Bờ dừng, biển ngưng
Xã Cương Gián (Nghi Xuân) được mệnh danh là xã giàu nhất nước vì có hàng ngàn người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Những ngày này, khắp các thôn xóm mọi người tụ tập bàn tán về việc con em bị tạm dừng sang Hàn Quốc làm việc.
Thực ra, hơn một tháng nay, con em của họ sau khi học xong giáo dục định hướng và hoàn thiện hồ sơ vẫn không được phía Hàn Quốc cấp visa. Thu nhập của người dân Cương Gián chủ yếu từ XKLĐ (chiếm tới 90%) nên khi nhận được tin này, hàng trăm gia đình hoang mang.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thanh – Nguyễn Thị Loan (xóm Nam Mới) có 2 con trai. Năm 2010, người anh là Nguyễn Thế Hùng được cấp chứng chỉ tiếng Hàn. Sau khi hoàn thành các thủ tục, Hùng chờ mãi đến nay vẫn chưa được xuất cảnh. Em trai Hùng – Nguyễn Quốc Cường cũng đã học xong khóa tiếng Hàn nhưng chờ mãi vẫn không thấy Bộ LĐ-TB&XH tổ chức thi.
Vì hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ chồng lại bị liệt nằm một chỗ nên anh chị Thanh – Loan phải vay ngân hàng hơn 50 triệu đồng để trang trải và cho hai con đi học tiếng Hàn. “Nghe nói lao động người Cương Gián sẽ không được đi Hàn Quốc nữa khiến tôi bủn rủn cả người. Lấy đâu số tiền hơn 50 triệu để trả cho ngân hàng bây giờ” – chị Loan bật khóc. Vì chờ mãi hai con vẫn chưa được đi nên anh Thanh phải bỏ quê vào Nam kiếm tiền trả nợ ngân hàng.
Đến nhà vợ chồng ông Phan Văn Nhân – Nguyễn Thị Mai, thấy anh chị đang cặm cụi đọc thông báo của Bộ LĐ-TB&XH. “Gần 5 năm nay, bốn đứa con hết làm thủ tục đi nước này rồi nước kia nhưng toàn gặp phải cò nên mất cả trăm triệu đồng. Năm ngoái, đứa thứ ba thi được chứng chỉ tiếng Hàn, cả nhà chưa kịp mừng thì nay Bộ có thông báo ngừng” – bà Mai lo lắng.
Theo ông Hoàng Công Tuần – Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián, hiện có hàng trăm gia đình đang rơi vào hoàn cảnh như anh Thanh, bà Mai. Theo ông Tuần, không chỉ chương trình EPS bị tạm dừng mà các chương trình XKLĐ đưa thuyền viên đánh bắt gần, xa bờ cũng bị một số Cty ở Hà Nội tạm dừng.
“Sau khi có thông tin lao động của xã Cương Gián bị tạm dừng theo chương trình EPS, một số Cty đưa thuyền viên đi đánh bắt xa, gần bờ cũng không nhận lao động người Cương Gián nữa” – ông Tuần nói.
Chính quyền và dân đều sốc
Ông Hoàng Đình Hùng – Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết, ngày 15-7, UBND xã nhận được thông báo của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hoà ký. Nội dung thông báo ghi rõ: “Gần đây tiếp tục phát sinh 22 lao động bỏ trốn tại sân bay ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc, gây bức xúc cho các cơ quan chức năng phía bạn và chủ sử dụng lao động Hàn Quốc.
Những lao động bỏ trốn thuộc một số xã như Cương Gián (Nghi Xuân), Cẩm Nam (Cẩm Xuyên), Kỳ Ninh (Kỳ Anh). Nên phía Hàn Quốc hoãn kỳ kiểm tra tiếng Hàn với các lao động dự kiến vào ngày 7-8 tới đây.
Để ngăn chặn tình trạng trên, nhằm giữ vững thị trường lao động tiềm năng này, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị quý UBND nghiên cứu có biện pháp hành chính để tạm dừng tuyển chọn và phái cử người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS tại ba xã trên”.
