Nhóm nghiên cứu cũng thực hiện đo đạc 13 mặt cắt từ biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Thừa Thiên Huế ở các thời điểm khác nhau. Các dữ liệu đang được phân tích trong phòng thí nghiệm. “Khoảng cuối tháng 7, Hội đồng sẽ công bố kết quả và đây sẽ là cơ sở các nhà quản lý và khoa học trả lời khi nào biển an toàn và đưa ra các phương án khắc phục môi trường biển”, ông Lợi thông tin.
Bên cạnh đánh giá mức độ ô nhiễm, theo tiến sĩ Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập tài nguyên nước và môi trường, Việt Nam cần khảo sát mức độ bị hủy hoại môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Việc này sẽ giúp nhà quản lý hoạch định kế hoạch sát thực nhất, như nơi nào có thể để môi trường tự làm sạch và tự phục hồi, vùng nào cần sự hỗ trợ của con người và khu vực nào hoàn toàn phải phục hồi nhân tạo, không thể chỗ nào cũng “làm sạch biển, trồng san hô”.
“Phương pháp đánh giá ô nhiễm nên làm thông qua phân lô, lấy mẫu, phân tích. Còn về mức độ hủy hoại thì nên tính phần trăm số sinh vật biển bị hủy hoại tại chỗ và mật độ sinh vật biển có trong hiện trạng”, tiến sĩ Trường nói.
Cá chết nổi trên mặt nước do hoạt động xả thải ô nhiễm. Ảnh: VAST. |
Các phương án khôi phục môi trường biển
Nếu kết quả khảo sát hàm lượng chất độc trong biển không còn nhiều, giới khoa học cho rằng, theo thời gian biển có thể tự làm sạch. Tiến sĩ Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường nhận định, trầm tích dưới biển tự nhả hấp thụ độc tố và các chất này sẽ di chuyển từ nơi nồng độ cao sang thấp. Ở môi trường biển, độc tố sẽ dần dần hòa tan và giảm đi với điều kiện không có thêm hoạt động xả thải ô nhiễm khác.
Đồng quan điểm, theo một chuyên gia, xyanua có thể tồn tại từ 3 đến 5 năm trong môi trường biển, nhưng thông qua quá tình khuếch tán, chất độc sẽ xâm nhập vào bùn đáy. Khi nước sạch tới, chất độc từ bùn đáy sẽ khuếch tán trở lại, được nước biển mang đi và pha loãng, nên mức độc không đáng kể. Phenol thời gian phân hủy ngắn hơn chỉ trong 1 đến 2 tuần. “Vì vậy tôi vẫn hy vọng về khả năng tự nhiên tự làm sạch của biển”, ông này nói. Về khả năng phục hồi san hô, chuyên gia này cho rằng nếu quản lý biển ven bờ tốt, trứng san hô từ vùng khác sẽ tới để phát triển.
Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang cho biết, bên cạnh phục hồi tự nhiên thì có thể trồng mới san hô, từ đó tạo môi trường thuận lợi để cá và các sinh vật khác phát triển. Ấu trùng của cá ở vùng sinh sản nhiều sẽ di chuyển đến và phát triển.
Tuy nhiên để giải pháp phục hồi tự nhiên và nhân tạo trở thành hiện thực, các nhà khoa học đều có chung nhận định là biển phải không tiếp nhận thêm chất thải hay tác động từ hoạt động đánh bắt của con người, nếu không các chất độc sẽ tiếp tục cộng hưởng, môi trưởng biển tiếp tục ô nhiễm.
“Dù áp dụng phương pháp hay công nghệ nào trong xử lý môi trường biển, thì quan trọng vẫn là quản lý khai thác nguồn lợi từ ngư dân và hệ thống xả thải từ hoạt động của con người ra biển”, tiến sĩ Vũ Thành Ca (Tổng cục biển và hải đảo) nói.
Vị này phân tích, nếu không có hành động xả thải gây thảm họa môi trường của Formosa, thì thực tế vùng biển miền Trung đã bị ô nhiễm do hoạt động đánh bắt hải sản trái phép bằng xyanua từ trước. Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam năm 2010 cho thấy, hàm lượng trung bình xyanua tại ven biển miền Trung từ Đèo Ngang tới Quy nhơn đã vượt mức cho phép, nhất là trong năm 2007 và 2008 chất này tại Sa Huỳnh lớn hơn 2 lần mức cho phép.
Không chỉ bằng xyanua, việc sử dụng thuốc nổ, giã cào để đánh bắt cá của ngư dân khiến môi trường biển bị tàn phá, rặng san hô bị hủy diệt nghiêm trọng.
San hô ở khu vực hòn Sơn Chà (Thừa Thiên Huế) chết trắng. Ảnh: VAST. |
Để hệ sinh thái biển nói chung, san hô nói riêng phục hồi nhanh, các chuyên gia đề nghị Việt Nam cần triệt để cấm đánh bắt cá bằng các hình thức hủy diệt và đánh bắt cạn kiệt, trong đó có các loài có lợi cho san hô như cá dìa, cá mó… Bên cạnh đó cần quản lý chặt Formosa và các công ty có hệ thống xả thải ra biển.
“Chúng tôi từng tái tạo san hô, nhưng sau một năm không còn gì cả, vì ngư dân đánh mìn khai thác nguồn lợi thủy sản”, ông Tuấn cảnh báo và nhấn mạnh đến ý thức bảo vệ môi trường của con người là điều kiện tiên quyết để giữ sinh cảnh san hô, đầm phá cửa sông. “Formosa là sự cố cấp tính, còn việc suy thoái môi trường biển là mãn tính”, ông Tuấn nói.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế khiến đời sống người dân 4 tỉnh miền Trung lao đao. Để tìm nguyên nhân, 7 bộ ngành cùng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc. Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra sơ bộ, khoanh vùng hai nhóm nguyên nhân là độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã mời chuyên gia từ Đức, Mỹ, Israel tham gia điều tra nguyên nhân cá chết, đồng thời lập đoàn liên ngành gồm đại diện các bộ và địa phương tổng kiểm tra Khu kinh tế Vũng Áng, nơi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, có hệ thống ngầm xả thải ra biển. Ngày 30/6, Formosa đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa cá chết và cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường. |