Thiếu thiết bị dạy học
Hầu hết các trường phổ thông đang thực hiện chương trình thí điểm mô hình trường học mới VNEN đều thiếu đồng bộ.
“Trong những lần cải cách giáo dục trước đây, ngoài chương trình, sách giáo khoa thì chúng em được cấp thiết bị đồng bộ đi kèm, còn lần này thực hiện thí điểm mô hình trường học mới VNEN thì không.
Lý do là không nằm trong 1427 trường thuộc dự án GPE-VNEN, nên chẳng những không được hỗ trợ kinh phí tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ giá sách giáo khoa mà nhà trường phải tự lo hoàn toàn”, thầy Nguyễn Thừa Mạnh- Hiệu trưởng trường THCS Tân Lâm cho biết.
Thiết bị cũ của trường THCS Phố Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh (Ảnh: Lê Văn Vỵ) |
Trong chuyến thực tế tại các trường tiểu học đang thực hiện mô hình thí điểm VNEN tại Hà Tĩnh, nhóm phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chúng tôi thấy trừ trường tiểu học Nguyễn Du (TP. HàTĩnh), Nam Hồng (Hồng Lĩnh), Thạch Châu (Lộc Hà), Thạch Tân (Thạch Hà) có trang bị máy photo, còn lại những trường khác thiếu thiết bị tối thiểu này.
Ngay cả trường Tiểu học Trường Sơn, đơn vị đang thực hiện thí điểm cho giáo dục huyện Đức Thọ, máy photo cũ kỹ đã hỏng không còn sử dụng được mà chưa biết kiếm kinh phí ở đâu để mua.
Không có máy photo, tại trường tiểu học Sơn Thọ (Vũ Quang), giáo viên phải đi xa 6km đến thị trấn để photo, nhưng đến được nơi thì mất điện, phiền hà.
Không có máy photo, làm những phiếu học tập cho học sinh như thế này thật phiền hà (Ảnh: Lê Văn Vỵ) |
Thiếu thiết bị đồng bộ, các trường thực hiện thí điểm mô hình VNEN phải dùng thiết bị cũ. Thầy Ngô Minh Sơn – Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Châu (Lộc Hà) cho biết:
“Vừa rồi, thực hiện chủ trương của phòng GD&ĐT, nhà trường đã cho thống kê, sắp xếp lại thiết bị thí nghiệm. Chúng tôi đã tiến hành kiểm kê, đánh giá và sơ bộ nhận xét có khoảng 50% thiết bị còn tàm tạm”.
Còn thầy Phan Nguyễn Hùng (Hiệu trưởng 1 trường THCS ở Cẩm Xuyên) cho rằng: “Thiết bị từ những năm 2000, qua quá trình sử dụng, phần thì bị bào mòn, phần thì hoen rỉ, nên không còn chính xác sử dụng được nữa. Có cũng như không.”
Thầy Nguyễn Thừa Mạnh thẳng thắn: “Chúng tôi có 6 lớp 6 học theo mô hình trường học mới.
Sau khi kiểm kê, đánh giá, sắp xếp lại thiết bị, chúng tôi còn 5 bộ, 1 bộ cho giáo viên và 4 bộ cho học sinh, đáp ứng được 25%, thiếu 75%.
Những thiết bị qua thời gian hỏng hóc, chúng tôi phân loại, thiết bị nào sửa chữa vẫn dùng được thì chúng tôi cho sửa chữa”.
Đến trường THCS Tân Lâm, chúng tôi tận mắt chứng kiến anh Trần Quốc Quân – phụ huynh của em Trần Quốc Dũng- học sinh lớp 8C, đang cặm cụi sửa chữa thiết bị dạy học cho nhà trường.
“Bằng mọi cách, chúng tôi nỗ lực khắc phục để không dạy chay. Nhưng khó nhất là khi thực hiện chương trình mới, có những thiết bị như bộ cảm biến có giá khoảng 30 triệu đồng, chưa biết lấy nguồn kinh phí ở đâu để mua.
Còn làm đồ dùng dạy học cũng chỉ có thể vận động giáo viên làm những đồ dùng đơn giản thôi”, thầy Mạnh nói.
Đổi mới không kịp
Theo điều tra của nhóm phóng viên, các trường tiểu học hiện đồng thời thực hiện 3 chương trình:
– Tiếng Việt Chương trình Công nghệ Hồ Ngọc Đại, chương trình hiện hành và chương trình VNEN, với các Dự án: Dự án GPE-VNEN; Đề án: “Phương pháp bàn tay nặn bột”, “Dạy học theo phương pháp mới của Đan Mạch;
– Đổi mới kiểm tra đánh giá theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT;
– Quy hoạch trường học, xây dựng mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện.
Ở bậc THPT triển khai “ Phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông”; “Hệ thống nhà trường kết nối”; “Đổi mới sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn”; và tại bậc học THCS triển khai mô hình trường học mới VNEN.
Anh Trần Quốc Quân (phụ huynh em Trần Quốc Dũng–học sinh lớp 8C trường THCS Tân Lâm) đang sửa chữa đồ dùng dạy học cho thầy cô giáo. (trong ảnh: Anh Quân (áo trắng), thầy Nguyễn Thừa Mạnh (Hiệu trưởng, mặc áo xanh) (Ảnh: Lê Văn Vỵ) |
Như vậy có thể hình dung tại cấp trung học cơ sở đang tiến hành đồng thời 2 chương trình VNEN mới và chương trình cũ.
“Trong thời gian từ 2013 đến nay, giáo dục phổ thông xoay như chong chóng, hết nặn bột lại gấp giấy; đi từ Việt Nam sang Colombia, rồi đến Đan Mạch, cái nọ chưa xong chồng sang cái kia, cái nào cũng mới, cũng tiên tiến, rồi chẳng biết ra làm sao.
Giáo viên và học sinh vừa vật lộn với Tiếng Việt Công nghệ Hồ Ngọc Đại, lại chóng mặt với VNEN trong hoàn cảnh cơ sở vật chất bất cập, thiết bị dạy học cũng như mọi điều kiện khác không đồng bộ, đời sống giáo viên khó khăn khi đồng lương chưa đủ trang trải cuộc sống, mà giá cả thị trường lại tăng, nên không biết thí điểm này đi đến đâu”, thầy Trần Đình Minh (giáo viên hưu trí) lo lắng.
Tầy Nguyễn Ngọc Lạc- Trưởng phòng khối THPT Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: “việc biên soạn sách giáo khoa theo mô hình nhà trường mới VNEN được tiến hành theo phương pháp cuốn chiếu. Hiện Bộ đã biên soạn chương trình lớp 7 và đang thí điểm chương trình lớp 7…”.
Thậ lạ, “cuốn chiếu” hay ho thế nào không biết, nhưng một chương trình thí điểm mà biên soạn theo kiểu “ăn đong” như vậy thì chắc chắn gây khó khăn cho các cơ sở thực hiện thí điểm.
Nhiều giáo viên ở cơ sở muốn biết tổng thể chương trình, từ lớp 6 đến lớp 9 ra làm sao, cố hình dung chương trình tổng thể cũng không thể hình dung nổi, vì cách làm “tắc bụp” này.
Chị Lê Thị Ánh (có con học lớp 6 trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện) lo lắng: “Phụ huynh chúng tôi có biết VNEN là cái gì đâu. Thấy con về nói hôm nay không học sách cũ nữa chuyển sang học sách nhà trường mới mua.
Tôi về kiểm tra con được mấy điểm, thì nghe bảo là không chấm điểm nữa. Không biết sau này thi cử ra làm sao. Lo quá”.
Quả là mô hình trường học mới có nhiều bất thường, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến độc giả trong các bài tiếp theo.