Cắt amiđan, trẻ 4 tuổi rơi vào hôn mê bất tỉnh
Đưa con đi cắt amiđan, anh chị đâu có ngờ rằng, một đứa trẻ đang hiếu động như cháu sẽ rơi vào hôn mê bất tỉnh như bây giờ. Những vụ lùm xùm trong y tế Hà Tĩnh thời gian qua, đang khiến dư luận đặt ra nghi vấn về chất lượng các loại thuốc đang được sử dụng ở địa phương này.
Sự việc xảy ra vào chiều ngày 23/8/2013 khi cháu Phạm Lương Chấn Hưng (SN 2009) con của anh Phạm Yên và chị Phạm Thị Ngọc Mai, trú tại khối 1, thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh với chẩn đoán đau amiđan. Sau khi trực tiếp thăm khám, một bác sỹ tên là Tuấn ở khoa Tai – Mũi – Họng đã tiêm thuốc… để cắt. Tuy nhiên, khi rút kim tiêm ra khỏi người, bệnh nhân có những biểu hiện bất thường. Sau khi cấp cứu tạm thời, cháu Chấn Hưng được chuyển khẩn cấp ra bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội – PV) để tiếp tục điều trị. Hiện, cháu bé vẫn đang trong tình trạng bất tỉnh, phải thở bằng máy.
Được biết, trước khi nhập viện, ngoài những biểu hiện như đau tai, đau hàm, thỉnh thoảng bị sốt, đau đầu, đau họng do viêm amiđan, Chấn Hưng là một cậu bé khá lém lỉnh, hiếu động. Giờ nhìn con nằm bất động trên giường bệnh, cả nhà ai cũng hoang mang tột độ, đứng ngồi không yên. Mẹ của cháu Hưng tưởng chừng như không thể đứng vững khi nghe tin tình trạng sức khỏe con trai mình ngày càng xấu đi. Chị quá bức xúc và hoang mang nên đã từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Một người hàng xóm của gia đình chị Mai cho biết: “Có lẽ vì quá đau buồn về sức khỏe của cháu Hưng nên chị Mai kín tiếng lắm, là hàng xóm thân cận nhưng chúng tôi cũng chỉ nghe nói rằng hình như bác sỹ tiêm nhầm thuốc, khiến cháu bị sốc, chứ không biết gì thêm. Mấy ngày qua chị Mai dường như ngã quỵ, có lúc phải nhờ người dìu mới lê nổi những bước chân nặng trĩu khi nghe tin từ Hà Nội báo về”.
Được biết, chị Mai đã bắt xe ra Hà Nội để tiện chăm sóc con. Ngôi nhà khang trang của anh chị phải nhờ cậy vào bà nội của cháu Hưng trông coi.
Do kém chuyên môn hay do thuốc “rởm”?
Thuốc chất lượng kém có nhập về cũng như không
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc BV Việt Đức cho rằng, thuốc là một mặt hàng đặc biệt chữa bệnh cho bệnh nhân, do vậy những tiêu chí đối với loại hàng này sẽ rất ngặt nghèo. Riêng bệnh viện Việt Đức xác định tiêu chí thuốc phải là thuốc tốt, đạt chất lượng nhưng giá cả phải hợp lý theo đúng với mức giá trong nước và trên thế giới. Chứ không thể cứ vì tiêu chí giá rẻ mà thực hiện được. Hơn nữa, giá rẻ, thuốc kém chất lượng sẽ không thể chữa được bệnh và đối với những bác sỹ thực hiện chuyên môn cũng chẳng bao giờ kê đơn thuốc hay áp dụng để chữa bệnh cho bệnh nhân. Hiện tại, phía bệnh viện cũng có những loại thuốc giá rẻ nhưng đó chỉ là những loại thuốc thông thường, sử dụng cho những bệnh không mấy nguy hiểm. Riêng các bệnh khó, nguy hiểm như tim mạch, tai biến, thần kinh… tất yếu phải sử dụng những loại thuốc có chất lượng cao, lúc đó mới mang lại hiệu quả điều trị cho bệnh nhân được. PGS.TS Quyết cũng cho rằng, thuốc tốt cho giá đắt cũng là lẽ dễ hiểu, tuy nhiên cần phải cân đối xem phù hợp với các tiêu chí riêng biệt, mang lại hiệu quả chữa trị đó là việc nên làm. Còn đối với thuốc rẻ, chất lượng kém, có nhập về cũng như không.
Việc sử dụng tân dược luôn là điều được các cơ sở y tế quan tâm bởi lẽ ngoài tác dụng chữa bệnh, nó còn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không kiểm soát hết được. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp sốc phản vệ do thuốc hiếm hoi ở Hà Tĩnh. Chỉ tính riêng trong tháng 8/2013 vừa qua, nơi đây đã xảy ra tới ba vụ sốc thuốc tương tự, đặc biệt, đã có trường hợp tử vong.
Dư luận cả nước chắc chưa quên vụ do sốc phản vệ khiến bệnh nhân tử vong ở bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, dẫn đến việc người nhà quá bức xúc đã hành hung các bác sỹ, y tá xảy ra vào ngày 12/8. Trước đó, vào chiều ngày 7/8, ông Nguyễn Xuân Hồng (75 tuổi) trú tại xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) được gia đình đưa đến BVĐK huyện Cẩm Xuyên điều trị vì vết thương nhỏ ở bàn chân phải bị đau nhức. Tại đây, sau khi kiểm tra vết thương và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ ngành y liên quan, các bác sỹ của bệnh viện này cho biết bệnh nhân Hồng bị viêm xương, không có các triệu chứng bất thường về sức khỏe, nhưng khuyến cáo rằng nạn nhân bị dị ứng với các loại thuốc kháng sinh.
Một ngày sau, ông Nguyễn Xuân Hồng được BVĐK huyện Cẩm Xuyên chuyển lên bệnh viện tuyến trên với khuyến cáo là bệnh nhân bị dị ứng với các loại kháng sinh, trong điều trị cần đặc biệt thận trọng. Sau hai ngày nằm chờ vì bác sỹ bảo thứ 7, chủ nhật không làm việc, đến 11h sáng ngày thứ 2 (tức 12/8 – PV), bệnh nhân Hồng được các y bác sỹ tiêm hai loại thuốc kháng sinh Trikazim và Ciprofloxacin Kabi tại khoa Chấn thương. Sau đó không lâu, bệnh nhân có biểu hiện bị sốc phản vệ nặng nên phải chuyển đến khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng tai biến, ngừng tuần hoàn. Ông Hồng đã trút hơi thở cuối cùng vào 14h cùng ngày.
Khi nhận được thông tin bệnh nhân đã chết, do quá bức xúc, đau đớn vì mất người thân, người nhà quy hết trách nhiệm cho ê kíp y bác sỹ. Hơn chục người thân của nạn nhân đã nhảy vào đánh người, phá tài sản tại bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh. Theo nội dung cuộc họp giữa bệnh viện, cơ quan chức năng và người nhà bệnh nhân, Ban giám đốc bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh kết luận bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm kháng sinh.
Trước đó không lâu, bệnh nhân Nguyễn Thị Luận (34 tuổi), ở thôn Trung Tâm, xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) đã đến trạm Y tế xã Cẩm Thịnh để điều trị viêm phế quản. Sau khi được tiêm thuốc kháng sinh Ceftaxin thì xảy ra hiện tượng tức ngực, nổi ngứa toàn thân và mạch không, huyết áp không. Sau đó bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện tuyến huyện và may mắn qua cơn nguy kịch.
Trước những sự cố liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, nhiều bác sỹ trong ngành cũng như người nhà bệnh nhân và dư luận quan tâm đang đặt ra câu hỏi, phải chăng những bất thường của các vụ việc trên là do kém chuyên môn, hay có thuốc rởm. Thậm chí dư luận hồ nghi, có liên quan đến nghi vấn thuốc kháng sinh, thuốc mê Trung Quốc rởm tồn tại trong hệ thống bệnh viện Hà Tĩnh. Nếu đã có những hồ nghi khiến người dân băn khoăn, đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ.
Sốc phản vệ không phải… do thuốc?!
Nghi vấn có thuốc kháng sinh, thuốc mê Trung Quốc rởm tồn tại trong bệnh viện mà nguyên nhân chính là do những người “cầm chịch” ham rẻ? Vậy thực hư vấn đề trên như thế nào, PV Người đưa tin đã có một cuộc tìm hiểu.
Để trả lời câu hỏi trên, chúng tôi đã có một cuộc ghé thăm bệnh viện các cấp từ cơ sở đến tỉnh ở Hà Tĩnh. Bác sỹ Trần Nguyên Phúc, Giám đốc bệnh viện đa khoa thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Sốc phản vệ từ trước tới giờ chưa hẳn liên quan đến thuốc mà còn phụ thuộc vào cơ địa bệnh nhân và chủ yếu thường gặp ở các loại thuốc kháng sinh. Về quy trình cấp thuốc được đấu thầu, theo tôi biết là có sự kiểm duyệt rất chặt chẽ. Thuốc đưa vào tiêu thụ tại các bệnh viện đã qua nhiều cấp kiểm tra và phải được bộ Y tế cho phép vì thuốc được sử dụng cho nhiều bệnh nhân, hy hữu mới có một trường hợp bị sốc phản vệ. Nếu như cũng loại thuốc đó nhiều người sử dụng đều bị thì mới phải xem xét đến thuốc, chứ với tỷ lệ 1/1.000 thì chưa thể kết luận do thuốc được. Hơn nữa, thuốc nào có khả năng dẫn đến sốc phản vệ, trên thuốc đã ghi có nguy cơ sốc phản vệ khoảng bao nhiêu %á. Nói vậy, nhưng chúng tôi luôn trong tình trạng sẵn sàng chuẩn bị tư thế cấp cứu với sốc phản vệ”.
Lô thuốc “nghi ngờ” đã trả lại cho nhà thầu?
Ông Vương Khả Quý, Phó giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Hương Sơn cho biết: “Lô thuốc nghi vấn sốc phản vệ có thể đã có cách đây khoảng 3 tháng và sau đó đã trả lại cho nhà thầu. Hiện tượng để xác định nghi vấn lô thuốc không đảm bảo là phản ứng khi tiêm cho các người bệnh. Qua kiểm tra chúng tôi nhìn thấy những kết tủa bất thường và đã báo cho sở Y tế về nghi vấn này”. Khi được hỏi về việc có hay không lãnh đạo sở ép các bệnh viện mua lô thuốc rẻ tiền, kém chất lượng này, ông Quý trả lời: “Việc này rất khó nói, thuốc được nhập về thông qua bệnh viện và nhà thầu, nếu phát hiện không đảm bảo thì mình hoàn trả lại”.
Ông Lê Văn Bình, Phó giám đốc bệnh viện Thạch Hà (Hà Tĩnh) trả lời: “Đặc thù của sốc phản vệ là tỷ lệ không cao, nhưng vẫn luôn có khả năng xảy ra nên chúng tôi cũng luôn chuẩn bị các phương án phòng vệ, sẵn sàng tâm lý, cơ sở vật chất. Trên xe đẩy thuốc của các y tá luôn có thuốc chống sốc phản vệ, khi có bệnh nhân bị sốc thì cấp cứu kịp thời. Nhiều năm trong nghề, quan điểm của tôi về sốc phản vệ không phải là do thuốc. Thuốc nhiều người sử dụng chứ không phải một người, nguyên nhân chính vẫn là do cơ địa bệnh nhân. Quy trình cấp thuốc ở Hà Tĩnh cũng như các nơi khác, trước các đợt đấu thầu, hội đồng thuốc của bệnh viện sẽ họp lại, dựa trên các tiêu chí như: Căn cứ vào nhu cầu sử dụng thuốc của năm trước đó; số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện; tài chính của bệnh viện và thông tin về chất lượng, đặc thù của loại thuốc mình muốn đấu thầu. Từ đó, đơn vị lập danh mục thuốc sử dụng ở bệnh viện mình gửi lên sở Y tế. Sau đó, sở tổng hợp lại để tham gia đấu thầu”.
Trong danh mục đấu thầu có thuốc Trung Quốc
“Ở nơi nào tôi không biết, nhưng rẻ không phải là tiêu chí chúng tôi cân nhắc để chọn thuốc. Bởi nếu thuốc rẻ mà điều trị không có hiệu quả thì còn tốn kém hơn. Trong quy trình đấu thầu rất chặt chẽ. Khi thuốc về có hẳn cả một hội đồng kiểm tra. Đối với lô thuốc vừa đấu thầu, tôi khẳng định chất lượng thuốc đảm bảo. Không có sự trà trộn của các loại thuốc Trung Quốc kém chất lượng vì có hóa đơn rõ ràng. Nếu bất thường, chúng tôi đã nhận ra ngay”, ông Bình nói.
Vị Phó giám đốc này cũng cho biết thêm, vừa rồi trong danh mục thuốc đấu thầu có sự góp mặt của một số thuốc sản xuất tại Trung Quốc, khi ông thắc mắc, thì được giải thích: Chưa có một văn bản nào nói thuốc Trung Quốc không tốt, kém chất lượng cả. Một khi đã được đưa vào danh mục thuốc đấu thầu cấp cho các bệnh viện, thuốc đó đã phải qua một sự kiểm duyệt gắt gao về hạn sử dụng, nhãn mác, chất lượng thuốc… của cơ quan quản lý dược. Trong danh mục thuốc đấu thầu vừa rồi của bệnh viện đa khoa Thạch Hà cũng có một số thuốc Trung Quốc, nhưng từ khi đưa vào sử dụng cho bệnh nhân, hiện vẫn chưa có vấn đề gì đáng tiếc xảy ra!
Hai sản phụ ở Yên Bái bị liệt sau khi gây tê mổ đẻ
Theo phản ánh, ngày 9/8, sản phụ Hoàng Thị Thu (ở xã Xuân Long, huyện Yên Bình, Yên Bái) vào bệnh viện huyện Lục Yên để sinh. Tuy nhiên, sau khi được tiêm thuốc gây tê mổ đẻ, chị bị liệt và hiện vẫn chưa thể đi lại được. Trước đó, ngày 7/6, sản phụ Nguyễn Mỹ Liên cũng đến mổ đẻ tại bệnh viện này. Tại đây, trước khi sinh, chị Liên cũng được các bác sỹ tiêm cho một mũi gây tê. Ba ngày sau mổ đẻ, đôi chân Liên bỗng dưng bị liệt. Hiện chị Thu vẫn đang nằm điều trị tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chị Liên đã được xuất viện.
Theo các bác sỹ tại bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đang áp dụng những phương pháp điều trị tốt nhất để bệnh nhân sớm có thể đi lại được bình thường. Tuy nhiên, việc xác định bệnh liệt hai chân do nguyên nhân gì là hết sức khó. Để xác định một cách chính xác cần phải có cả một Hội đồng y khoa tiến hành hội chẩn.
HỒ NGỌC – LOAN NGUYỄN – ANH ĐỨC – HOÀNG ANH
Người Đưa Tin