Chát mặn một đời muối
Xã Hộ Độ, là làng nghề làm muối truyền thống có từ lâu đời ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), mỗi năm giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Muối Hộ Độ từng là mô hình điểm được các cơ quan chức năng đầu tư cơ sở hạ tầng để gây dựng thành làng nghề chuyên canh, năng suất cao. Nhưng những năm gần đây nghịch lý lại đang diễn ra ngay trên làng muối quê hương. Các diêm dân Hộ Độ không mặn mà với nghề truyền thống này nữa, bởi muối rớt giá.
Trên cánh đồng muối chỉ còn lại phụ nữ, người già đeo bám với nghề. |
Trở lại vùng quê này vào giữa tháng 10, tiết trời se lạnh, các thôn xóm trong xã chỉ có các cụ già và trẻ nhỏ. Người dân nơi đây cho biết, do muối rớt giá, nhiều người đã khăn gói lên đường vào Nam, ra Bắc để tìm kế sinh nhai. Gắng trụ với nghề chỉ còn phụ nữ và người già, nhưng sau khi thu hoạch ruộng muối xong các chị cũng đổ xô lên thành phố tìm việc làm”.
Ông Văn, 65 tuổi, buồn rầu: “Không mấy ai mặn mà với nghề muối nữa. Người ta bỏ hoang ruộng lâu rồi. Nhà tôi chỉ làm có một sào, nhưng cũng chỉ nốt năm nay là bỏ vì không có người làm”.
Kể về quá trình làm muối ông Văn chia sẻ, nghề làm muối cần nhất là lao động. Phay đất, rắc cát, tưới nước sân phơi, công đoạn tưởng như đơn thuần nhưng lúc nào cũng phải có vài ba người, nếu một mình thì phải “nai lưng ra mà làm cho kịp nắng”. Chưa kể, những ngày trời đổ mưa, nếu không có người ra đồng che chắn thì xem như tay trắng.
Ông Phan Đình Hinh, Chủ tịch UBND xã Hộ Độ không nghĩ nghề muối quê mình lại có ngày lao đao như lúc này. Ông Hinh tâm sự, muối với người dân Hộ Độ không chỉ là nghề kiếm sống mà còn là máu thịt, là nghề cha truyền con nối, trước giờ những lúc khó khăn nhất người làng vẫn không bỏ nghề.
Sau mùa ruộng muối các diêm dân đổ xô lên TP. Hà Tĩnh tìm kiếm việc làm. |
Ông Hinh còn nhớ như in thời kỳ hoàng kim nhất của làng muối Hộ Độ, thập niên 80. Trên đồng muối rộng hơn 100 ha, vào vụ, người làng muối túa ra khắp mọi ngả đường. Cuối ngày, muối chất đầy rổ, được đưa lên xe bò, xe đạp, người bán, người mua huyên náo cả một vùng. Sản lượng muối lúc nào cũng trên 10 nghìn tấn/ năm. Công ty muối Nghệ Tĩnh ngày đó đã phải dựng hai nhà kho lớn mới đủ sức chứa. Muối Hộ Độ nổi tiếng là trắng, sạch, giòn, mặn, nên làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Hai mươi năm sau, muối Hộ Độ vẫn thích ứng được với cơ chế thị trường. Ngoài bán muối cho hợp tác xã, bà con còn đạp xe rao bán khắp trong vùng. Những năm 2000, bà con vui mừng vì có lúc giá muối lên 14-15 ngàn đồng/yến. Từ năm 2009, khi muối ngoại tràn vào, muối Hộ Độ bắt đầu lao đao. Mặc dù được Nhà nước quan tâm xây dựng công trình cải tạo đồng muối, nhưng cũng chỉ được vài năm sau, muối lại rơi vào bế tắc. Năm 2010, giá muối rớt xuống còn 7.000 đồng/yến, bà con bàn nhau găm hàng lại chờ giá lên hãy bán. Thế nhưng, trận lũ tháng 10/2010 đã cướp đi của diêm dân Hộ Độ hơn 600 tấn muối. Ruộng muối tan hoang, kênh mương tiêu điều.
Theo ông Hinh, nỗi lo lúc này không chỉ là giá muối rẻ mà trăn trở nhất đó là sự mất cân đối lao động trên địa bàn. Bây giờ, cả làng may ra còn khoảng dăm chục hộ làm muối. Nhiều người trong độ tuổi lao động đã bỏ làng đi làm ăn xa.
Diêm dân trở thành cửu vạn
Cứ sáng sớm, những phụ nữ ở Hộ Độ lại đạp xe vượt quãng đường hơn 10km lên thành phố Hà Tĩnh tìm việc. Trên những chiếc xe đạp cũ, họ chở thêm một chiếc xe đẩy được xếp gọn phía sau.
Tại góc hành lang đường Nguyễn Du nối với Quốc lộ 1A, vốn được người dân TP Hà Tĩnh xem là “chợ cửu vạn”, thấy chúng tôi dừng xe mấy chị đứng bật dậy, chạy ùa ra hỏi: “Chú cần giúp việc chi rứa? Giọn nhà, giọn vườn, đào đất, xúc cát, cả giọn nhà vệ sinh nữa, chú cần chi các chị đây đều mần được hết”.
Chị Hoa đến từ vùng diêm dân Hộ Độ (huyện Lộc Hà) chia sẻ. “Nỏ ai muốn như ri mô chú ạ. Cũng vì muối rớt giá nên ruộng muối đều phải bỏ hoang, diêm dân người khỏe mạnh thì đi các nơi kiếm sống. Chúng tôi sức yếu, lại phải chăm nom gia đình nên rảnh thời gian thì lên đây lam lũ kiếm việc. Ngày có việc được mấy ký gạo, không việc thì chỉ có nước rỗng túi về nhà. Cuộc sống, công việc bấp bệnh lắm”.
Dọc tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông (phường Bắc Hà, TP. Hà Tĩnh), tôi bắt gặp nhóm của chị Nguyễn Thị Lành khoảng 5-7 người đang ngồi chờ việc. Chị Lành chia sẻ, những ngày này đang bước vào mùa mưa nên công việc họ thuê chúng tôi vẫn ít, nhưng vì miếng cơm manh áo chúng tôi cũng tranh thủ gắng chờ xem có ai thuê việc gì thì làm”.
Qua tìm hiểu, những phụ nữ làm thuê chủ yếu ở Hộ Độ, nơi được coi là vựa muối hay là “làng muối quê hương” của tỉnh Hà Tĩnh.
Nguyễn Đạt / LĐTĐ