Phóng sự - Ký sự

“Hùm xám” ở ngã ba Đông Hà

16 tuổi, Trương Hiền đã làm mưa, làm gió ở thị xã Đông Hà, trở thành thủ lĩnh của nhóm “mũ đen” với cái tên gắn với cuộc đời hắn sau này: Toọng.

LTS: Giữa năm 1982, dưới chân núi Quyết (thành phố Vinh, Nghệ An), Công an tỉnh Nghệ Tĩnh đã thi hành bản án tử hình đối với băng cướp do Truơng Hiền cầm đầu. Trong 30 đệ tử của tướng cướp sừng sỏ này, ngoài Trương Hiền lĩnh án tử hình còn có thêm: Đoàn Thanh (cu Thanh), Trần Đức Lợi (Lợi râu), Đậu Kim Sơn (Sơn hảo). Số phận 4 tướng cướp từng là “tứ trụ triều đình”, từng làm mưa làm gió dọc dải đất miền Trung một thời cuối cùng đã kết thúc.Năm 1983, tiểu thuyết “Người không mang họ” của nhà văn Xuân Đức ra đời. Ngay lập tức, tác phẩm này đã tạo ra một tiếng vang lớn trong văn đàn. Nhân vật chính trong tác phẩm: Nguyễn Viết Lãm được Xuân Đức hư cấu chính từ hồ sơ vụ án về tên tuớng cướp khét tiếng một thời mang tên Trương Hiền (thường được gọi là Toọng).

Cho đến nay, nhiều người vẫn nhầm lẫn, rằng tướng cướp sừng sỏ một thời Trương Hiền, từng làm náo động cả thành phố Vinh, từng dùng súng nhả đạn vào công an để tẩu thoát, từng vượt ngục thành công… chính là Trương Sỏi, là Nguyễn Viết Lãm, là Lạng trong “Người không mang họ” của nhà văn Xuân Đức.

Sự thật về băng nhóm khét tiếng do Trương Hiền cầm đầu này như thế nào? Vì sao Trương Hiền lại trở thành Đại ca, trở thành thủ lĩnh của một nhóm du thủ, du thực và thâu tóm quyền lực giang hồ vào tay mình? Vì sao nhiều lần bị bắt, Trương Hiền vẫn vượt ngục trốn thoát…đang là một bí ẩn được chôn vùi.

Sau rất nhiều thời gian cố gắng để giải mã bí ẩn về cuộc đời tướng cướp với biệt danh cu Toọng, cuối cùng, PV VietNamNet cũng đã tiếp cận được bộ hồ sơ vụ án về băng cướp từng làm náo loạn một thời. Tập hồ sơ dài hơn 500 trang, ghi rõ lời khai của Trương Hiền đã hé lộ phần nào cuộc đời và hành trình tội ác của tướng cướp. Bí mật về tướng cướp Trương Hiền cùng những lần hắn vượt ngục thành công dần dần được hé lộ.

Bí mật tưởng chừng như bị chôn vùi và toàn bộ hồ sơ về tướng cướp Trương Hiền sẽ được VietNamNet đăng tải trong loạt bài: “Tướng cướp trong Người không mang họ – hồ sơ vụ án”.


Cướp số để soán ngôi bá chủ

Nếu coi cái đêm mà Trương Hiền trở về nhà mang theo mấy đồng bạc nhàu nát là điểm đầu cho hành trình phạm tội, đánh dấu sự tha hoá biến chất của con người Trương Hiền, thì những ngày tham gia vào hội “mũ đen” tại thị xã Đông Hà chính là vết trượt dài trên hành trình đưa Hiền thành thủ lĩnh, thành đại ca của một nhóm lâu la, du thủ du thực ở thành Vinh sau này. Cái tên Toọng, biệt danh “lỳ như Toọng” và những giai thoại về y cũng xuất hiện tại ngã ba chợ Đông Hà nhếch nhác với đủ hạng người.

Chợ Vinh, nơi băng nhóm Toọng thường tổ chức để trấn lột, cũng là nơi sau này Toọng bị bắt giữ. Tại đây đã xẩy ra nhiều cuộc đấu súng nảy lửa giữa Toọng với công an.