Theo ông Hùng, Cương Gián hiện có trên 2.000 người đi XKLĐ, trong đó hơn 1.000 người đang làm việc tại Hàn Quốc. Mỗi năm, người lao động gửi về hơn 200 tỷ đồng. Hiện, có hàng nghìn lao động đã làm thủ tục chờ ngày xuất cảnh sang Hàn Quốc. Chính vì thế, thông tin xã Cương Gián bị tạm dừng giống như một cú sốc lớn đối với chính quyền và người dân.
“UBND xã Cương Gián đang làm tờ trình gửi Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét cụ thể về việc này. Không thể để tình trạng con sâu làm rầu nồi canh” – ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng, nếu xã Cương Gián bị dừng XKLĐ Hàn Quốc, không chỉ cuộc sống người dân nơi đây bị ảnh hưởng mà sẽ có tác động dây chuyền. Trên 1.000 lao động Cương Gián đang làm việc tại Hàn Quốc biết tin khi hết hợp đồng về nước, không được sang làm việc nữa, chắc chắn họ sẽ cố tình phá hợp đồng trốn ra ngoài.
Lao động mới bị cấm cửa
Đại diện Cty LOD – một trong hai đơn vị được Hiệp hội thủy sản Hàn Quốc cho phép đưa lao động sang làm việc theo chương trình thuyền viên gần bờ, cho biết Hàn Quốc đang hạn chế cấp visa cho lao động tham gia chương trình thuyền viên gần bờ, đặc biệt là với những lao động lần đầu tham gia vì lo ngại bỏ trốn.
Thực tế, lao động mới sau khi hoàn thành thủ tục đi phỏng vấn đều bị đánh trượt nên đã ba tháng nay, Cty LOD không dám tuyển lao động mới mà chỉ tuyển những lao động đã đi Hàn Quốc nhưng về nước đúng hạn.
Đại diện Cty INMASCO cũng cho biết, hiện Cty này chỉ đưa thuyền viên đã có kinh nghiệm hoặc đã đi Hàn Quốc nhưng về nước đúng hạn, còn thuyền viên mới hầu như rất khó xin visa. Được biết, mức phí đi làm thuyền viên gần bờ (có tỷ lệ bỏ trốn cao sau chương trình EPS) cao, khoảng 10.000 USD/lao động nhưng số người đăng ký vẫn ngày càng gia tăng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết việc dừng tuyển lao động các xã ở hai huyện của Hà Tĩnh đi Hàn Quốc là vì các xã này có lao động bỏ trốn cao, sợ ảnh hưởng tình hình chung của cả nước.
Theo ông Quỳnh, bộ chỉ dừng tuyển lao động ở các xã có tỷ lệ bỏ trốn cao, còn cả nước vẫn tuyển bình thường. Ông Quỳnh cho biết, để giữ vững thị trường Hàn Quốc, ngoài biện pháp cấm tuyển lao động đối với một số xã có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao như hiện nay, tới đây, bộ sẽ còn áp dụng nhiều biện pháp.
Trả lời câu hỏi về việc hàng nghìn lao động đang bị tạm dừng cấp visa sẽ ra sao, ông Quỳnh cho biết, Thứ tưởng Nguyễn Thanh Hoà đang dẫn đầu đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH sang Hàn Quốc để làm việc nhằm tìm hướng giải quyết tối ưu nhất.
Hàng vạn người chờ đợi
Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, cho biết trong năm 2010, toàn tỉnh có 1.900 người được cấp chứng chỉ tiếng Hàn. Cho đến nay, có 1.000 người xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc.
Hiện, riêng Hà Tĩnh có 4.500 người đã học qua các lớp tiếng Hàn Quốc đang chờ kiểm tra nhưng vì Hàn Quốc dừng tổ chức kỳ thi tiếng Hàn năm 2011 nên tất cả đang phải chờ, kéo theo cả vạn người đã học tiếng Hàn trên cả nước phải chờ theo.
Trước chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, ngày 19-7, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã họp, tìm biện pháp ngăn chặn tình trạng lao động bỏ trốn. Theo ông Võ Kim Cự – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, thời gian tới, UBND xã Cương Gián cần tổ chức các cuộc họp dân, đưa ý tưởng ràng buộc trách nhiệm giữa gia đình và chính quyền, nếu lao động đi XKLĐ bỏ trốn, để người dân thảo luận. Nếu người dân đồng thuận thì UBND xã áp dụng.
Phong Cầm – Minh Thùy
Tiền Phong