Địa Chí Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Sự hồi sinh của tộc “người rừng”

Giữa dải đất miền Trung khô cằn đá sỏi, có một dãy núi luôn bồng bềnh mây trắng có cái tên khá lạ là Giăng Màn.

Điều khiến cho dãy núi này trở thành một cái tên được nhiều người biết đến là bởi câu chuyện về hành trình hơn 50 năm của một tộc người trong cuộc hồi sinh quyết liệt. Tộc người bé nhỏ ấy có tên gọi Mã Liềng, hay là Mơ Leng, tên của một loài đại bàng trên núi đá.

Tộc người sống như thời nguyên thủy

Trong không gian yên lặng của bản Kè, thuộc xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, chúng tôi ngồi nghe những người già Mã Liềng kể về “công cuộc hồi sinh” của dân tộc mình, một dân tộc đã tưởng chừng như đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, thế nhưng khi bước ra khỏi rừng sâu, bỏ lại lời thề thiêng nơi hốc đá, họ bắt đầu nuôi giấc mơ “vượt núi” mà tổ tiên mình chưa hề nghĩ tới…

Trước năm 1959, khi chưa được phát hiện và di dời về các vùng đất trũng, người Mã Liềng sống trong các hang hốc đá nơi rừng sâu, núi thẳm. Hễ gặp người lạ là họ chạy trốn như chạy trốn kẻ thù. Rất nhiều người Kinh gọi họ là tộc “người rừng”. Cuộc sống “ăn rừng, ngủ thác” của họ với rất nhiều tập tục, thói quen sinh hoạt chẳng khác gì thời nguyên thủy. Họ đập dập vỏ cây quấn làm quần áo, sống bằng việc săn bắt, hái lượm. Thức ăn chủ yếu là hoa quả, thịt thú rừng và cá suối. Trong đời sống tâm linh của người Mã Liềng thì thần núi, thần sông, thần bếp… đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, trong bất cứ gia đình Mã Liềng cũng có ba đồ vật, đó là chiếc nỏ, chiếc rọ đựng mũi tên và cái đọi hương để thờ tổ tiên.

Nhưng, luật tục khắt khe nhất của người Mã Liềng là luật tục về sinh đẻ của phụ nữ. Mỗi khi sắp đến kỳ sinh nở, người phụ nữ sẽ được gia đình làm cho một cái chòi ngoài bờ suối. Họ phải ra đó ở rồi tự sinh con và nuôi dưỡng cho đến khi đứa trẻ biết cười. Sau đó, gia đình sẽ tiến hành làm lễ đuổi cái dơ bẩn, bệnh tật đi cho đứa con được sạch sẽ rồi mới đón cả hai mẹ con bước vào nhà. Khi làm lễ tục phải hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ, nếu không, khi đưa con về nhà sẽ bị “con ma rừng” đeo đuổi.

Bộ đội biên phòng Cà Xèng giúp đồng bào trồng lúa nước

Lễ tục đó được tiến hành theo trình tự: Ban đầu, người ta sẽ đào một cái hố sâu, rồi trải lá dong rừng xuống, lấy mấy viên đá nhặt ở cái khe suối về nung lên cho đỏ, đặt lên trên lá dong, tiếp đến là lớp rễ cây Lạng Hang. Sau đó, cha mẹ đứa bé sơ sinh sẽ cầm hai nhánh cây dầu thơm ngồi ở trên hố và dội nước vào. Khi khói bay lên thì giơ đứa con lên cho cái dơ bẩn, bệnh tật bay theo gió, theo mây. Mùi thơm của khói bay lên từ hố sẽ đuổi “con ma” về với rừng.

Luật tục đó bắt nguồn từ quan niệm rằng: Con nai, con hoẵng sinh ra đã tự đi được thì đứa trẻ Mã Liềng sinh ra cũng phải làm được như thế, sau này mới khuất phục được thần núi, thần sông. Với quan niệm đó, đã có không biết bao trẻ sơ sinh bị chôn vùi bên bờ suối vì không nhận được sự trợ giúp của người thân, của cộng đồng lúc mới chào đời. Không những thế, từ xa xưa, người Mã Liềng đã có thói quen dùng các loại lá rừng để điều trị mỗi khi đổ bệnh. Họ gần như chẳng hề biết đến trạm y tế và thuốc men là gì. Nhiều người bệnh nặng quá không qua được, dân bản chỉ coi đó là “sự chọn lọc tự nhiên”…

Bỏ lại lời thề sau hốc đá

Nhưng, những hủ tục, những tháng ngày phiêu dạt nơi đầu rừng, xó núi ấy đã trở thành ký ức kể từ khi bà con theo Bộ đội Biên phòng (BĐBP) về cắm bản, định canh, định cư. BĐBP bảo, dân tộc Mã Liềng đã vượt biết bao nhiêu ngọn núi, bao nhiêu quả đồi mà có thoát được lời nguyền đâu? Vậy thì cái đầu của người Mã Liềng phải nghĩ khác đi thôi, phải biết vượt qua sự cổ hủ, an phận và biếng nhác to như quả núi đè nặng trong ý thức mỗi người. Muốn làm được như thế thì chỉ có thể bằng cách lao động chăm chỉ, phải học cái chữ Bác Hồ, phải sống định canh, định cư mới mong vượt qua được nghèo đói, bệnh tật đeo đẳng.

Còn ở Rào Tre (Hương Khê, Hà Tĩnh), những người già đã sống qua 70 mùa măng đều thuộc lòng câu chuyện rằng, dân tộc của họ mang lời nguyền truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mãi sống kiếp lang thang, đời đời cô độc như đại bàng không có tổ, sinh ra, lớn lên, rồi chết đi trong hang đá. Những “người anh em” Mày, Chứt, Rục… ở Minh Hóa cũng không nằm ngoài quy luật là phải “ăn đời ở kiếp” sau bóng núi. Họ sống lầm lũi giữa rừng sâu, không mấy khi liên hệ với cộng đồng xung quanh mình…

Trưởng bản Rào Tre Hồ Kính vẫn nhớ cái ngày BĐBP Hà Tĩnh lập tổ công tác ở Rào Tre. Đó cũng là ngày bà con bắt đầu làm quen với những sinh hoạt theo khuôn khổ mà các cán bộ, chiến sỹ trong tổ công tác đề ra. Những ngày tháng ấy, dòng Rào Tre đã chứng kiến và ghi lại trong lòng nó biết bao gian khó mà những người lính quân hàm xanh phải vượt qua để cùng với dân bản xây dựng đời sống mới. Cả ngàn ngày như một, sáng sớm, các anh em trong tổ phải dậy sớm nấu cơm chia cho bà con ăn để còn ra ruộng. Sau khi phân phát dụng cụ lao động cho từng người, các anh mỗi người một hướng, theo sát bà con để hướng dẫn cách cấy cày, xuống giống, làm cỏ, bón phân… cho đến khi mặt trời xuống núi mới về bản. Mỗi tuần ba lần, người dân Rào Tre lại theo tiếng kẻng tập hợp ra đầu bản để cùng BĐBP tắm gội, giặt giũ quần áo và làm vệ sinh bản làng.

Ở bản Ó, Yên Hợp hay Mò O Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cũng vậy. Khi màn đêm buông xuống, mỗi nếp nhà sàn trong bản đã tắt lửa, bà con yên giấc thì những người lính biên phòng Đồn BP Cà Xèng lại bận rộn với những công việc không tên. Vốn bà con nơi đây đã quen với nếp sống tự do, hễ có gạo, có thóc giống là đem đổi lấy rượu hoặc những nhu yếu phẩm được cấp như xà phòng thơm, muối, bột ngọt đều đem ra dùng rất tùy tiện, hoang phí nên chẳng còn cách nào khả dĩ hơn là tổ công tác phải tự quản lý mọi thứ và cấp cho bà con theo định lượng từng ngày mới mong giữ được gạo muối cho bà con no lòng, giữ được hạt giống để gieo trồng cho vụ sau.

Giờ người Mã Liềng đã quen với việc cấy cày

“Áo xanh” đuổi đói nghèo

Trong mỗi hạt giống bà con gieo xuống, trong mỗi nắm cơm bà con mang theo để ăn lúc đói lòng khi lao động đã chứa đựng biết bao tình cảm, trách nhiệm và cả hy vọng của những người lính đang gánh vác trách nhiệm cao cả là đưa bà con trở về hòa nhập trong đời sống cộng đồng, để các vụ mùa trên 10ha đất thung lũng Rục Làn rực màu vàng lúa chín, năng suất đạt gần 40tạ/ha. Thiếu tá Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn BP Cà Xèng vui mừng khẳng định: “Vụ lúa sau, anh em chiến sỹ sẽ động viên bà con khai hoang, mở rộng đất để giúp đồng bào Rục trồng lúa nước. Hướng tới sẽ khai hoang thêm hàng chục ha để đồng bào đủ đất sản xuất. Bài toán lương thực cho người Rục, dù chưa hết khó khăn nhưng đã bắt đầu có lời giải. Chúng tôi cũng đề nghị với chính quyền địa phương phối hợp tổ chức thành lập hợp tác xã sản xuất và các tổ, đội sản xuất để dần đưa bà con vào nền nếp, quy tắc trong lao động”.

Cứ dần từng bước một, diện mạo của những xóm bản người Mã Liềng, người Rục, người Chứt sau bóng núi Giăng Màn đã dần thay đổi. Trong báo cáo tổng kết hàng năm của các xã Lâm Hóa, Thượng Hóa, Thanh Hóa (Quảng Bình) hay Hương Liên (Hà Tĩnh) luôn có những con số cho thấy sự phát triển tương đối ổn định của những cộng đồng người Chứt tại địa phương. Các Chương trình 135, “Ngói hóa nông thôn”, hay “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” đã khiến cho hầu hết những căn nhà của bà con được kiên cố hóa. Các gia đình đều được chia ruộng và rừng để làm kinh tế.

Trong câu chuyện của đồng bào, có một cái tên luôn được nhắc đến với lòng biết ơn sâu sắc đó là Trung tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP. Ngày tìm thấy người Chứt lang thang trong rừng, ông Việt là Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh. Chính ông là người đã trực tiếp xây dựng phương án đưa người Chứt về với cộng đồng. Ông cũng trải qua những năm tháng lặn lội vào rừng sâu để đưa từng hộ dân về nơi định cư mới. Với tầm nhìn bao quát và thận trọng, ông đã đề ra từng biện pháp thật sát thực để anh em cán bộ, chiến sỹ thực hiện, từng bước cứu vãn một tộc người trước nguy cơ tan rã.

Thung lũng Rục Làn đang vào mùa lúa mới. Những vạt rừng dó bầu ở Hương Liên hứa hẹn sẽ cho trầm. Những đứa trẻ người Rục, người Mày hay Mã Liềng, Cọi, A Rem đang vui chân sáo tới trường, lòng luôn nhớ lời của các chú biên phòng rằng, người Kinh, người Chứt, người Mông, người Dao hay người Vân Kiều đều là anh em, cùng là đồng bào nên phải yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, cùng chung tay bảo vệ Tổ quốc. Và mỗi ngày, dòng nước Rào Tre, Rào Cái, Hà Nông lại rì rào chảy qua những vách đá, bãi bồi và cả những vạt lau lách hai bờ. Dòng nước ấy đang mang câu chuyện về sự hồi sinh của một dân tộc nơi núi rừng biên ải để kể cho những miền đất xa xôi mà nó đang chảy tới.

Nam Hoàng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP