'Giac lua' bua vay rung Ha Tinh - Anh 1

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và Chi cục Kiểm lâm phát động phong trào xử lý thực bì, vệ sinh rừng trước mùa nắng nóng

Gần 361.000ha rừng và đất lâm nghiệp ở Hà Tĩnh đang bị “giặc lửa” bủa vây, có thể bùng cháy bất cứ lúc nào.

124.877ha “báo động đỏ”

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 369.970ha rừng và đất lâm nghiệp thì có đến hơn 114.000ha là rừng phòng hộ; 74.512ha rừng đặc dụng và gần 172.000ha rừng sản xuất.

Đầu năm 2014, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) lâm nghiệp, các cơ quan chuyên môn đã giao, cấp GCN hơn 44.000ha rừng và đất lâm nghiệp cho 17.305 hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Sau khi rừng được giao cho hộ gia đình quản lý, ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nên tình trạng cháy rừng vào mùa hè khi người dân xử lý thực bì, vệ sinh rừng không đúng quy định.

Gần một tháng nay, trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ rải rác một số huyện có mưa nhỏ, trong khi nền nhiệt độ luôn ở ngưỡng 38 – 40oC kèm theo gió Lào thổi cấp 4, cấp 5 nên gần 125.000ha rừng luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ, mức cảnh báo cháy rừng ở cấp V – cấp cực kỳ nguy hiểm. Diện tích có nguy cơ cháy cao tập trung ở rừng trồng thông, keo, giang nứa… thuộc các huyện, thị xã như Hương Sơn (gần 22.000ha); Hương Khê (28.265ha); Kỳ Anh (hơn 23.000ha); Vũ Quang (11.136ha); Cẩm Xuyên (hơn 12.000ha)…

Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng BVR – bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) cho hay, tất cả các loại rừng trên địa bàn hiện đều rất dễ bén lửa và lây lan nhanh. Nguyên nhân một phần do nắng nóng kéo dài kèm theo gió Lào thổi mạnh khiến thảm thực bì khô nỏ; hệ thống các công trình phòng cháy chữa cháy tuy chủ rừng, chính quyền có đầu tư nhưng do diện tích rừng dễ cháy quá lớn nên chưa đáp ứng được yêu cầu; kinh phí xây dựng công trình phòng cháy của các chủ rừng còn hạn chế.

Về chủ quan, sau khi rừng được giao cho hộ gia đình quản lý, một số vùng người dân tranh thủ xử lý thực bì để trồng rừng chưa đúng quy định nên tiềm ẩn nguy cơ gây cháy; không loại trừ mâu thuẩn, hiềm khích giữa các chủ rừng với nhau dẫn đến đốt rừng; người dân sử dụng nguồn lửa thiếu ý thức khi soi bắt ong, thắp hương tại các đền chùa…

Phòng cháy là chính

“Mặc dù cảnh báo cháy rừng luôn ở cấp cực kỳ nguy hiểm nhưng nhờ chủ động thực hiện các phương án phòng nên đến nay trên địa bàn mới xảy ra một vụ cháy tại xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc. Diện tích thiệt hại 0,4ha thông, keo 7 năm tuổi.

'Giac lua' bua vay rung Ha Tinh - Anh 2

Ảnh: Thanh Nga

Hiện cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân gây ra vụ cháy”, ông Tùng nói. Cũng theo ông Phan Thanh Tùng, so với cùng kỳ năm ngoái, số vụ cháy năm nay giảm 4 vụ; diện tích giảm 12,8ha.

Ngay từ đầu năm, diễn biến thời tiết có nhiều bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên khi lên “kịch bản” phòng cháy, chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh chỉ đạo các địa phương, chủ rừng lấy công tác phòng là chính, trường hợp xảy ra cháy rừng lực lượng “4 tại chỗ” phải được huy động một cách nhanh nhất. Ví dụ như vụ cháy rừng ở xã Thuần Thiện, tuy thời điểm xảy ra cháy vào lúc nửa đêm nhưng nhờ trực gác, phát hiện, huy động các lực lượng chữa cháy kịp thời nên đám cháy được dập tắt trong thời gian ngắn (2 giờ đồng hồ).

Năm 2016, phương án PCCCR được “lên dây cót” thông qua việc kiện toàn 12 BCĐ cấp huyện, 156 BCĐ cấp xã và 22 BCĐ chủ rừng. Đồng thời, thành lập 25 tổ, đội xung kích chữa cháy rừng cấp huyện; 205 tổ, đội cấp xã và 49 tổ, đội của chủ rừng.

“Các lực lượng này được giao nhiệm vụ trực chòi canh 24/24h trong những ngày nắng nóng để phát hiện sớm lửa rừng. Ngoài ra, thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã hàng ngày cảnh báo cấp cháy rừng để người dân nâng cao cảnh giác; thực hiện ký cam kết trong các nhà trường, thôn xóm về việc sử dụng nguồn lửa, hạn chế vào rừng trong thời gian nắng nóng…”, ông Tùng nhấn mạnh.

Đối với diện tích rừng trồng thông, keo dễ cháy ở thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, Thạch Hà… ngay từ đầu năm các chủ rừng giao khoán từng lô, khoảnh cho hộ gia đình quản lý, bảo vệ và khai thác nhựa thông. Khi rừng được giao tận hộ, người dân sẽ có ý thức bảo vệ tài sản, nguồn lợi kinh tế của mình, do đó việc xử lý thực bì hay sử dụng nguồn lửa trong suốt mùa nắng cũng được kiểm soát chặt chẽ.

Địa bàn Hà Tĩnh nắng nóng đang tiếp diễn, vì vậy BCĐ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh nghiêm cấm người dân đốt lửa trong rừng hoặc ven rừng để xử lý thực bì, săn bắt động vật rừng, lấy mật ong…

Người vào khu rừng dễ cháy như thông, keo, bạch đàn không được mang bật lửa, diêm; trong trường hợp ngày có gió Lào mạnh, nhiệt độ trên 35oC chỉ những người có trách nhiệm mới được vào khu vực rừng dễ cháy.

Tổ chức lực lượng trực 24/24h để phát hiện sớm lửa rừng, kịp thời huy động nhân lực, vật lực chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

Thanh Nga