Đề án “giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng” là một trong những đề án lâm nghiệp có vai trò, ý nghĩa đặc biệt; góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện công ăn việc làm; tạo điều kiện quản lý, sử dụng đất có hiệu quả. Trong những năm vừa qua, Hà Tĩnh đã tích cực triển khai đề án này; tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến nay cơ bản đã hoàn tất.
Những năm trước đây, các địa phương của Hà Tĩnh thường xảy ra nạn chặt phá rừng, lấn chiếm rừng, cháy rừng, tranh chấp đất rừng giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức,… Nguyên nhân xảy ra tình trạng này, là do việc quản lý đất rừng của chính quyền địa phương nhất là cấp xã còn lỏng lẻo; người dân địa phương thiếu đất sản xuất, trong khi đó các chủ rừng nhà nước quản lý diện tích đất, rừng lớn, nhưng việc quản lý đất rừng còn nhiều hạn chế, việc tổ chức giao khoán đất, rừng theo Nghị định 01/CP, Nghị định 135/CP còn nhiều tồn tại, hồ sơ lập không đúng quy định, diện tích giữa hồ sơ và thực địa có sự sai khác, ranh giới giữa các hộ không rõ ràng,….
Diện tích rừng này đã có chủ và sẽ sớm hồi sinh
Để giải quyết thực trạng trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp GĐGR đến cho từng hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn chậm, chưa đồng bộ.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ GĐGR cho nhân dân và các thành phần kinh tế, trên cơ sở đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ngày 06/12/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3952 phê duyệt Đề án giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2013-2015.
Đề án đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tập trung vào một số nội dung như Chỉ đạo giao rừng, cấp giấy CNQSDĐ 54.146ha cho các đối tượng thuộc 147 xã trên địa bàn 12 huyện thành phố; chỉ đạo các xã xây dựng phương án giao đất, giao rừng để làm căn cứ thực hiện và làm cơ sở đề xuất thu hồi đất, rừng của các đơn vị; xác định hạn mức và đối tượng được giao đất cho thuê đất, giao rừng cho thuê rừng; Đề án đặc biệt tập trung xử lý vốn và giải quyết quyền lợi trên diện tích đất, rừng thu hồi chuyển về địa phương để giao cho các hộ dân quản lý, sử dụng…. Tổng kinh phí dự kiến của đề án khoảng 60,15 tỷ đồng.
Nhiều khó khăn, thách thức
Mặc dù đề án giao đất, giao rừng cho thời hạn đến cuối năm 2015, tuy nhiên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Huyện Can Lộc là một trong những đơn vị hoàn thành đầu tiên nhiệm vụ giao đất, giao rừng, cấp giấy Chứng nhân QSDĐ cho người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Can Lộc vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Phạm Thanh Sơn – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Can Lộc cho biết: Năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định 02/CP quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Thời điểm đó, việc giao đất được thực hiện bằng phương pháp thủ công, khoanh vẽ trên sơ đồ, bản đồ, nên độ chính xác không cao; hồ sơ lưu trử không đúng quy định, thất lạc hồ sơ, nên đã xẩy ra việc tranh chấp, lấn chiếm ở một số địa phương như thời gian vừa qua. Một số nơi UBND xã lại tự ý giao, khoán đất trái thẩm quyền cho dân trồng rừng, khai thác rừng, không có hồ sơ, ranh giới, diện tích không rõ ràng, nên gây khó khăn cho công tác quản lý BVR.
GĐGR thành công tạo điều kiện dễ dàng hơn trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Ông Phan Thanh Tùng – Trưởng phòng Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: Trước khi thực hiện, Đề án được phê duyệt có 147 xã/ diện tích 54.146ha cần xử lý; thế nhưng hiện nay chỉ có 138 xã/ 44.244ha diện tích thực tế giao. Nguyên nhân có sự chênh lệch diện tích có 3 lí do chính, gồm: Trùng với quy hoạch, trùng diện tích đất đã được giao và còn một số diện tích tranh chấp lấn chiếm chưa được xử lý xong.
Quá trình tổ chức thực hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc cụ thể như: Chính quyền địa phương một số nơi, nhất là cấp xã chưa vào cuộc quyết liệt để tập trung chỉ đạo thực hiện giải quyết kịp thời các tồn tại, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ; một số đơn vị tư vấn hợp đồng nhiều đơn vị, với diện tích lớn, nhưng năng lực, nhân lực và trang thiết bị, máy móc còn hạn chế, trách nhiệm có lúc chưa cao, nên việc đo vẽ, đánh giá tài nguyên rừng chất lượng chưa đạt yêu cầu, phải chỉnh sửa nhiều lần, dẫn đến chậm tiến độ.
Một khó khăn khác nữa đó là kinh phí thực hiện dự án thiếu. Toàn tỉnh cần 47.277 triệu đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 16.657 triệu đồng, ngân sách huyện 10.252 triệu đồng và của nhân dân 20.095 triệu đồng. Tính ra, chi phí cho đơn vị tư vấn cần 980.000 đồng/ha đối với đất có rừng, 630.000 đồng/ha đối với đất không có rừng; trong khi đó, cả Tỉnh và Huyện hỗ trợ được 500.000 đồng/ha, phần còn lại người dân phải tự đóng góp.
Kỳ tích một kết quả
Mặc dù thời gian thực hiện ngắn, diện tích phải giao cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư lớn và gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ sự vào cuộc chỉ đạo, thực hiện quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ các sở, ngành, chính quyền các cấp và đặc biệt là lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn toàn tỉnh, sau hơn 2 năm triển khai, các huyện cơ bản đã hoàn thành việc giao, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp cho 17.260 hộ, cộng đồng/44.026ha (đạt 99,6%). Một số địa phương thực hiện tốt đề án là Hương Sơn, Can Lộc, Hương Khê, Lộc Hà, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên…
Những cánh rừng này đã có chủ
Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho hay: “Hương Khê là một trong những huyện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất nhì tỉnh Hà Tĩnh. Do đó các vụ việc liên quan đến phá rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng hay lấn chiếm đất rừng luôn luôn thường trực. Bằng sự nổ lực của các cơ quan, đặc biệt là Hạt Kiểm lâm Hương Khê, đến thời điểm này chúng tôi đã cấp GCNQSD đất lâm nghiệp cho 2.487 hộ/7.760ha, đạt 100% kế hoạch để người dân quản lý, bảo vệ, phát triển sản xuất.”.
Ông Nguyễn Cự Duẫn – Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm Hương Khê cho biết: Phần đa người dân đồng tình với đề án giao đất giao rừng. Họ mong muốn có chủ quyền trong tay, có như vậy họ mới mạnh dạn đầu tư sản xuất. Việc thực hiện GĐGR cho các hộ dân cũng làm rõ ranh giới, giảm việc khiếu nại, tranh chấp liên quan đến đất rừng.
Theo kết quả thực hiện Đề án GĐGR, huyện Lộc Hà đã Cấp giấy CNQSDĐ cho 69 hộ/646ha, đạt 100% kế hoạch; huyện Nghi Xuân đã cấp giấy CNQSDĐ cho 741 hộ/754ha, đạt 100% kế hoạch; huyện Hương Sơn đã cấp giấy CNQSDĐ cho 2.135 hộ/7.120ha, đạt 100% kế hoạch; huyện Kỳ Anh đã cấp giấy CNQSDĐ cho 6.642 hộ/14.748ha, đạt 100% kế hoạch;…
GĐGR là một chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước, một chiến lược lâu dài, từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết. Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên trong cả nước đơn vị thực hiện đề án GĐGR về cho hộ gia đình cá nhân. Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh có nhiệm vụ được giao là cơ quan thường trực BCĐ tỉnh, có nhiệm vụ tham mưu giúp BCĐ tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện từ việc xây dựng phương án đến cấp giấy CNQSD đất lâm nghiệp cho các hộ dân.
Theo ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh: Với khối lượng thực hiện lớn, triển khai trên địa bàn nhiều huyện, xã; thời gian qua, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ được giao, Chi cục Kiểm lâm có nhiều cố gắng, tập trung nhân lực, thường xuyên bám sát địa bàn, tham mưu, hướng dẫn các địa phương xử lý kịp thời các tồn tại, vướng mắc để đẩy nhanh và hoàn thành nội dung đề án. Đến nay cơ bản diện tích đất, rừng trên địa bàn theo đề án đã được giao cho hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng phát huy hiệu quả. Các cấp, các ngành, nhân dân địa phương ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được như một “kỳ tích”.
Bảo Trung