Và, dường như định mệnh khắc nghiệt đã sắp đặt cho Trương Hiền xếp vào “mâm trên” khi bước chân vào giới giang hồ. Ngay từ những ngày đầu đi vào con đường phạm tội, Trương Hiền đã trở thành thủ lĩnh của một băng nhóm có tên “hội mũ đen”.Còn nhớ, trong lần phúc cung trước ngày đưa y ra xét xử, Chánh án phiên toà Nguyễn Cự và thư ký Nguyễn Trí Tuệ đã vào trại Nghi Kim để gặp Hiền. Hiền khai rất rõ rằng, trước khi dạt ra Vinh và trở thành đại ca, y đã là thủ lĩnh của hội “mũ đen”.

Hội mũ đen được lập vào đầu những năm đầu thập kỷ 70, gồm có khoảng 20 tên. Trong bản cáo trạng của Ty công an Nghệ Tĩnh có ghi rõ về những tiền án, tiền sự của Trương Hiền thời kỳ chưa dạt ra Vinh: “Dưới chế độ Thiệu, Hiền đã bị bắt giữ 3 lần về tội trộm cắp, đánh lộn, cướp giật. Sau khi giải phóng, Hiền đã bị công an và chính quyền địa phương bắt giữ 4 lần về tội hành hung, trộm cắp, đột vòm”.

Bối cảnh thị xã Đông Hà những năm đầu của thập kỷ 70 cũng giống như nhà văn Xuân Đức từng miêu tả trong “Người không mang họ”. Đông Hà thời còn nằm trong chế độ Thiệu là nơi xả hơi của hai cánh lính. Một cánh từ Khe Sanh, Lao Bảo về. Bao nhiêu cơ cực của rừng núi biên ải, bao nhiêu gian lao vất vưởng của những ngày dã ngoại đóng chốt được trút bỏ nơi đây để tận hưởng thú vui đô thị.

Chữ ký của Toọng (bên trái) và cán bộ xét hỏi trong một lần hỏi cung.

Lại một cánh khác từ Sài Gòn, Huế được điều ra thế chân vùng chiến thuật I, trước phút bước vào tử địa, bao giờ cũng có tâm trạng “coi như đời đến đây là chấm dứt, hãy sống vài giây cuối cùng với bao lạc thú thế gian”. Cho nên một nghề nữa cũng không kém phần rầm rộ trên thị trấn này là làm điếm và cướp bóc.Hội “mũ đen” bắt đầu xuất hiện từ những năm 1973, thành phần chủ yếu là các tên du đãng dạt vòm từ Huế, Quảng Nam; một bộ phận nữa dạt từ Nghệ Tĩnh vào. Chợ, bến cảng là nơi chúng thường tụ tập để hoạt động. Đêm đêm, dưới ngọn đèn dầu leo lét, chúng lại tụ tập ở một ngóc ngách, ngỏ hẻm nào đó rồi bàn mưu, tính kế để đột vòm.

Trương Hiền xuất hiện khi “hội mũ đen” đang nổi như cồn, trở thành nỗi khiếp đảm của người dân xóm Chợ. Vốn máu giang hồ đã có sẵn, Hiền tính cách “cướp số” để soán ngôi bá chủ. Hạ gục kẻ đứng đầu của nhóm mũ đen sau một đêm thách đấu, Hiền nghiễm nhiên trở thành thủ lĩnh của hội “mũ đen”, thống lĩnh toàn bộ bọn du đãng tụ tập nơi đây.

Năm đó, Trương Hiền vừa tròn 16 tuổi.

Chuỗi ngày sau đó, Trương Hiền sống trong sự ảo tưởng. Ngày, hắn trốn biền biệt trong nhà với rượu, gái và ma tuý. Đêm, hắn lại lao ra đường, chỉ huy bọn đàn em đột vòm, trấn lột. Cái tên Toọng, biệt danh “lì như Toọng” cũng xuất hiện kể từ khi Hiền thống lĩnh băng nhóm có tên “hội mũ đen” này.

Lỳ như Toọng

Năm 1972, chiến sự xẩy ra liên miên, Trương Hiền cùng gia đình tản cư vào Đà Nẵng, tránh bom rơi đạn lạc. Sau đó, gia đình Trương Hiền lại kéo nhau về Km03 Phong Điền, Thừa Thiên – Huế.

Thời kỳ này, ngụy tiến hành dồn dân, lập ấp chiến lược, nhằm kiểm soát gắt gao cộng sản, cố gắng bằng mọi cách không cho cho cộng sản trà trộn vào dân.

