hợp lý và không bị lạc hậu cho cả một thời kỳ dài, cần lưu ý đến sự thay đổi của công nghệ thanh toán.
“Bộ Công Thương đưa ra Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại, song chưa có sự lo lắng thực sự trước tác động của công nghệ đến chiến lược này. Hơn nữa, để phát triển thương mại trong nước, chiến lược cũng nên đề cập đến những nguy cơ cạnh tranh về sản xuất, thương mại của doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài để có cảnh báo. Bởi thực tế là những doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đang lất án, mở rộng thị trường tại Việt Nam theo cam kết mở rộng thị trường từ các Hiệp định thương mại tưj do đã tạo ra sức ép cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước rất lớn”, TS. Đào Văn Hùng nói.
Đẳng cấp hàng hóa quyết định
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), bản chất thương mại đang thay đổi nhanh với sự xuất hiện của các hình thức thương mại mới, mô hình bán lẻ, sự hình thành các chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị... Những biến động này đang có nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp tới thương mại trong nước. Do đó, Việt Nam rất cần có chiến lược mới trong phát triển trong nước để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước, thông qua việc kết nối các nhà sản xuất với các kênh phân phối, kết nối khu vực nông thôn với khu vực thành thị, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản phẩm….
“Phát triển thương mại trong nước phải dựa trên nền tảng thị trường và tôn trọng quy tắc thị trường. Nhà nước chỉ tham gia vào các lĩnh vực, ngành, sản phẩm mà tư nhân không làm, hoặc không có khả năng tham gia. Quản lý nhà nước về thương mại trong nước tập trung vào giữ trật tự thị trường, bình ổn thị trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường...”, ông Đông nói.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Trần Đình Thiên lại cho rằng, mục tiêu của Việt Nam đặt ra trong thời gian tới cơ bản là số lượng thương mại tăng lên. Tuy nhiên, phần quyết định phải là đẳng cấp (giá trị gia tăng) nên cần có dự báo các xu hướng thay đổi về cơ cấu cung - cầu liên quan tới sản xuất trong nước. Cùng với đó phải lưu ý đến sự bùng nổ của thương mại điện tử với thanh toán điện tử, bởi khi phương thức thay đổi sẽ kéo theo hạ tầng, việc làm và thu nhập thay đổi, đòi hỏi công tác quản lý cũng phải thay đổi theo.
Cụ thể hơn về điều này, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, ngay trong khẩu hiệu kêu gọi “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua vẫn mang tính xin - cho rất cao, nên cần thay đổi theo định hướng hàng Việt Nam phải chinh phục người Việt Nam. Có thể trong công tác truyên truyền vận động giai đoạn tới, chưa thể bỏ khẩu hiệu này nhưng phải thêm “Hàng Việt xứng đáng với người Việt” để từ đó sẽ kích thích quá trình sản xuất trong nước đi lên./.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Giai đoạn từ nay tới năm 2020, GDP lĩnh vực thương mại chiếm 9,61% tổng GDP của cả nước; tốc độ tăng bình quân của ngành đạt khoảng 12,6 %/năm. Đến năm 2020, mức bản lẻ hàng hóa của khu vực khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 95% tổng mức bán lẻ thương mại hóa của cả nước khu vực FDI chiếm khoảng 5%. Bên cạnh đó, hệ thống chợ nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn sớm được hoàn thiện phù hợp với nhu cầu của người dân…/. |
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
Nguồn tin: Báo VOV