Phóng sự - Ký sự

Giỡn mặt với “tử thần” trên sông Ngàn Sâu

Cho đến bây giờ, người dân trong xã Phương Mỹ (Hương Khê – Hà Tĩnh) vẫn đang mòn mỏi chờ đợi một cây cầu kiên cố qua “họng lũ” Ngàn Sâu. Hàng ngày, hơn 4.700 nhân khẩu nơi đây vẫn phải sử dụng chiếc cầu phao mục nát bắt vẹo qua dòng sông. Cây cầu như “cửa tử thần” luôn ám ảnh bất cứ ai mỗi khi qua đó…

 hatinh24h

Giỡn mặt với “tử thần”

Qua ghi nhận thực tế, sông Ngàn Sâu cắt ngang địa phận xã Phương Mỹ, sông sâu và rất rộng. Những hôm vào mùa lũ, sông bắt nguồn từ các nhánh phía tây đổ về, dòng nước lũ chảy xiết, cuồn cuộn thường được mệnh danh là một “họng lũ” trong vùng.

Những năm trước đây, khi chưa có cây cầu phao, người dân trong toàn xã phải qua lại sông bằng đò, có những hôm cao điểm đò chật cứng người. Đáng thương nhất là con em trong toàn xã mỗi khi đến trường phải vượt qua dòng sông Ngàn Sâu với biết bao nguy hiểm luôn rình rập.

Nhận thấy mối nguy hiểm trên, đến năm 2008 chính quyền xã Phương Mỹ đã kêu gọi sự quyên góp từ người dân cùng nhau dựng tạm cây cầu để đi lại cũng như phục vụ cho các hoạt động kinh tế. Cây cầu tự chế được kết bằng những thùng phuy và ván gỗ cột lại, rất sơ sài, chỉ rộng khoảng 1m. Tuy nhiên, mỗi năm người dân trong toàn xã đều phải tự bỏ chi phí ra để tu sửa nhiều lần cho cây cầu.

Dù vậy, đến thời điểm này cây cầu ngày càng trở nên rệu rã, những ván gỗ đã mục nát, khe ván hở toác ra rất nguy hiểm cho người qua lại. Điều đặc biệt, khi lũ về cầu như một sợi dây bị sống lũ dội lên cao, giật mạnh đung đưa như chiếc võng giữa dòng sông cuộn lũ. Người dân hai bên bờ như bị mắc kẹt, chỉ biết nằm chờ hết lũ rồi mới dám qua sông.

Hàng năm khi vào mùa lũ, con em trong xã đều đến trường bằng chiếc cầu xiêu vẹo này. Đã có rất nhiều học sinh khi qua cầu đã bị đuối nước

“Cũng quen rồi các anh à! Có hôm nhiều thanh niên khi qua cầu rú ga rền đất, nhưng đến giữa cầu té nhào cả xe lẫn người xuống sông. Rứa là lẹ thuê người vớt xe lên kéo về tiệm sửa chữa. Trăm đường, đường nào cũng thấy khổ, nhất là vào ban đêm cứ lâu lâu thấy “ũm” một cái rứa, rồi lại ra vớt xe lên cho họ…”, anh Trần Thanh Trung, 48 tuổi, một người dân sống gần cây cầu bộc bạch.

Khi thấy chúng tôi sắp qua cầu, anh Trung tếu táo:

– “Các anh đã học bơi chưa? Dân vùng ni ai cũng phải học bơi hết, kể cả người già hay trẻ nhỏ”.

Thấy chúng tôi nghểnh cổ về phía anh tỏ vẻ khó hiểu, anh trần tình:

– “Thì đó, qua sông nếu không biết bơi, lỡ té xuống sông thì đuối nước chứ sao”.

Mỗi ngày có ít nhất là 4 đến 5 trường hợp khi lưu thông qua cầu bị té xuống sông. Chuyện té sông Ngàn Sâu khi qua cầu, đối với người dân nơi đây là chuyện cơm bữa. Những hôm nước lớn, nhiều trường hợp chết đuối, xác trôi về cuối nguồn mới tìm thấy.

Anh Trần Văn Nam, 40 tuổi, một lái đò trên sông Ngàn Sâu tâm sự: “ Cách đây bốn năm chứ mấy, khi đang chở hàng qua sông thì tui bỗng nhiên nghe tiếng kêu cứu của một bé trai. Tui liền bỏ thuyền nhảy xuống cứu người, cũng may là còn kịp nên mới cứu được, chứ không thì chết rồi. Nhiều trường hợp lắm, các anh cứ thủ hỏi những người dân nơi đây thì biết ngay, ngày nào mà chẳng có người té sông, hay đuối nước…”.

Đang lặn rửa chân, tay dưới lòng sông, ông Lê Thanh Tâm, 55 tuổi, thôn Trung Thượng góp chuyện: “Cầu này chỉ rộng một mét nên rất khó đi lại, nhiều lúc 2 người đi ngược chiều chỉ sợ rơi xuống sông. Mới cách đây 2 ngày, có một học sinh cấp 2 bị rơi cả người cả xe đạp xuống sông, may mà thanh niên trong làng chạy ra cứu được. Chứ không thì chẳng biết chuyện chi xảy ra nữa…”.

Cần lắm một cây cầu!

Cây cầu mục nát không những nguy hiểm đến tính mạng của người dân mà còn là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế trong toàn xã. Khốn đốn nhất là những khi vào vụ thu hoạch lúa, thay vì kéo xe to qua cầu thì người dân phải chia nhỏ ra để chở bằng xe máy rất khó khăn.

“Gay lắm mấy anh à! Mỗi khi lúa ngoài đồng sắp chín, nhìn lại cây cầu là thấy chán nản lắm. Cũng may là mấy năm ni ít lũ đó, chứ lũ mà kéo về là cả làng như mắc kẹt rứa, đúng là khổ trăm đường…”, anh Trần Thanh Hải, 45 tuổi, một người dân sống gần cây cầu ngao ngán.

Xe cộ không lưu thông, cuộc sống của người dân Phương Mỹ thêm bế tắc, cô lập. Nhiều người dân kiến nghị lên cấp trên để tìm hướng giải quyết càng sớm càng tốt. Nhưng đến nay thì mọi chuyện vẫn đang nằm trên giấy tờ và… chờ phê duyệt.

Không biết đến bao giờ mới có cây cầu mới bắc qua sông Ngàn Sâu, người dân vẫn đang mòn mỏi trông chờ một cây cầu kiên cố. Ông Lê Thanh Tâm thở dài, khi nhìn ra cây cầu ngoằn ngoèo như con rắn trầy xương, tróc vảy: “Đêm trước tui có nằm mơ thấy làng tui, xã tui đã có một cây cầu mới cứng, cầu to và rất dài, các con, cháu tui đều thong thả bước trên cây cầu đó, thấy làng xóm tui vào mùa gặt ai nấy đều đầy ắp xe lúa trở về từ cánh đồng… Nhưng khi tỉnh giấc, thấy mình còn nằm gọn trong chăn, cây cầu cũ ở ngoài bến sông vẫn lộc cộc gõ theo từng lưng sóng…”

Cây cầu được kết bằng phao cùng với những ván gỗ cột lại với nhau, do đã qua nhiều năm sử dụng nên các chi tiết đều bị hư hỏng, chắp vá, rất nguy hiểm cho người dân khi qua cầu

Đại Nghĩa – Quốc Oai

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP