Trung Quốc

Điều gì xảy ra khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981?

TS Đỗ Minh Cao (Trung tâm nghiên cứu Biển Đông) cho rằng có thể Trung Quốc sẽ cho rút giàn khoan Hải Dương 981 nhưng chắc chắn sẽ để lại dấu ấn, đánh dấu một vùng “chủ quyền”, ngăn cản Việt Nam và các nước khác tiếp cận khu vực này.

TS Đỗ Minh Cao – Trung tâm nghiên cứu Biển Đông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định mục tiêu của Trung Quốc là thực hiện tham vọng làm chủ vùng biển “đường 9 đoạn” chiếm gần như toàn bộ diện tích mặt nước Biển Đông. Tham vọng này được đẩy cao hơn trong “giấc mộng Trung Hoa”. Trong đó, chiến lược xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc biển là một trong những trụ cột chính, đồng thời được gắn liền với chiến lược hải dương xanh của quốc gia này.

Trung quốc không chỉ ham muốn làm chủ vùng Châu Á Thái Bình Dương mà còn cả khu vực Ấn Độ Dương và vươn ra các đại dương khác. Để thực hiện tham vọng cường quốc biển, Trung Quốc buộc phải tìm một cửa ngõ thông ra các đại dương. Khu vực Biển Đông của Việt Nam chính là lối đi ra đại dương mà Trung Quốc cần. Trung Quốc luôn muốn “nuốt trọn Biển Đông”.

Cách thức Trung Quốc đang làm không xứng đáng là cường quốc lớn

Trong các tuyên bố với quốc tế Trung Quốc luôn nhấn mạnh về đường lối đối ngoại hòa bình, tôn trọng lãnh thổ các quốc gia và chủ trương không dùng vũ lực, bạo động.Tuy nhiên, thực tế những gì nước này hành động lại trái ngược hoàn toàn với những tuyên bố trên. Ông đánh giá như thế nào về sự mâu thuẫn giữa lời nói về hành động của phía Trung Quốc?

Trung Quốc nhiều lần nhắc tới việc xây dựng thế giới hòa bình, châu Á hòa bình nhưng thực tế đã và đang chứng minh Trung Quốc không làm như lời nói . Trung Quốc liên tục vi phạm trắng trợn các thông lệ và luật pháp quốc tế. Họ tự cho mình cái quyền làm theo ý họ bất chấp những quy ước, quy chuẩn luật pháp quốc tế chung . Nguy hiểm hơn, Trung Quốc luôn dùng những luận điệu xuyên tạc, tuyên truyền cho nhân dân trong nước, làm cho người dân Trung Quốc không hiểu rõ bản chất nhiều sự việc, trong đó có vấn đề Biển Đông. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc ngày càng xấu đi, và vấn đề Biển Đông được nhiều người dân Trung Quốc không hiểu hết thực chất của nó .

Trong vụ việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn nguy hiểm như: phun vòi rồng, đâm, húc các tàu chấp pháp của Việt Nam… Việt Nam không áp dụng bất cứ hành động tương tự nào để đáp trả phía nhưng phía Trung Quốc luôn tìm cách “bịa đặt”, xuyên tạc, vu khống Việt Nam. Thậm chí, phía Trung Quốc còn quay phim, chụp ảnh tạo bằng chứng “giả” vu cáo Việt Nam.

Đây là những âm mưu nguy hiểm, biến không thành có, đổi trắng thay đen, xuyên tạc trắng trợn chính sách hòa bình của Việt Nam. Trong thế giới văn minh không có chỗ cho những hành động như vậy. Cách thức mà Trung Quốc đang áp dụng trong vụ hạ đặt trái phép giàn khoan là không phù hợp với thế giới văn minh, không xứng với danh một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và có trách nhiệm.

Nhiều người Trung Quốc chính nghĩa ủng hộ Việt Nam

Hiện nay dư luận Trung Quốc phản ứng ra sao với những hành động gây hấn của nước này tại khu vực Biển Đông?

“Nếu ta đơn thương độc mã trước thủ đoạn thâm thúy của Trung Quốc…”

Rất nhiều người hiểu biết tại Trung Quốc đã lên tiếng phản đối chính sách ngang ngược, bất tuân luật pháp quốc tế của tập đoàn lợi ích Trung Quốc. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà khoa học nước này đưa ra quan điểm rõ ràng, cho rằng là một nước công nhận Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 như Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền hợp pháp của các nước khác.

Từ trước đến nay, nhân dân hai nước Việt – Trung luôn có tình hữu nghị nồng thắm, chân thành và hữu nghị. Một thí dụ là nhiều người Việt Nam hiện đang du học, làm việc tại Trung Quốc đều được nhân dân nước này giúp đỡ và đối xử bình đẳng. Tôi tin những người Trung Quốc chân chính sẽ hiểu đâu là lẽ phải, chính nghĩa trong vụ việc giàn khoan hiện nay tại Biển Đông. Việt Nam cần tranh thủ những tiếng nói chính nghĩa của người dân Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia thế giới cho rằng, mục tiêu của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà còn mở rộng ra nhiều nước trong khu vực?

Trung Quốc đã đưa ra những yêu sách nhằm áp đặt “đường lưỡi bò” với một số nước trong khu vực như Malaysia tại bãi James, với Indonesia tại vùng biển gần nhóm đảo Natuna và với Việt Nam tại Biển Đông… Những đòi hỏi này cùng với những hành động khiêu khích, gây hấn gần đây đã khiến dư luận quốc tế không thể không nghĩ tới chuyện Trung Quốc đang tìm cách bành trướng và kiểm soát thực tế đối với toàn bộ Biển Đông chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi khu vực đang tranh chấp là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bãi cạn Scarborough v. v .

Để thực hiện việc áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” lên gần 80% diện tích Biển Đông, từ lâu Trung Quốc đã không ngần ngại sử dụng phương thức ngoại giao “cưỡng ép” kể cả việc dùng vũ lực cưỡng chiếm các vùng biển đảo của quốc gia khác, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974. Hành động này không chỉ gây ra tình trạng căng thẳng trong khu vực mà còn đe dọa an ninh hàng hải quốc tế, xâm phạm chủ quyền và lợi ích của nhiều quốc gia khác trong và ngoài khu vực.

Vậy theo ông, chúng ta có nên thành lập một diễn đàn trong khu vực với những nước có cùng chung lợi ích, để cùng lên tiếng, ngăn chặn những hành vi ngang ngược, trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông?

Điều này cũng được nhiều chuyên gia nước ngoài lên tiếng phân tích và khuyến nghị. Theo tôi, Việt Nam và các nước ASEAN nên thành lập một cơ chế đa phương, rõ ràng, cụ thể về vấn đề Biển Đông. Đứng đầu cơ chế này là các thành viên cấp cao của các các nước. Họ phải thường xuyên họp bàn, trao đổi đưa ra các quyết định dựa trên luật pháp quốc tế nhằm chống lại các hoạt động gây căng thẳng trong khu vực và vi phạm trắng trợn chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước khác.

Trung Quốc sẽ làm mọi cách để thực hiện được mục đích của mình

Trong những ngày qua, thế giới liên tục có những phản ứng mạnh mẽ trước những hành động gây hấn nguy hiểm của Trung Quốc. Theo ông liệu những phản ứng này có làm Trung Quốc “chùn bước”trong việc thực hiện tham vọng bá quyền của mình?

Nhiều phản ứng của dư luận thế giới trong những ngày qua là rất tích cực và có lợi cho Việt Nam. Mỹ và một số nước châu Âu đã lên tiếng phê phán mạnh mẽ, kịch liệt hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Một số nước châu Á như Philipines, Indonesia hay Malaisya cũng thẳng thắn yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay những hành động khiêu khích, làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Biển Đông.

Mặc dù những phản ứng này khó có thể làm cho Trung Quốc ngừng ngay những hành động ngông cuồng của họ. Tuy nhiên, chúng sẽ có những tác động nhất định làm cho những bước đi tiếp theo của Trung Quốc bớt “hung hăng”.

Về lâu dài, việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 chưa phải là hành động mang tính cuối cùng, cao trào mà chỉ là một trong những bước đi nằm trong chuỗi tham vọng bá chủ của Trung Quốc. Vì thế, tôi nghĩ nước này sẽ đẩy căng thẳng Biển Đông mỗi ngày một cao hơn cho đến khi họ thực hiện được mục tiêu làm chủ Biển Đông. Trung Quốc sẽ theo đuổi tham vọng của họ qua nhiều thập kỷ.Thế giới, đặc biệt là Việt Nam phải hiểu được những tham vọng, chiến lược, âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc để có hình thức đấu tranh phù hợp.

Phía Trung Quốc tuyên bố dự tính sẽ rút giàn khoan vào ngày 15/8. Theo ông, khả năng này liệu có xảy ra?

Theo tôi, trong vụ việc đặt giàn khoan này, ngoài ý định “thăm dò nguồn tài nguyên” như nước này tuyên bố trước đó, Trung Quốc còn nhằm nhiều mục đích khác mà có lẽ mục tiêu chính trị là quan trọng nhất.

Sẽ có hai khả năng xảy ra. Một là, Trung Quốc sẽ cho rút giàn khoan Hải dương 981 vào ngày 15/8 nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ để lại dấu ấn, đánh dấu một vùng “chủ quyền” tự xưng là của họ, ngăn cản Việt Nam và các nước khác tiếp cận khu vực này.

Hai là, có khả năng Trung Quốc đưa giàn khoan tiến sâu xuống vùng biển phía Nam thậm chí vào sâu hơn trong khu vực thềm lục địa và vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam, hoặc là sẽ hạ đặt tại một vị trí đan cài giữa các đảo thuộc quần đảo trường Sa của Việt Nam. Trong những trường hợp đó tình hình hình sẽ còn gây nguy hiểm và căng thẳng hơn nhiều…

Vậy theo ông đâu sẽ là giới hạn cuối cùng của chúng ta?

Việt Nam là một nước yêu chuộng hòa bình nhưng sự chịu đựng nào cũng có giới hạn nhất định. Chúng ta không “đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy tình hữu nghị viễn vông”. Nếu Trung Quốc ép Việt Nam đến một mức độ giới hạn nào đấy, Việt Nam sẽ không loại trừ khả năng sẽ dùng đến biện pháp cứng rắn nhất.

Tuy là một đất nước nhỏ bé nhưng Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục trước các thế lực xâm lăng. Trong những lúc đất nước lâm nguy thì sức mạnh đoàn kết dân tộc luôn được vận dụng tối đa. Cả 90 triệu người dân đất Việt và Việt kiều tại nước ngoài sẽ cùng đồng lòng, tạo nên một sức mạnh đoàn kết, thống nhất bảo vệ thắng lơi chủ quyền dân tộc. Không một tham vọng và thủ đoạn thâm độc nào, không một loại vũ khí hiện đại nào có thể thắng được một dân tộc đoàn kết nhất trí trong cuộc đấu tranh vì sự sống còn của họ.

Hà Trang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP