Bãi biển thành… bãi rác!
Năm 1998, xã Thạch Kim quyết định thành lập bãi chứa rác trên diện tích khoảng hơn 6.000m2 và một tổ chuyên thu gom rác. Đây là một việc làm rất cần thiết và hợp lý đối với xã Thạch Kim lúc bấy giờ. Quyết định này không chỉ được nhân dân trong xã ủng hộ, mà còn được chính quyền các cấp tuyên dương và coi đây là đơn vị đi đầu trong bảo vệ môi trường ở nông thôn.
Năm 2001, Thạch Kim được Bộ Tài nguyên-Môi trường tặng bằng khen vì thành tích bảo vệ môi trường. Thế mà giờ đây, nếu ai đó đến bãi rác xã Thạch Kim thì mới thấy hết được sự bất cập của nó. Vẫn biết, Thạch Kim là xã đất chật, người đông, nhưng việc xây dựng bãi rác ngay trên bờ biển là một quyết định thiếu sáng suốt. Dường như các vị lãnh đạo trước đây không tính hết những tác hại do bãi rác gây ra. Theo thiết kế ban đầu bãi rác chỉ rộng khoảng 6.000m2, nhưng đến nay diện tích lên đến gần 30.000m2. Điều này cho thấy, đã không có sự quan tâm đúng mức trong tổ chức, quản lý bãi rác của chính quyền địa phương. Dường như những người làm nhiệm vụ thu gom rác, chỉ có một việc đưa rác ra bãi biển mà không cần quan tâm số rác ấy sẽ xử lý như thế nào?
Chúng tôi có mặt trên bãi biển Thạch Kim đúng lúc thủy triều dâng cao, những con sóng, cứ đua nhau ngoạm từng mảng rác rồi lôi ra biển. Sau mỗi đợt sóng, đủ các loại rác lại được “bày” la liệt trên bãi cát. Được biết, mỗi ngày có hơn 20 tấn rác với đủ mọi chủng loại được gom về đây. Điều này đồng nghĩa với việc hằng ngày có hàng chục tấn rác thải cùng nước bẩn được hòa vào nước biển, làm ô nhiễm môi trường biển nơi đây. Bên cạnh rác thải, còn một vấn đề nhức nhối cần được quan tâm, đó là việc chế biến mắm ruốc (mắm tôm). Người dân Thạch Kim có truyền thống làm ruốc, toàn bộ nước thải cứ vô tư xả ra mương rồi đổ ra biển mà không qua một khâu xử lý nào.
Bất lực hay cố tình làm ngơ?
Hầu hết người dân thôn Long Hải, xã Thạch Kim không giấu nổi sự bức xúc khi hằng ngày họ phải sống trong môi trường ô nhiễm do bãi rác gây ra. Vì bãi rác nằm ngay cạnh nhà nên hằng ngày họ phải sống chung với mùi hôi thối nồng nặc. Nhất là thời điểm gió đông từ biển thổi vào, túi ni-lông bay rợp đường trong thôn. Nhiều năm nay, những hộ gia đình sống gần bãi rác không có được bữa cơm thoải mái. Bởi ngay khi ăn, họ cũng phải mắc màn bao quanh vì ruồi nhặng nhiều như vãi trấu.
Trao đổi với chúng tôi, một người dân cho biết: “Nhiều năm nay chúng tôi phải sống chung với ô nhiễm. Muốn chuyển chỗ ở, nhưng lấy tiền đâu, trong khi đất ở đây bán cũng chẳng ai thèm mua”. Đem vấn đề này trao đổi với ông Phạm Xuân Đức, Chủ tịch UBND xã, chúng tôi được biết: “Mặc dù chính quyền xã ý thức rất rõ về vấn đề ô nhiễm môi trường mà bãi rác gây ra, nhưng hiện tại xã không còn biện pháp nào khác. Nếu không cho đổ rác thì lượng rác thải hằng ngày không biết đổ đi đâu, xử lý thế nào”. Ông Đức còn nhấn mạnh: “Lãnh đạo xã cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một giải pháp cụ thể và hợp lý từ phía các cơ quan chức năng. Do vậy, cả xã Thạch Kim vẫn đang hằng ngày phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường và nước thải sinh hoạt trên địa bàn. Chúng tôi muốn di dời bãi rác đến một địa điểm hợp lý nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm, nhưng “lực bất tòng tâm”, đành chờ hỗ trợ của trên”.
Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân địa phương, bãi rác xã Thạch Kim còn gây ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân của xã Thạch Bằng. UBND xã Thạch Bằng đã nhiều lần gặp gỡ trao đổi, yêu cầu xã Thạch Kim giải quyết nhưng đâu rồi vẫn nguyên đó. Bãi rác này cũng đang làm mất đi mỹ quan của bãi biển Xuân Hải, nơi mà huyện Lộc Hà đang có chiến lược xây dựng thành bãi tắm và khu du lịch sinh thái.
Chính quyền huyện Lộc Hà và tỉnh Hà Tĩnh cần vào cuộc để cứu lấy bãi biển Thạch Kim, trả lại môi trường trong sạch vốn có cho bãi biển này.
Bài và ảnh: QUẢNG HÀ
QDND