Lao Động - Việc Làm

Hẩm hiu “phận muối” đồng hoang Hộ Độ

Không ai có thể hình dung nổi “Những cánh đồng muối trắng tình sâu và nghĩa nặng” của làng muối Hộ Độ (Lộc Hà) đã ăn sâu vào trong bài hát “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh” bây giờ lại trở thành những cánh đồng hoang.

Kết tinh thành hạt muối đổ không biết bao nhiêu công sức, mồ hôi, nhưng giá quá bọt bèo dẫn tới diêm dân chẳng thiết tha làm muối và không còn đường nào khác phải rời quê để tìm kế mưu sinh. Gian nan và nghèo đói đã trở thành nét đặc trưng của diêm dân Hộ Độ.

Bóng người lay lắt trên ruộng muối

Tôi liếc mắt nhìn đồng hồ đeo tay đã gần 15 giờ chiều, cữ này cứ như mọi năm tôi sẽ thoả sức chụp no các bức ảnh những ô muối trên cánh đồng Hộ Độ và khoan khoái khi mình được chiêm ngưỡng rừng muối trắng nõn hơn tuyết hiện lên dưới nắng trời. Rồi được chứng kiến những bóng người cầm thêu, cầm bàn trang vun muối sàn sạt trên ô nại. Những đống muối hình chóp núi hể hả được tắm nắng và gió càng giòn thêm vị mặn.

Người làng muối túa ra khắp thôn trên xóm dưới, những bàn chân đi đất to bè quen chịu nóng, chịu xót bước tất bật để giành giật thời gian cho hạt muối được kết tinh cuối ngày. Muối được chất đầy rổ, muối được xếp đầy quang, muối đưa lên xe trâu, xe bò rồi tiếp tục cuộc hành trình tới kho chứa muối… Vào vụ muối, cả xã Hộ Độ ăn cơm muộn, ngủ muộn và lại ra đồng sớm. Ấy vậy bức tranh cũ giờ biến đi đâu mất, khi tôi trở lại Hộ Độ vào giữa đỉnh cao mùa hạ này gặp thôn nào, xóm nào cảnh tượng cũng buồn tẻ, thảng hoặc mới thấy bóng người lay lắt trên ruộng muối.

Tại thôn Tân Quý, khi rẽ vào các con đường nhỏ gặp nhiều chị phụ nữ đang ngồi trong quán cóc bán nước chè xanh thuốc lá, mì tôm, bánh kẹo. Họ cùng chung một suy nghĩ: Ngày cố gắng kiếm vài chục ngàn tiền lãi còn hơn xuống ruộng muối, nhưng xem chừng quán cũng vắng hoe. Phía bên kia chân ruộng tôi thấy hai bà cháu đang lễ mễ xách rổ đi hái những quả đậu chín mà họ gieo từ tháng ba, hôm nay mới thu hoạch, tôi đoán chắc giỏi lắm chỉ được vài cân, nhưng cảnh “nhà bần” nên tháng 6 trời nổi nóng như thiêu như đốt này có bát canh đậu chan cơm họ thấy quý hơn vàng.

Trên diện tích đám đậu của hai bà cháu khoảng một sào trước đây làm muối, bây giờ trỉa đậu còn lại vô số gia đình bỏ ruộng hoang, những loài cỏ thích ứng với nước mặn thi nhau mọc. Cỏ già mọc hoa, cỏ non thoả sức bò ra cả máng chạt, sân phơi. Những giếng muối bị diêm dân bỏ quên, cóc nhái được dịp thi nhau nhảy múa và hát đồng ca. Không ít những ô nề hoang phế lâu ngày không được tu bổ nứt nẻ vết chân chim, từng mảng vôi hàu bị mưa xối trôi nham nhở. Cả đồng muối rộng hơn 2ha này tôi nhìn quanh ngó quắt chỉ duy nhất đếm được hai 2 chủ hộ đang làm muối.

Người phụ nữ đang mải mê văng đất lên nại, khi thấy khách lạ bước vào nơi trú nắng của mình bên chiếc lều dựng tạm lợp bằng lá cọ dày hình chóp nón thì chị ngừng tay trò chuyện với tôi. Chị tên là Trương Thị Hường (năm nay 42 tuổi), chồng chị đang theo cánh thợ xây đi làm ăn xa. Nhà nghèo lại phải cảnh nuôi 4 đứa con, nên chị Hường mới ngần ấy tuổi da đã nhăn nheo, người rộc khô như tóp mỡ. Ba đứa con của chị cứ hết lớp chín là phải nghỉ học để cùng mẹ đi ra nại.

Thằng cu Hới đứa con trai út của chị mới bốn tuổi ngồi thu lu trong túp lều nghe mẹ kể về chuyện khổ của người làm muối cứ nhe răng cười hồn nhiên, còn đứa con gái đầu Trương Thị Dung khăn trùm kín mặt, chỉ lộ rõ đôi mắt tuổi 17 ướt đẫm mồ hôi và nước mắt. Chị Hường cho biết: “Cách đây 3 năm gia đình chị làm 3 sào muối, giá muối hồi ấy bán mỗi yến được 13 ngàn đến 14 ngàn đồng. Vụ muối năm đó gia đình tôi làm được là hơn 7 tấn, tiền bán muối đủ đong gạo ăn cho cả nhà còn dôi dư một ít để sửa chữa lại bức tường”. Chị Hường thở dài rồi rầu rĩ nói: “Muối rẻ như cho mà bán không được nên nhà tui năm ni chỉ làm 2 sào thôi.

Bác tính xem tui mua vôi, mua hàu, làm cỏ và đốt nhiều rơm rạ để lấy tro mới có cái sân để phơi muối. Tiền chi phí đã đi đứt ba triệu rưỡi rồi. Nhưng năm nay một yến muối chỉ mười ngàn thì dân làm sao sống nổi. Biết là lỗ nhưng ra ruộng quen rồi ở nhà nằm cũng chán rồi đâm lắm bệnh tật ra”. Chị Hường không giải thích gì thêm nữa, nhưng tôi vẫn hiểu nội tâm đang dằn vặt chị khi cuộc sống gia đình đang bước vào ngõ cụt. Tôi đội tiếp “cái nắng rất riêng của Hộ Độ” để đến với bóng đôi vợ chồng diêm dân bên kia ruộng muối.

Thật ngạc nhiên người đàn ông này mới 64 tuổi, nhưng trông gần như ông lão 80. Nước da đen đúa, cặp mắt trũng sâu, chiếc cằm dài, má hóp và chân tay toàn thân khẳng khiu, hình như lâu ngày thiếu chất dinh dưỡng. Ông giới thiệu tôi tên là Trương Đình Luận “xóm Tân Quý”, gia đình ông có 4 người, hai đứa con trai ông bỏ học từ lâu để theo chúng bạn lên thành phố làm thuê… Tôi hỏi ông Luận: “Vụ muối năm nay cả thôn có nhiều người làm không hở bác?”.

Ông Luận không cần phân vân, đắn đo nói thẳng “Họ bỏ ruộng lâu rồi chú ạ, vợ chồng tôi không có sức bóc đất, chở đá thuê nên đành phải bám vào ruộng muối thôi. Năm ni gia đình tui định làm 4 sào muối, hai sào cũ mới dọn dẹp sạch sẽ được tuần nay, còn hai sào mới tui mượn ruộng bà Nhương làm thêm vì ô nại đang tốt không phải sửa thêm chi nữa”. Bà vợ ông Luận bảo: “Cả cánh đồng ở Tân Quý hôm nay chỉ có 6 nhà làm, càng làm muối càng thấy tủi thân vì muối càng sản xuất nhiều lại càng ế.

Làm ít như năm nay nhưng chắc chi đã bán được. Chú biết không có lần tôi đi lên thành phố Hà Tĩnh đèo trên xe đạp hơn 2 yến muối rao khản cả trưa chẳng ai thèm hỏi. Tôi lại bị con chó hung dữ của nhà giàu rượt đuổi. May có một cán bộ quân đội nghỉ hưu phát hiện được và gọi mọi người ra đuổi được con chó này. Ông ấy giờ tui quên tên mất rồi nhưng lòng tốt của ông thì tui đội ơn mãi bởi không có ông chắc tôi phải nằm viện cấp cứu vì chó cắn. Bữa ấy tôi đã thoát nạn lại còn được ông “mua trọn gói” số muối bán rao ấy cho”.

Muối ế buồn cả làng

Để tìm hiểu nỗi thống khổ của diêm dân thời muối rớt giá, tôi đã có dịp tiếp xúc và làm việc với ông Phan Đình Hinh – Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ. Với tính cương trực nhưng rất chân thành, ông Hinh nói: “Bác cứ đi khắp nơi trong tỉnh xem có ai khổ hơn dân Hộ Độ bọn tôi không. Dân miền núi khổ còn có củi để đun có nước ngọt để dùng thừa thãi, đằng ni đụng cái chi là thiếu cái đó. Làm cán bộ xã ai cũng thương dân, nhưng thực tế địa phương “lực bất tòng tâm” nên tình thương không biến thành hành động được. Còn Nhà nước và tỉnh tui chưa thấy khi mô ban hành chính sách hỗ trợ cho diêm dân lúc khó khăn cả”.

Ông Phan Lượng – nguyên Chủ nhiệm hợp tác xã Hộ Độ – nhắc lại kỷ niệm đẹp của diêm dân ở xứ này thời còn bao cấp. Thời đó nhiều đêm trăng sáng họ còn tranh thủ ra ruộng muối làm cả đêm. Hàng năm sản xuất hơn 120ha – 130ha, sản lượng muối từ 11.000 tấn đến 12.000 tấn, năm kỷ lục nhất đạt 15.000 tấn.

Muối Hộ Độ đã nổi tiếng về chất lượng sản phẩm từ thời Pháp thuộc, hội tụ đủ các tiêu chuẩn “trắng, sạch, giòn, mặn”. Diêm dân chỉ việc làm, còn đầu ra đã có ông Nhà nước lo cho. Hộ Độ hồi đó dựng hai nhà kho lớn của Công ty muối Nghệ Tĩnh đủ sức chứa hàng vạn tấn muối an toàn, khô ráo. Sau khi xoá bao cấp hơn 20 năm bà con diêm dân Hộ Độ đã thích ứng với cơ chế thị trường. Ngoài đăng ký bán theo giá thoả thuận cho Công ty muối Hà Tĩnh, số muối còn dôi dư trong mỗi gia đình họ đèo xe đạp rao bán khắp hang cùng, ngõ hẻm.

Nhiều người còn đùm cơm nắm đi ăn dọc đường để làm “công tác tiếp thị”. Năm 2003-2004, diêm dân Hộ Độ đã khấp khởi mừng thầm khi giá muối có thời điểm lên tới 14.000 đồng đến 15.000 đồng một yến. Ai ngờ từ năm 2009 tới nay khi “muối ngoại” được phép tràn vào thì “muối nội” đảo chiều và liên tục xuống giá.

Ông Hinh tâm sự tiếp: “Tui cũng từ dân làm muối ra và biết khổ mấy dân cũng chịu được miễn làm làm ra hạt muối đủ tiền đong gạo. Bây giờ gay nhất cả xã thừa tới hàng ngàn người lao động nhưng rất ít người bước chân xuống ruộng muối bởi sản xuất ra rồi nếu không bán được thì lại càng cay cú hơn. Giới đầu nậu tư thương cũng chẳng ai đoái hoài. Chỉ có Cty muối Hà Tĩnh đứng ra mua thôi, nhưng việc kinh doanh của họ đang gặp khó khăn nên không thể “kham” được. Một tạ muối bán được 100 ngàn đồng thì đi vác thuê mỗi ngày cũng được bằng số tiền đó rồi”.

Xã Hộ Độ có 1.823 hộ dân với 7.718 nhân khẩu được chia làm 13 xóm (trừ duy nhất xóm Nam Hà các chủ hộ nuôi trồng thuỷ sản) vậy mà thời điểm này chỉ có 110 hộ đang tiếp tục đeo đuổi nghề muối còn lại cứ tuỳ nghi di tản để tự tìm kế mưu sinh. Năm 2010 muối xuống giá rẻ tới mức 7.000 đồng một yến, bà con trong xã bàn nhau “găm hàng” lại chờ giá lên hãy bán, ai ngờ trận lũ tháng 10.2010 cướp đi của dân Hộ Độ hơn 600 tấn muối. Ruộng muối cũng tan hoang, nên nhiều hộ gia đình vốn dĩ đã nghèo hèn lại càng cạn kiệt.

Bà Phan Thị Tân ở xóm Xuân Tây bày tỏ nỗi niềm mà cổ nghẹn đắng, giọng nói buồn như tàu đu đủ héo. Người phụ nữ độc thân này đang sống trong một ngôi nhà xập xệ, không hiểu bà sẽ sống ra sao đây khi sức đã kiệt, tiền hết, gạo vơi. Trở lại làm muối ư tiền ai đầu tư cho bà Tân sửa chữa ô nại. Rồi ai thương tâm để bán muối cho bà? Tới Hộ Độ, tôi thấy hàng trăm gia đình đang có những “cơn mưa nước mắt” khi trời Hộ Độ chang chang nắng, đất Hộ Độ mênh mông khô.

“Ngày trước được nắng thì vui/  Bây giờ được nắng đen thui cả nhà”. Không hiểu câu ca dao thời mới này cậu thanh niên làng đọc cho tôi nghe là của ai, nhưng phần nào đã nói hộ được cám cảnh dân Hộ Độ. Có nơi nào như vậy không? khi chỉ cách thành phố Hà Tĩnh hơn 7km mà Hộ Độ bây giờ vẫn giống như “ốc đảo”: Thiếu nước ngọt, nước sạch nghiêm trọng. Nhiều gia đình giếng nước đã cạn kiệt, ráo hoảnh.

Một ông cán bộ thôn bảo tôi: “Năm 2005 xã Hộ Độ được tỉnh đầu tư dự án cấp nước sạch với số vốn 3 tỉ đồng. Hơn 470 hộ đăng ký tham gia, nhưng khốn nỗi giá nước dân dùng đã cao lại chẳng mấy khi có đầy bể, đầy thùng. Dân đến kêu xã, xã kêu công ty cấp nước nhưng “họng bé” kêu chẳng thấu tai. Đói ăn họ còn chịu được chứ thiếu nước không ai chịu nổi. Dân Hộ Độ lại phải chắt chiu từng đồng tiền lẻ để mua từng can nước ngọt”.

Khi tôi từ “cánh đồng hoang” Hộ Độ qua khỏi chân cầu lại bắt gặp từng đoàn người rồng rắn từ xứ sở này xe đạp cót két và kéo nhau vào thành phố Hà Tĩnh làm thuê. Không biết đến bao giờ họ trở về đồng muối?

Phan Thế Cải

Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP