Văn hoá Dân gian

Hà Tĩnh: Hấp dẫn lễ hội kéo co

Hàng năm, mỗi độ tết đến, xuân về, khắp nơi trên dải đất Lam Hồng lại diễn ra nhiều trò chơi dân gian rất hữu ích. Trong đó, kéo co là một trong những hoạt động thể thao mang đậm dấu ấn, luôn thu hút đông đảo người dân tham gia.

Theo các cụ cao niên, ngày xưa, để tổ chức một cuộc thi kéo co, các đội co nam, co nữ phải có “biên chế” đội hình ít nhất từ 8 người trở lên, tùy theo “khả năng nhân sự” của từng địa phương và càng đông, càng tốt. Dụng cụ thi đấu chỉ cần một sợi dây thừng bện to bằng song cửa sổ dài 30-40m (có nơi dây co được làm bằng 2 cây tre ngà đấu lại, ở giữa có buộc dải vải điều màu đỏ để làm tiêu). Địa điểm thi đấu là sân đình làng hoặc một bãi đất rộng bằng phẳng, khô ráo, đủ rộng cho cả người đứng xem. Trên mặt sân được kẻ 2 đường thẳng dài, ngắn tùy thuộc vào dây co, chính giữa có vạch vôi kẻ ngang làm tâm, cách vạch tâm về hai phía khoảng 3m lại có thêm 2 vạch ngang. Kéo co thi đấu theo hiệu lệnh trọng tài, hay còn gọi là “ông Hóa” và nếu bên nào kéo được tiêu về phía đội mình qua khỏi vạch 3m thì giành phần thắng.

Hấp dẫn lễ hội kéo co

Thi kéo co ở Can Lộc

Thông thường, được chọn vào đội co của làng phải là người khỏe mạnh và có kinh nghiệm thi đấu, tuổi từ 30-35. Hằng năm, từ chiều mùng 4 tết, sau khi hoàn thành việc tế lễ, những người tham gia sẽ được chia làm 2 đội bên tả, bên hữu; 4 người to khỏe nhất sẽ được chọn đứng đầu đòn gánh; tất cả đều cởi trần, đóng khố, thắt lưng nhiễu điều, đầu chít khăn lụa; những người còn lại bám vào thân tre (dây co) chờ hiệu lệnh của “ông Hóa”. Các đội sẽ kéo 3 keo, bên nào kéo được 2 thì thắng cả cuộc. Điều độc đáo trong trò chơi, không phải bên nào kéo khỏe sẽ thắng mà cần vận hành theo quy tắc và phải biết thủ thuật bám trụ, khi giật phải chú ý nghe hiệu lệnh của người chỉ huy. Nếu giật đều, đúng nhịp, sẽ phát huy được sức mạnh tổng lực, dễ làm cho đối phương vỡ thế.

Ngày xưa, ở quê tôi, hội kéo co thường được tổ chức vào ngày mùng 3, mùng 4 tết. Là một trong những người am hiểu về nghi lễ và trò chơi kéo co trong làng, cụ Trần Hậu Ninh (75 tuổi, quê ở làng Hữu Lạc, Kỳ Bắc, Kỳ Anh) chia sẻ: Để tổ chức ngày hội kéo co, nhân dân làng Hữu Lạc phải chuẩn bị từ hơn 1 tháng trước đó. Theo tục lệ, sáng mùng 3 tết, trưởng thôn cùng các cụ cao niên trong làng làm lễ mở cửa đình để tổ chức hội thi. Hội thi kéo co của làng diễn ra rất sôi nổi, thắm tình đoàn kết cộng đồng. Cũng theo cụ Ninh, ngày nay không còn hội hè, tế lễ như xưa, nhưng trò chơi kéo co vẫn được tổ chức rất sôi nổi. Mặc dù có thay đổi nhưng nghi lễ và trò chơi kéo co làng Hữu Lạc được tổ chức hàng năm vẫn thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương về dự.

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Văn Hạnh, trên địa bàn tỉnh ta, kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống, thu hút nhiều người tham gia. Kéo co không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe mà còn là trò chơi thể hiện tinh thần đoàn kết, mang tính đồng đội cao, đem lại niềm vui, sự thoải mái cho cả người chơi lẫn người xem. Nhiều năm qua, nhằm bảo tồn hoạt động văn hóa dân gian, tỉnh đã chủ động đưa các bộ môn kéo co, vật dân tộc, Vovinam (võ), đua thuyền, cờ người, cờ thẻ, chọi gà… thành giải thi đấu thể thao truyền thống cấp tỉnh.

Trò chơi kéo co ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết. Các địa phương có thế mạnh như: Kỳ Anh, Thạch Hà, Can Lộc, TP Hà Tĩnh… đang duy trì tốt các giải thi kéo co đầu xuân nhằm tạo sân chơi bổ ích, tăng cường sức khỏe, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực của địa phương, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Quang Sáng

  Từ khóa: lễ hội kéo co , Hấp dẫn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP