Kinh tế

Hé lộ bà chủ SNB Holdings vừa bị bắt trong đại án Việt Á

Dưới sự điều hành của CEO Nguyễn Bạch Thùy Linh, cùng tiềm lực của các cổ đông lớn, Soc&Brothers không mất nhiều thời gian để trở thành thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực phân phối bán lẻ sản phẩm mẹ và bé với hiệu quả kinh doanh ấn tượng.

Cửa hàng Soc&Brothers tại 21 Phan Chu Trinh - 17 Lý Thường Kiệt. Ảnh: Soc&Brothers.

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) cho biết đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, thực hiện các khám xét và lệnh bắt bị can đối với bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (SN 1967) và bà Nguyễn Bạch Thùy Linh (SN 1978, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên SNB Holdings), để điều tra về hành vi "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", quy định tại Khoản 3, Điều 366 Bộ luật Hình sự.

Đây là diễn biến mới nhất về tiến trình điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại CTCP Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan. Vụ án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong 2 cá nhân bị khởi tố này, cái tên đáng chú ý hơn cả là bà Nguyễn Bạch Thùy Linh - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên SNB Holdings (SNB Holdings). Theo tìm hiểu, bà Thùy Linh là cổ đông lớn và là người điều hành một hệ sinh thái các doanh nghiệp “họ” SNB, trong đó CTCP Thế giới tuổi thơ (Soc&Brothers) và Công ty TNHH Phân phối SNB (SNB Distribution) là 2 pháp nhân lõi.

Soc&Brothers là “viên gạch” đầu tiên của nhóm SNB. Vai trò “cốt lõi” của pháp nhân này cũng phần nào được khẳng định qua chính cái tên “SNB”, có thể hiểu là viết tắt của “Soc and Brothers”. Quan trọng hơn, doanh nghiệp này còn là pháp nhân đóng vai trò “core” kinh doanh trong nhóm SNB.

Cụ thể, Soc&Brothers thành lập vào tháng 11/2007 với sứ mệnh là đưa những sản phẩm chất lượng trong lĩnh vực chăm sóc mẹ và bé của các thương hiệu hàng đầu thế giới đến Việt Nam.

Ra đời từ gần cuối năm 2007, Soc&Brothers nổi lên nhanh chóng khi chỉ gần 1 năm sau đã trở thành nhà phân phối xe đẩy Aprica – một thương hiệu cao cấp của Nhật Bản. Chưa dừng lại ở đó, Soc&Brothers vào tháng 2/2009 tiếp tục trở thành nhà phân phối chính thức và duy nhất tại Việt Nam về sản phẩm Arau Baby của tập đoàn Saraya (Nhật Bản).

Giai đoạn sau đó, Soc&Brothers trở thành nhà phân phối cho nhiều sản phẩm cho hàng loạt tên tuổi lớn khác đến từ Nhật Bản như: Độc quyền phân phối sản phẩm tã giấy Merries của Tập đoàn KAO (tháng 3/2014), độc quyền phân phối sản phẩm giấy ướt LEC – sản xuất tại Nhật Bản (năm 2014), nhà phân phối chính thức sữa Icreo của hãng Glico (tháng 3/2015)…. Ngoài ra, Soc&Brothers cũng mở rộng dòng sản phẩm phân phối sang hàng gia dụng, đồ dùng tiện ích dành cho gia đình cũng từ Nhật Bản như Pearl, Katoji, gia dụng 100 Yen Seria…

Dữ liệu cho thấy, vốn điều lệ thời điểm hiện tại của Soc&Brothers là 25 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông gồm bà Nguyễn Phương Dung (0,4%), bà Nguyễn Bạch Thùy Linh (99,24%) và Trương Thị Vân Anh (0,36%). Trong đó, bà Linh (SN 1978) cũng đồng thời là Người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng Giám đốc công ty.

Pháp nhân “lõi” thứ 2 là CTCP Phân phối SNB (SNB Distribution) ra đời vào tháng 3/2014 với mục đích nâng tầm chuyên nghiệp hệ thống phân phối và nâng cao hiệu quả phân phối. SNB Distribution theo giới thiệu là nhà phân phối, đối tác chiến lược với chính các đối tác lớn trong nhóm như KAO, Glico…. Ngoài ra, SNB có đầy đủ các giải pháp cho từng giai đoạn của chuỗi cung ứng từ tìm kiếm nguồn hàng, nghiên cứu và phân tích thị trường, marketing và sale tới phân phối và kho vận cũng như các dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Trong 8 năm qua, SNB cho biết đã phát triển hệ thống phân phối tại 58 thành phố và tỉnh thành trên cả nước với mạng lưới phân phối rộng khắp các kênh MT, GT, PV, thương mại điện tử…

Hiện tại, Soc&Brothers nắm 50% vốn SNB Distribution (vốn điều lệ 40 tỷ đồng), 2 cổ đông còn lại tại đơn vị này là ông Phạm Tấn Đạt (2%) và một nữ doanh nhân (48%).

Ông Đạt là đại diện theo pháp luật chi nhánh tại TP.HCM của CTCP Phân phối SNB. Ông cũng được giới thiệu là Giám đốc ngành hàng Merries – thương hiệu tã giấy trẻ em từ Nhật Bản.

Trong khi đó, nữ cổ đông nắm non nửa vốn SNB Distribution, nên biết, còn là một trong những cổ đông sáng lập của Tập đoàn Edufit – chủ thương hiệu trường mầm non Sakura Montessori và trường liên cấp Dewey Schools (trước đây là hệ thống trường quốc tế Gateway).

Trở lại với nhóm SNB, sau khi định vị chỗ đứng với người tiêu dùng ở các sản phẩm chất lượng cao cho trẻ em, hệ sinh thái này mở rộng sang một số lĩnh vực khác, như: Liên doanh cùng tập đoàn Global Kids (Nhật Bản) thành lập CTCP Global Kids Vietnam vào tháng 7/2018.

Hay, đến tháng 7/2019, SNB đã nhận giấy chứng nhận đầu tư xây dựng các trường mầm non tại Việt Nam tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản do Bộ kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Xúc tiến Thương Mại Nhật Bản tổ chức.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái phục vụ gia đình trẻ của SNB còn được mở rộng với sự ra đời của CTCP Bán lẻ và Dịch vụ SMS, CTCP Giáo dục SNS...

Có thể thấy, cấu trúc hệ sinh thái của SNB về cơ bản là các mảnh ghép hỗ trợ nhau trong lĩnh vực chăm sóc mẹ và bé. Cụ thể, Soc&Brothers (như đã đề cập) đóng vai trò “core” phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng; SNB Distribution có nhiệm vụ tìm kiếm nguồn hàng, nghiên cứu và phân tích thị trường, marketing và sale tới phân phối và kho vận cũng như các dịch vụ chăm sóc khách hàng; giáo dục mầm non với CTCP Global Kids Vietnam; và F&B (thực phẩm và đồ uống) với thương hiệu Nhà hàng Kuri Kuri.

Hệ sinh thái Soc&Brothers làm ăn thế nào?

Trong năm 2021, doanh thu thuần Soc&Brothers đạt hơn 183,2 tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi các chi phí, lãi ròng công ty chỉ còn vỏn vẹn 3 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của Soc&Brothers giai đoạn 2019-2021, trước đó lợi nhuận công ty năm 2019 đạt 20,4 tỷ đồng; năm 2020 là 17 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Soc&Brothers tại ngày 31/12/2021 đạt 193,2 tỷ đồng, tăng gần 49,2% so với số đầu kỳ. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu 68 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 2%. Trong khi nợ phải trả tăng gấp đôi lên 125,2 tỷ đồng, tương đương 2/3 tổng nguồn vốn.


Về phía SNB Distribution, dù ra đời sau Soc&Brothers, song đơn vị này gây ấn tượng với kết quả doanh thu giai đoạn 2019-2021 lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, doanh thu công ty năm 2019 đạt 1.341 tỷ đồng, năm 2020 là 1.119 tỷ đồng, sang đến năm 2021 thì giảm 28% về 799,6 tỷ đồng.

Tuy vậy, sau khi trừ đi các chi phí, lãi ròng SNB Distribution co về vài chục tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận công ty năm 2021 chỉ là 15 tỷ đồng – con số thấp nhất giai đoạn 2019-2021.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản SNB Distribution đạt 613 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với số đầu kỳ. Bên kia bảng cân đối kế toán, vốn chủ sở hữu công ty 102,5 tỷ đồng (+17%); tương đồng với Soc&Brothers, nợ phải trả công ty cũng ở mức rất cao là 510,5 tỷ đồng (-7,3%) và chiếm đến hơn 83% tổng nguồn vốn công ty.

Dù lợi nhuận Soc&Brothers và công ty liên kết SNB Distribution chỉ dao động ở mức vài tỷ đến chục tỷ mỗi năm, nhưng xét trên phương diện tỷ suất thu nhập trên mỗi cổ phiếu, đây là những kết quả khá tích cực. Theo tính toán, tính riêng năm 2021, EPS (lợi nhuận trên mỗi đồng cổ phần) của Soc&Brothers và SNB Distribution lần lượt đạt 1.239 đồng và 3.755 đồng.

Không những thế, tính đến ngày 31/12/2021, Soc&Brothers và SNB Distribution ghi nhận khoản lũy kế lợi nhuận chưa phân phối lần lượt hơn 52 tỷ đồng và 60 tỷ đồng. Đây cũng là các kết quả khả quan xét theo quy mô vốn điều lệ 2 công ty này chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ đồng.


Tác giả: Hóa Khoa

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP