Bệnh nhân Quyết vào viện lúc 10h ngày 8/1, trong tình trạng bàn tay trái dập nát, mất ngón 4; ngón 5 bị mất chức năng do dập nát gân và xương; lộ xương bàn 3, 4, 5; tổ chức phần mềm dập nát. Trước tình trạng đó, các bác sĩ Khoa Ngoại tiến hành cắt lọc, tháo bỏ xương bàn 4, 5 và tiến hành khâu vết thương. Bác sĩ Ngọc cho biết thêm: mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán có khoảng 2 đến 3 bệnh nhân vào nhập viện do tự chế pháo nổ, chủ yếu ở lứa tuổi học sinh 8 đến 16 tuổi, nhưng với trường hợp em Quyết là nặng nhất, ngoài mất 2 ngón tay thì mất khoảng 60% chức năng bàn tay trái. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện sau 1 tuần điều trị tại đây.
Bác sĩ Ngọc thăm khám cho bệnh nhân Quyết sau phẫu thuật.
Chị Nguyễn Thị Hương, mẹ của bệnh nhân Quyết cho biết: trong lúc bố mẹ đi vắng, Quyết và một em cùng họ chơi với nhau, sau đó hai anh em đã rủ nhau mua diêm về cạo đầu đỏ của que diêm cho vào chiếc đũa Inoc rồi quẹt diêm đốt, sau khi bắt được lửa, chiếc đũa đã nổ tung dẫn đến mất ngón 4 và dập nát ngón 5 và gây tổn thương một số ngón của bàn tay trái.
Bác sĩ Trần Hữu Ngọc cho biết, tai nạn do pháo nổ tự chế rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây các vết thương nó còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn. Hơn nữa, trong pháo tự chế có những hóa chất (như phốt pho, lưu huỳnh) và người chơi thường phải tiếp xúc rất gần nên dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay… mà muốn khắc phục rất khó. Vì thế, đối với nhà trường và gia đình cần giáo dục trẻ biết cách phòng ngừa, không tự chế, sử dụng các loại pháo nổ.
Thanh Loan