Từ lâu, cam bù đã là biểu tượng và nét đẹp văn hóa của người Hương Sơn.
Mát ngọt Cam bù Hương Sơn
Trải qua nhiều sóng gió của thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, cây cam bù dần hồi sinh sau một thời gian dài bị “căn bệnh thế kỷ” – Greening (gân xanh lá vàng) tàn phá. Toàn huyện hiện có 170 ha cam bù (120 ha khai thác quả từ nhiều năm nay, 50 ha còn lại đang ở giai đoạn kiến thiết cơ bản), phân bố ở 15 xã vùng thượng và vùng trung tâm nhưng tập trung chủ yếu vẫn là các xã: Sơn Trường, Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Hàm…
Ngoài các trang trại sản xuất tập trung quy mô lớn, diện tích hàng héc – ta trồng từ 500 – 1.000 cây, người dân Hương Sơn còn tranh thủ trồng cam trong vườn nhà, hộ ít từ 5 – 7 cây, nhiều thì dăm bảy chục cây nhưng phổ biến là từ 20 – 50 cây.
Năm 2009, với sản lượng xấp xỉ 1.000 tấn, cây cam bù cho giá trị thu nhập trên 50 tỷ đồng, trong đó, có hộ thu hàng trăm triệu đồng, còn phổ biến vài ba chục triệu.
Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất hiện nay đối với người dân Hương Sơn là dù đã chiếm trọn lòng tin đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh nhưng cam bù vẫn chưa có thương hiệu cho riêng mình.
Nghề nuôi hươu ở Hương Sơn – thời vàng son trở lại
Khác với cam bù, hươu và nhung hươu Hương Sơn đang trên đà tăng tốc kể từ khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận thương hiệu.
Nếu như đầu nhiệm kỳ 2005 – 2010, đàn hươu của huyện mới ở mức 11 ngàn còn thì đến nay, tổng đàn đã tăng lên trên 21 ngàn con, tập trung nhiều ở các xã: Sơn Giang, Sơn Quang, Sơn Lâm, Sơn Trung…
Những năm gần đây, khi đời sống của người dân ngày một khá hơn, nhu cầu sử dụng nhung hươu làm thuốc bổ trở nên phổ biến hơn, thì nghề nuôi hươu ở Hương Sơn không ngừng phát triển; hộ ít nuôi vài ba con hộ nhiều lên đến hàng chục con.
Vụ xuân vừa qua tiếp tục chứng kiến sự lên ngôi của hươu khi giá nhung đạt từ 500 – 700 ngàn đồng/lạng và có những thời điểm lên đến 11 – 12 triệu đồng/kg.
Từ thực tiễn phát triển nghề nuôi hươu cũng như dự báo nhu cầu thị trường và giá cả, giai đoạn 2010 – 2015, Hương Sơn đặt mục tiêu nâng tổng đàn hươu lên 35 ngàn con.
Không ồn ào, náo nhiệt như cam bù và nhung hươu, cây chè Tây Sơn vẫn kiên trì, nhẫn nại như bản chất vốn có của loài cây công nghiệp thiểu số này.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Chè Hà Tĩnh, mới đây, trong một hội nghị do ngành nông nghiệp tổ chức, đã khẳng định: dù gặp phải những khó khăn về suy thoái kinh tế toàn cầu, thời tiết khô hạn nhưng chè Hà Tĩnh vẫn được người dân các nước Ảrập tin dùng.
Với năng suất từ 10 – 12 tạ/sào, một héc – ta chè giờ đã cho thu nhập tương đương 1 héc – ta cao su, tức bằng 100 triệu đồng. Góp phần vào thắng lợi của ngành chè những năm qua có phần đóng góp quan trọng của cây chè Hương Sơn với trọng tâm là vùng chè Sơn Tây thuộc Xí nghiệp chè Tây Sơn.
Tính đến tháng 7 này, diện tích trồng chè của huyện đã đạt 310 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 750 tấn. Ngoài các vùng sản xuất chè công nghiệp, người dân Hương Sơn còn trồng chè thương phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh.
Bưởi đường Hương Sơn đang dần hồi sinh
Sẽ là không trọn vẹn khi bỏ qua bưởi đường – một sản vật quý – đang dần được khôi phục. theo các nhà nghiên cứu về cây ăn quả ở tỉnh ta, bưởi đường cón có tên gọi khác là bưởi Tàu.
Đến nay, vẫn chưa sưu tầm được tài liệu xác định nguồn gốc bưởi đường cớ từ lúc nào, ở đâu nhân giống ra, song, đã có một số giả thiết cho rằng, bưởi đường là giống bưởi ở rừng Hương Sơn, được tổ tiên di thực, qua quá trình chọn lọc tự nhiên đã trở thành giống bưởi ngon như ngày nay – khi chín quả có vị ngọt, không có hậu chua, không the, không đắng, mùi hương dễ chịu và nhất là ít xơ.
Nhờ những đặc tính nổi trội này, người dân bản địa đã xếp bưởi đường ở vị trí cao về độ ngon ngọt so với các giống bưởi hiện có.
Hương Sơn hiện có 25 ha bưởi đường với khoảng 10 ngàn cây, trong đó 400 gốc đã cho quả từ nhiều năm nay, số còn lại mới được nhân giống trên cơ sở ghép mắt cây đầu dòng với cây bưởi chua của Hương Khê.
Ông Nguyễn Quang Thọ – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho rằng, thiên nhiên đã ban tặng Hương Sơn những sản vật quý với giá trị thu nhập cao.
Phát huy thế mạnh riêng có này, những năm qua, huyện đã tập trung khôi phục và phát triển các loại cây – con chủ lực này để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, qua đó, nâng cao giá trị thu nhập cho người nuôi trồng.
Cùng với mở rộng diện tích đối với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp và nâng tổng đàn đối với con nuôi, huyện đã chú trọng xây dựng và quản bá thương hiệu cho các loại sản vật quý hiếm này.
Sau thành công của thương hiệu “Con giống, nhung hươu và hình”, Hương Sơn sẽ đầu tư cho thương hiệu “Cam bù Hương Sơn” và xa hơn nữa là “Bưởi đường”.
Niềm vui của cấp ủy, chính quyền và người trồng cam bù Hương Sơn tiếp tục được nhân lên khi mới đây (ngày 16 – 6 – 2010), Dự án bảo tồn, nhân giống, khôi phục và phát triển sản xuất cây Cam bù theo hướng hàng hóa, giai đoạn 2010 – 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Với tổng mức đầu tư 48 tỷ đồng, dự án không chỉ giải quyết triệt để những trở ngại về dịch bệnh bấy lâu trên cây cam bù mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng ngàn hộ trồng cam của Hương Sơn.
Hải Xuân
Baohatinh