Để kiểm soát hoạt động của cộng sản, quân đội Việt Nam cộng hoà lập các vọng gác tại các khu dân cư. Ban ngày, nhiều toán lính được cử đi để chặn các cung đường chính. Những thanh niên trai tráng trong các ấp chiến lược này cũng được huy động, được phát súng để canh giữ ấp vào ban đêm.

Anh Võ Văn Đông

Anh Đông kể, có lần tên đồn trưởng uống ruợu say, chọc ghẹo con gái trong làng. Ngứa mắt, Hiền dùng báng súng táng ngay một phát ngay giữa mặt. Tên đồn trưởng hộc máu mồm, nằm dãy đành đạch. Đêm hôm đó, mấy chục tên lính liền được huy động đến để bao vây quanh nhà Trương Hiền. Hiền bị bắt ngay sau đó, ăn một trận đòn thừa sống, thiếu chết rồi được thả về.Một lần nữa, thấy mấy toán lính ngồi nhậu rồi quỵt tiền, chửi bới, Hiền nổi máu giang hồ, vớ ngay thanh gỗ nhằm mặt thằng to đầu nhất mà phang tới tấp. Tên cầm đầu nằm giẫy giụa ở dưới đất, số còn lại bỏ chạy bán sống, bán chết. Mặc cho tên lính van xin, máu me be bét rên rỉ, Trương Hiền vẫn coi như không có chuyện gì xẩy ra, ngồi uống ruợu thản nhiên.

Chưa hết 1 bát ruợu, đã thấy một toán lính chạy rầm rập đến, súng ống lên đạn sẵn. Vẫn thản nhiên coi như không có chuyện gì xẩy ra, Trương Hiền tu nốt bát rượu rồi đứng dậy, sẵn chân móc ngang mặt tên chỉ huy đang lê lết giữa đất một cú đá như trời bổ rồi nhảy tùm xuống sông. Bọn lính í ới, nhả đạn hụt.

Sau cái lần đó, tụi lính lại tổ chức vây bắt Trương Hiền. Lần này, bọn chúng trói chặt 2 tay Hiền rồi vứt lên xe. Lợi dụng đến khúc cua, lại có một chiếc xe chở cát đi ngược chiều, Trương Hiền vung mình, tách qua, nằm lọt thỏm trên chiếc xe chở cát rồi trốn thoát.

Đất nước thống nhất, gia đình Trương Hiền lại quay về định cư tại tiểu khu I thị xã Đông Hà. Gia đình ông Trương Hé được giao giữ xe đạp, bán nước chè tại chợ để kiếm kế sinh nhai.

Đông Hà những ngày mới giải phóng, thị xã nhếch nhác. Khu phố chợ chỉ có mấy mái nhà tranh liêu xiêu, tạm bợ. Bọn du đãng, tàn dư chế độ cũ từ miền Nam dạt ra chợ Đông Hà, cướp bóc hoành hành. Dưới sự chỉ huy của đại ca “cu Toọng”, băng nhóm “mũ đen” thực sự trở thành nỗi kinh hoàng của người dân khu phố chợ.

Toọng bị bắt một thời gian rồi tìm cách trốn trại, tiếp tục thay tên, đổi họ làm nghề phụ xe chạy tuyến Huế -Vinh. Một lần, y bị bắt khi đang vận chuyển thuốc phiện. Vào trại, Hiền lại tìm cách vượt ngục và trốn ra Vinh, ra tay thu phục đệ tử, lập băng đảng, thống lĩnh giới giang hồ thành Vinh với cái tên: cu Toọng, Vui, Đức.

  • Hoàng Sang – Duy Tuấn

Kỳ tới: Chân ướt chân ráo bước chân ra thành phố Vinh, ngay lập tức, Trương Hiền ra tay thu phục đệ tử để mở mang lãnh địa.. Sẵn sàng đột vòm, sẵn sàng xiết cò cộng thêm bản tính lỳ lợm, Hiền nhanh chóng trở thành đại ca của hội Miền đù. Dưới trướng của Hiền lúc nào cũng có khoảng 30 tên dắt sẵn súng ở trong người. Băng nhóm do Trương Hiền lãnh đạo trở thành nỗi khiếp đảm của người dân thành Vinh khi đêm buông xuống.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP