Tại đại lý, ông luôn căn dặn các nhân công không được lấy mực đã ngâm để ăn. “Tôi cũng không biết có độc hay không. Nhưng cứ đề phòng. Mà răn như vậy cũng có cái lý riêng là để tụi nó đừng có chôm chỉa mà ăn”, ông T. nói.
Dù đã sử dụng hết cách, nhưng PV vẫn không tài nào lấy được 1 ít hóa chất ấy để đem về phân tích. Và thông tin chỉ dừng lại ở mức: hóa chất lạ dùng để ngâm mực là có, nhưng không biết là chất gì, có độc hay không.
Vạch trần loại “thần dược” tăng trọng
Mới đây, PV tiếp xúc được với một số giám đốc doanh nghiệp thủy sản ở miền Tây chuyên xuất khẩu cá da trơn. Và sự thật về loại hóa chất ấy đã được tiết lộ. Theo giới kinh doanh thủy sản, hóa chất này được nhập về từ nước ngoài với giá chỉ hơn 30.000đ/kg. Nó có nguồn gốc Thái Lan, Trung Quốc… Tính ra, chỉ cần tốn hơn 300đ để ngâm hóa chất (100kg thủy sản chỉ xài 1kg hóa chất), thì người bán đã thu được lượng cá mực tăng thêm 1/2 so với trọng lượng ban đầu.
Anh Th., giám đốc một công ty chế biến cá, cho biết: “Hóa chất ấy thực ra giới thủy sản không lạ gì. Chúng tôi đã sử dụng từ lâu nay và đúng là nó làm tăng trọng thủy sản rất nhanh. Không chỉ mực, nó còn giúp cá, tôm… tăng trọng chỉ sau 2 giờ đồng hồ. Nếu để đông đá, thủy sản sẽ giữ mức tăng trọng ấy hơn 1 năm”.
Anh Th. cho biết, sau khi cá được chế biến thành miếng phi lê, sẽ được đưa đi ngâm hóa chất để tăng trọng. Mỗi mẻ hơn 200kg, được ngâm vào nước chứa hóa chất, sau đó đưa vào 1 thùng lớn tựa như máy trộn bê tông để trộn. Thao tác trộn giúp hóa chất ngấm đều và đẩy nhanh quá trình tăng trọng. “Cứ sau 2 giờ trộn như vậy sẽ giúp cá tăng trọng khoảng 40-50%. Nếu muốn tăng 50% trọng lượng thì cứ 100kg cá sử dụng 1kg hóa chất là đủ”, anh Th. nói.
“Thần dược” không gây độc?
Sau khi cung cấp đầy đủ thông tin về loại “thần dược” ấy, anh Th. khẳng định: “Nó không gây độc hại cho người ăn. Hóa chất ấy chính các nhà nhập khẩu ở nước ngoài hướng dẫn chúng tôi sử dụng để bán hàng sang châu Âu. Khi kiểm tra, phát hiện thủy sản đã ngâm tăng trọng, hàng vẫn được nhập khẩu bình thường. Thực tế, chỉ cần lấy mẫu kiểm nghiệm thì người ta đã biết mình sử dụng hóa chất tăng trọng vì tỷ lệ nước trong miếng cá cao hơn mức 60% – như bình thường”.
Từ trước đây, người ta đã sử dụng hóa chất này để giúp thực phẩm được bảo quản lâu hơn. Bởi chúng kích thích các tế bào trong từng loại thủy sản căng lên, tích nước, giữ được độ tươi lâu ngày. Tùy mỗi thị trường, nhà nhập khẩu sẽ yêu cầu cho tăng trọng 10-50%. Đó cũng xem như là cách để họ hạ giá thành sản phẩm. Sau khi chế biến thành món ăn, miếng cá, con tôm… sẽ tự nhiên xẹp xuống vì lượng nước “tăng trọng” tích trong thịt sẽ tự xì ra.
“Thực tế, loại hóa chất này có thể giúp thủy sản tăng trọng tối đa đến 70%. Nhưng khi ấy, miếng cá nhìn sẽ không bắt mắt do tích nước quá nhiều. Nếu tăng trọng chừng 10% là rất lý tưởng, miếng cá nhìn sẽ rất tươi ngon”, anh Th. nói.
Thực tế, chính Bộ NN&PTNT cũng nắm rõ về việc sử dụng chất tăng trọng tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản và vừa ra quy định sắp tới chỉ cho tăng trọng 10% ở các lô hàng thủy sản xuất khẩu.
Có 2 loại được sử dụng để giúp thủy sản tăng trọng là 1 loại không có phosphate (nonphosphate) và 1 loại có phosphate. Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản, thực ra loại có phosphate vẫn không ảnh hưởng đến sức khỏe khi ăn vào nhưng do cẩn thận nên thị trường châu Âu không cho phép sử dụng loại có chứa phosphate.
PV đã khảo sát một số website của các công ty cung cấp hóa chất thủy sản và nhận thấy rằng loại thuốc được giới thiệu là giúp tăng trọng được rao bán công khai.
Người tiêu dùng khó an tâm
Sau khi thu thập đầy đủ thông tin, chúng tôi xin khẳng định, loại hóa chất dùng để tăng trọng thủy sản này chính là 1 dạng muối bột và thường sử dụng nhất là sodium tripoly phosphate (STPP).
“Trong thực phẩm, STPP được sử dụng để duy trì độ ẩm và đương nhiên giúp tăng trọng. Nó là hóa chất thực phẩm nên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi ăn vào. Do đó, chúng ta đừng quá hoang mang và tẩy chay nhiều loại thủy sản khi biết nó được ngâm chất tăng trọng. Tuy nhiên, nếu như ngoài chất tăng trọng, người ta còn trút vào những loại hóa chất công nghiệp khác thì không ai lường trước được hậu quả. Như chính STPP vẫn có loại chỉ sử dụng trong công nghiệp để chế biến xà phòng”, một kỹ sư chuyên về hóa thực phẩm cho biết.
STPP mà các nhà máy thủy sản sử dụng đều là hóa chất thực phẩm, có thể tạm yên tâm, bởi chính nhà nhập khẩu sẽ kiểm tra hóa chất đó. Nhưng còn các đại lý mua bán thủy sản cung cấp cho các chợ, liệu có sử dụng STPP công nghiệp?
Kỹ sư chuyên về hóa thực phẩm cho biết thêm, công dụng của 2 loại này cũng gần giống nhau và STPP công nghiệp lại có giá rẻ hơn. Chỉ có thể phát hiện STPP thực phẩm hay công nghiệp khi xem trên bao bì sử dụng. Nhưng với nhà cung cấp thủy sản nhỏ, điều này rất khó kiểm soát.
Theo một luật sư ở TP.Cần Thơ, thực tế mục đích người sử dụng hóa chất này là để tăng trọng lượng sản phẩm. Nó được xem là hành vi gian lận thương mại, nếu như người bán không cho người mua biết, và vẫn bán với giá thị trường để thu lợi bất chính từ trọng lượng tăng thêm. Còn nếu cả 2 bên đã thỏa thuận, thống nhất về giá thì không ai bắt bẻ được.
Theo Hồ Nguyễn
Một thế giới