Khổ từ… cát!
Sau quá trình “thai nghén”, dự án được triển khai trong niềm vui của 2.200 hộ dân xã Kỳ Hà.
Hơn 2 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của mình ông Trần Thọ – xóm Bắc Hà 2, xã Kỳ Hà vẫn nhớ mồn một ngày đơn vị thi công động thổ triển khai xây dựng công trình: “Đó là ngày 1/12/2010. Khi họ (đơn vị thi công) mang tàu ra rồi tiến hành nạo vét luồng lạch tại bãi số 2 phía ngoài chân đê Kỳ Hà. Đêm đó tôi đã thức trắng. Mừng quá là bởi khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, ngư dân chúng tôi không phải vất vả, khổ sở như trước nữa”.
Đến nay, ước vọng đối với ngư dân này đã bắt đầu trở thành hiện thực. Con thuyền 40 CV thay vì phải neo đậu cách đất liền 400m, nhờ luồng lạch được nạo vét đã có thể “tiếp bờ” với khoảng cách chỉ còn khoảng 50m. Ông Trần Bắc (cùng ở xóm Bắc Hà 2) trải lòng: “Không chỉ là thuyền của tôi được an toàn trong mùa mưa bão mà quan trọng hơn, tương lai sẽ hình thành khu hậu nghề cá – cơ hội để ngư dân có thể giảm chi phí và yên tâm bám biển”.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Bắc mong dự án sớm hoàn để ngư dân giảm chi phí và yên tâm bám biển.
Niềm hi vọng lớn đến với những người dân Kỳ Hà khi khu vực đồng tôm có diện tích khoảng 9 ha bị bỏ hoang bấy lâu nay được thay thế bằng việc xây dựng khu neo đậu tránh trú bão. Không chỉ đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão cho 200 tàu thuyền có công suất tối đa 150 CV, nhiều người tin rằng, tàu thuyền tập trung sẽ hình thành thêm khu dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo cơ hội chuyển đổi nghề cho hàng trăm hộ làm muối quanh năm luẩn quẩn bởi đói nghèo.
Tuy nhiên, cát được hút từ những “vòi bạch tuộc” cắm chi chít xuống luồng lạch hút lên rồi trút vào đồng tôm bị bỏ hoang có diện tích 9 ha (bãi số 1). Con đê biển chạy qua xã Kỳ Hà ôm ấp, che chở cho khu dân cư xóm Bắc Hà bao đời nay, trở thành bức tường chắn cát trôi ra biển và cũng là ranh giới ngăn cách bãi số 1 và số 2. Ngoài đê, cát từ luồng lạch được hút lên rồi lấp đầy bãi số 2 có diện tích 30 ha.
Điều trớ trêu ở bãi số 1, phía ngoài được bao phủ bởi con đê, nhưng phía trong chỉ cách khu dân cư khoảng 20m lại không hề được che phủ, trong khi lượng cát được lấp đầy và cao khoảng 3m. “Mỗi khi có luồng gió lớn, nhất là có lốc xoáy thì toàn bộ xóm Bắc Hà bị bao phủ mù mịt bởi cát bụi” – chị Trần Thị Hạnh bức xúc. Toàn bộ khu vực xóm Bắc Hà có khoảng 700 hộ dân, trong đó có 200 hộ bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn cát bay. Nắng, cát bụi mù mịt. Mưa, hàng trăm hộ dân bị ngập chìm trong biển nước vì 2 cống thoát nước số 5, 6 của 3 xóm Bắc Hà, Hải Hà, Đông Hà bị cát lấp đầy không thoát ra biển được.
Cống thoát nước của 3 xóm Bắc Hà, Hải Hà, Đông Hà thường xuyên bị cát lấp đầy, gây tắc đọng.
Thay đổi thiết kế – công trình dang dở đến bao giờ?!
Dự án xây dựng công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa khẩu Kỳ Hà được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 3770/QĐ-UBND ngày 27/11/2009. Theo đó, công trình có tổng mức đầu tư trên 96 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư; đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty CP Tư vấn và đầu tư Hải Đăng (trú sở tại Hà Nội). Nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách T.Ư; thời gian thực hiện dự án tùy theo khả năng nguồn vốn. Như vậy là các hạng mục tiếp theo như: hệ thống đê bảo vệ, khu neo đậu chưa biết bao giờ sẽ được triển khai; còn đơn vị thi công mới chỉ tiến hành nạo vét luồng lạch và san lấp mặt bằng. Khi chúng tôi đề cập đến các văn bản cũng như tình hình thực hiện dự án thì người chủ trì lại lúng túng như…“gà mắc tóc”. “Tôi mới đảm nhận nhiệm vụ này chỉ mấy tháng sau khi kiện toàn lại cơ cấu nên không nắm rõ” – Phó BQL các dự án xây dựng cơ bản Lê Minh Cầm phân trần.
Tàu thuyền của người dân không có nơi trú, phải nằm ở con lạch.
Trong khi đó, ông Hà Văn Trà đảm nhận nhiệm vụ này trước khi bàn giao lại khẳng định: “Trước khi triển khai thi công, chúng tôi đã họp bàn và tuyên truyền đến tận từng xóm”. Cũng theo ông Trà: “Tiến độ chậm có nhiều lý do, trong đó có việc người dân đập phá đê bao chắn cát. Nhưng quan trọng nhất vẫn là thiếu vốn nên một số hạng mục buộc phải cắt giảm”.
Tuy nhiên, điều mâu thuẫn là, riêng gói thầu nạo vét không hề bị cắt giảm mà lại được điều chỉnh từ 33,5 tỷ đồng lên đến 47,5 tỷ đồng. Đối với các tiêu chí chống cát bay và đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực dân cư theo Quyết định số 3141/QĐ-UBND, ông Trà lại viện dẫn lý do: “Thông thường khi đã san lấp đến cao trình gần 4m thì mặt trên sẽ được phủ một lớp đất sét để nén và chống cát bay, nhưng mới chỉ lấp được khoảng 3m thì người dân lại tự ý phá vỡ đê bao chắn cát và ra sức ngăn cản thi công”.
Thời gian ấn định hoàn thành gói hút cát và san lấp hiện đã được điều chỉnh đến cuối tháng 8/2013 thay vì tháng 6/2012. Tiến độ này nếu diễn ra thuận lợi ở bãi số 2 là có thể được; còn bãi số 1 không thể thi công được vì người dân chưa đồng thuận.
Bãi cát không được che phủ khiến hàng trăm hộ dân khổ sở mỗi khi có gió lớn.
Có thể nói, mùa mưa bão đang cận kề, không chỉ người dân khắc khoải nỗi lo nguy cơ ngập úng ở bãi số 1 mà nhà thầu cũng lâm vào tình thế “ngồi trên đống lửa”. Bởi cát được nạo vét ở bãi số 2 lên chưa kịp che chắn khó tránh khỏi bị mưa lũ cuốn trôi và trả về “địa chỉ cũ”. Trong khi đó, chủ đầu tư lại chưa tìm ra một giải pháp nào hữu hiệu ngoài việc “ngả” theo ý kiến của người dân là hạ bớt lượng cát ở bãi số 1 xuống chỉ còn 3m thay vì 4m như đã được phê duyệt thiết kế. “Mới đây, chúng tôi đã gửi công văn đến các đơn vị và ngành liên quan về việc xin ý kiến nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. Thiếu vốn, lại chưa được người dân đồng thuận nên ý tưởng của chúng tôi là sẽ hạ thấp cao trình” – Phó BQL các dự án xây dựng cơ bản Lê Minh Cầm cho biết thêm.
Hạ thấp cao trình cũng có nghĩa là thay đổi lại thiết kế, điều chỉnh lại nguồn vốn và… trình các cấp, ngành thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét và phê duyệt. Hành trình sẽ dang dở đến bao giờ?
Hoài Nam – Vũ Viễn
Báo Hà Tĩnh