Tùy bút
Thơ có từ đỉnh Đèo Ngang thuở Bà Huyện Thanh Quan ngắm “lá chen hoa” đồng cảm với thân phận tiều phu đốn củi và bâng khuâng “Dừng chân đứng lại trời non nước. Một mảnh tình riêng ta với ta”. Để hậu thế hôm nay khi qua Đèo Ngang lại thêm da diết với một con đèo đầy chất sử thi huyền thoại. Cảm ơn nhà thơ Yến Thanh đã cất cao tiếng gọi đầy tự hào “Quê mình – quê thơ”. Niềm tự hào đó tiếp sức cho nhạc sĩ An Thuyên ngân cao khúc nhạc khiến hàng vạn người nghe xúc động đến lạ lùng.
Lạ lùng hơn 180 năm đi qua, “Hồng Lĩnh không hết cây…”, “Sông Lam không hết nước” mà đó đây Hà Tĩnh vẫn đầy tình cây với đất, tình người với người. “Núi cứ lớn trong ta. Sông cứ chảy trong ta…” để cho thơ nhạc cũng rong ruổi cùng.
180 năm đi qua – Hà Tĩnh quê mình – quê thơ đã gieo vào các thế hệ biết bao nhiêu niềm khát vọng. Thơ vút cao như núi, thơ dạt dạt dào như sông. Thơ nhạc thành nhựa sống linh hồn của mỗi con người. Cha ông thuở xưa “vắt đất ra nước thay trời làm mưa” và câu thơ được gieo mầm từ đấy. Cha ông xưa đã biết thắp đèn dầu lạc, mài bút mài nghiên mà làm nên ông Nghè, ông Trạng và câu thơ ra đời từ đấy.
Thơ ra đời trên chiếc gầu dai, gàu sồng tát nước cả đêm trăng, từ chiếc áo tơi đến cối xay tre nặng nề xay từng nắm thóc. Thơ ra đời từ vạt áo nâu của mẹ. Bao người mẹ Hà Tĩnh suốt cuộc hành trình 180 năm đã “nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng. Biết hy sinh nhưng chẳng nhiều lời”. Những người mẹ mà không ít nhà thơ, hiền sĩ, trí thức suốt đời mắc nợ. 180 năm đi qua với rất nhiều biến cố lịch sử, trong dòng chảy thời gian vô tận, vô cùng ấy, những người mẹ Hà Tĩnh bao giờ cũng “biết cho mà không hề biết nhận” để “đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”.
Từ quăng quật trong mưa chan bão tố, con người Hà Tĩnh mới định nghĩa được hai chữ tình yêu. Biết yêu và biết gìn giữ tình yêu nên những người trai Hà Tĩnh “đi trả thù mà không sợ dài lâu”. Không có mảnh đất nào lại sinh thành được những người tài năng kiệt xuất như Hà Tĩnh. Phải trải qua dâu bể cuộc đời “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”, phải thực thương dân nghèo “cày đồng đang buổi ban trưa”, tướng quân Uy Viễn Nguyễn Công Trứ mới lấy được “tiếng thơm trong trời đất” đắp đê – lấn biển tạo nên làng nên xóm, nên những cánh đồng màu mỡ ở vùng đất Ninh Bình, Thái Bình cho muôn đời sau.
Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du tại Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh
Hà Tĩnh là mảnh đất danh nhân nối tiếp danh nhân, hào kiệt nối tiếp hào kiệt. Từ Mai Thúc Loan đất Hoan Châu dựng cờ khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Đường đến Phan Đình Phùng cùng binh sĩ xây hào đắp lũy giữa núi rừng thâm u Vũ Quang để chống thực dân Pháp. Chí khí lẫm liệt và tư thế ngẩng cao đầu của ông cha ta đã làm nên chất thép cho con người Hà Tĩnh.
Chất thép có từ dòng sông La vỗ sóng làng Tùng ảnh hun đúc nên chí khí lẫm liệt đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú. Chất thép có từ bờ tre, gốc lúa ở làng Cẩm Hưng ru lớn trái tim cháy bỏng lòng yêu nước Hà Huy Tập. Chất thép có từ củ khoai lang ngày đói ở làng Cẩm Quan để đúc sẵn bộ ngực A Đam của anh hùng Phan Đình Giót “đè bẹp lỗ châu mai”. Chất thép có từ ngọn cờ hiệu cắm bom của La Thị Tám và trong chiếc xẻng của 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc… Mảnh đất anh dũng đã nuôi lớn người anh dũng. Những con người rất đỗi bình thường nhưng rất vĩ đại, là những viên ngọc sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tên tuổi họ, cuộc đời họ đã trở thành nguồn để tài vĩnh cửu của thơ ca…
Không chỉ tên tuổi người anh hùng mà hàng ngàn, hàng vạn liệt sĩ vô danh, những người nông dân chân lấm, tay bùn ở vùng đất “chảo lửa, túi mưa” này đã tạo nên thiên anh hùng ca cho quê hương đất nước, tạo thành một sức mạnh vô biên để người Hà Tĩnh đất Hà Tĩnh muôn đời gắn bó với núi sông.
Từ thưở còn nón mê, chân đất, cha ông mình đã thổi lên hồn đất quê Hà Tĩnh muôn điệu ví dặm sâu lắng tình người. Ca trù Cổ Đạm, hát phường vải Trường Lưu, chèo Kiều Tiên Điền là những sản phẩm phi vật thể vô giá người đời xưa trao gửi lại…
Bập bùng ánh lửa làng rèn Trung Lương (TX Hồng Lĩnh)
Một làng rèn Trung Lương không tắt lửa, một làng mộc Thái Yên thiện nghệ những tay đục, tay bào, một làng đan Thịnh Văn đầy ắp thúng mủng phiên chợ quê. Mưu sinh bằng bàn tay vàng, bằng những sự kiên nhẫn chịu khó, bằng cả những gì tinh túy nhất mà cha ông truyền lại. Truyền lại cho ta cốt cách làm người, truyền lại cho ta bằng cả đức tính cần cù và sự thông minh sáng tạo.
Trông lại ngày xưa trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu
Trông tất cả gương mặt thời đại và hít thở ngọn gió của thời đại để nhìn lại mình, nhìn lại Hà Tĩnh trong hành trang thế kỷ 21. Hà Tĩnh của đổi mới, Hà Tĩnh của thời kỳ hừng hực nền công nghiệp trẻ. Hai mươi năm, ừ nhỉ hai mươi năm – một chợp mắt thời gian Hà Tĩnh tái lập đã bừng lên gương mặt hồng, khi Đảng cùng dân chung lòng, chung sức xây dựng cơ đồ. Ta đã trải qua những ngày gian khổ nhất để sinh thành nên thành phố Hà Tĩnh thoát khỏi một thị xã “đường lầy cỏ hoang” với nhà tranh mái lá.
Ta đã trải qua những ngày gian khổ nhất để mỗi làng quê hun hút xa xôi vươn thẳng những con đường trải nhựa, mỗi bến sông quê có thêm một nhịp cầu. Ta đã trải qua những ngày gian khổ nhất để có một cuộc cách mạng xanh cho đồng ruộng. Một cuộc cách mạng về giống, về dồn điền đổi thửa, về kênh mương cứng nội đồng, về tất cả những gì dân đợi dân trông để những cánh đồng cao sản trên đất Hà Tĩnh mùa nào cũng vượt trội năng suất và sản lượng.
“Hà Tĩnh đang nghèo nhưng không thể nghèo mãi được” đó là suy nghĩ của người Hà Tĩnh. Những trang đời tuyệt đẹp đang mở ra, những kỳ vọng mới của Hà Tĩnh đang mở ra. Sức sống đang trỗi dậy. Hà Tĩnh trong chặng đường mới này đang trở thành đề tài hấp dẫn của trái tim nghệ sĩ viết tiếp, gieo tiếp những vần thơ, nốt nhạc xao động lòng người.
Phan Thế Cải
Báo Hà Tĩnh