Trong nước

Hàng ngàn hécta đất công bị các 'ông lớn' nhà nước sử dụng lãng phí

Diện tích đất công được giao cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước quản lý và sử dụng rất lớn. Tuy nhiên, có hàng ngàn hécta đất bị nhiều 'ông lớn' bỏ hoang, giao nhưng chưa khai thác và sử dụng nhưng chưa nộp thuế đất.

Theo Kiểm toán nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có nhiều lô đất mua từ năm 2011-2012 đến nay vẫn để không - Ảnh: N.KHÁNH

Trong báo cáo kiểm toán về ngân sách năm 2018 vừa được trình lên Quốc hội, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra một loạt những sai sót, yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong quản lý và sử dụng đất công.

Theo Kiểm toán Nhà nước, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước được giao rất lớn. Song bản thân doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ khiến nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí cho Nhà nước..

Cụ thể, Tổng công ty Khánh Việt có 286ha đất chưa sử dụng, Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) 24,39ha, Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) 18,92 ha, Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT) 7,01ha, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) 1,92 ha.

Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) có 2 lô đất tại Khu công nghiệp Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng và PVN có một số lô đất mua từ giai đoạn 2011-2012 nay vẫn để không.

Mặt khác, hàng nghìn ha đất công được sử dụng không hiệu quả. Cụ thể, Công ty mẹ - Tổng công ty thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) có 2 khu đất đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ nhiều năm trước nhưng chậm triển khai thực hiện.

Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) có 37 địa chỉ nhà đất kinh doanh trống, chưa cho thuê.

Đặc biệt, Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex) có 1.370,35ha đất thương phẩm chưa cho thuê. Dự án Trung tâm thương mại The Green River hiện đang tạm dừng đầu tư do mật độ dân cư hiện nay thấp, Viglacera 353,7ha đã giải phóng xong mặt bằng nhưng chưa cho thuê được.

Bên cạnh đó, đất công cũng bị nhiều doanh nghiệp nhà nước sử dụng không đúng mục đích. Trong đó, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) 140,08ha, Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) 3,57ha, Tổng công ty Văn Hóa Sài Gòn 0,01ha...

Ngoài ra, hàng trăm ha đất công bị lấn chiếm, tranh chấp như tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn 23,51ha, Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) 0,55ha, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn 0,04ha, Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) 40,562ha với 19 khu đất.

Không chỉ thế, Kiểm toán Nhà nước cũng điểm danh một loạt các "ông lớn" được giao đất nhưng chưa được ký hợp đồng thuê đất hoặc có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Đó là Tổng công ty Dầu VN (PVOil); Tập đoàn Bưu chính VN (VNPT) với một loạt các công ty con VNPT TP.HCM, VNPT Lâm Đồng, VNPT Gia Lai, VNPT Đắk Lắk; Tập đoàn Bưu điện Việt Nam với Bưu điện TP Cần Thơ, Bưu điện tỉnh Lạng Sơn, Bưu điện TP. Hà Nội, Bưu điện TP.HCM, Bưu điện tỉnh Kiên Giang...

Nợ khó đòi, lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng

Về tình hình kinh doanh trong năm 2017, qua kiểm toán 253 doanh nghiệp nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đánh giá khái quát hoạt động của nhiều "ông lớn" chưa hiệu quả dù kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Cụ thể, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn như Tập đoàn điện lực VN (EVN) 547 tỉ đồng, Công ty mẹ - MobiFone 510 tỉ đồng; Tổng công ty Sông Đà 1.907 tỉ đồng, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam 45 tỉ đồng, Becamex: công ty mẹ 8.765 tỉ đồng (chiếm 91% nợ phải thu).

Thậm chí, số nợ khó đòi cũng lên đến khoảng 12.000 tỉ như của công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 11.368 tỉ đồng; Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) 354 tỉ đồng; VNPT: công ty mẹ 432 tỉ đồng, Vinaphone 385 tỉ đồng; Công ty mẹ - MobiFone 322 tỉ đồng; VNS 328 tỉ đồng; Viglacera 199 tỉ đồng; Resco: Công ty CP phát triển địa ốc Sài Gòn 5 191 tỉ đồng (chiếm 91,28%); Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) 266 tỉ đồng...

Đặc biệt, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao.

Cụ thể, 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án (tổng chi phí 773 triệu USD), dự án Danan - Iran và dự án Junin 2 - Venezuela dừng, giãn tiến độ (660 triệu USD), 2 dự án tại Peru đang xin chủ trương chuyển nhượng (849 triệu USD).

Tác giả: Lê Thanh

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP