Tuỳ bút Quê hương

Chuyên án K50 và gần 1600 ngày dùng địch đánh địch

K50 là chuyên án đặc biệt của công an Hà Tĩnh trong những năm đánh Mỹ, thực hiện “trò chơi” nghiệp vụ: dùng biệt kích Mỹ – Ngụy đánh Mỹ – Ngụy kéo dài suốt 4 năm 2 tháng. Địa điểm hoạt động của chuyên án là đồi 931 (bắc đường quốc lộ 8) sát với biên giới Việt – Lào và các xã Sơn Kim, Sơn Hồng, Sơn Lĩnh, thuộc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh)…

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh là một trong những địa bàn trọng điểm đánh phá ác liệt nhất. Ngoài các tuyến đường đã đi vào huyền thoại như: Đồng Lộc, Khe Giao, Đèo Ngang, Linh Cảm… thì con đường quốc lộ số 8 bắt nguồn từ ngã ba Bãi Vọt lên biên giới Việt – Lào, nối liền với các nhánh của đường mòn Hồ Chí Minh cũng là một mục tiêu bắn phá hàng đầu của không lực Hoa Kỳ. Tuy nhiên suốt từ những năm 1967-1971 tuyến đường này máy bay Mỹ rất hạn chế không kích; tạo ra nhiều thuận lợi lớn cho cuộc chiến chống giặc giữ nước của quân dân Hà Tĩnh, góp phần cùng các tuyến đường khác “thông suốt” chi viện cho chiến trường Miền Nam đánh thắng giặc Mỹ. Có được điều này là bởi nhờ thành công của chuyên án K50 kéo hơn 4 năm của lực lượng an ninh Công an Hà Tĩnh….


Cuộc đổ bộ bất thành của nhóm “Hadley”


18h, ngày 25/1/1967, một nhóm biệt kích Ngụy đã đổ bộ xuống dãy đỉnh Giăng Màn thuộc xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Sau khi tiếp đất, chúng liền men theo một đường mòn nhỏ trong rừng đi bộ liền 3km thì ngủ qua đêm, sáng hôm sau lại tiếp tục đi sâu vào rừng khoảng hơn 2km nữa, chọn địa điểm ở lại cố thủ. Sang 15h, ngày 27/1/1967 nhóm biệt kích đã bị Bộ đội biên phòng và dân quân địa phương phát hiện, truy đuổi. Bọn chúng vừa chống trả quyết liệt vừa tìm đường vượt biên giới sang Lào, song đến 15h, ngày 04/02/1967 toàn bộ toán biệt kích đã bị bắt gọn.


Toàn bộ 11 tên trong toán biệt kích “Hadley” đã bị dẫn giải ngay về Sở chỉ huy dã chiến ở thôn Trung Lĩnh, xã Sơn Lĩnh, Hương Sơn để đấu tranh khai thác. Tại đây, tên toán trưởng Lê Văn Ngung và đồng bọn đã khai nhận: bọn chúng nhảy dù xuống để nhằm thu thập tin tức về đường chuyển vũ khí, đạn dược và hành quân của bộ đội ta, các kho tàng, bến bãi, cầu phà trên tuyến quốc lộ số 8 từ Hà Tĩnh sang Lào…


K50 – gần 1600 ngày đấu trí căng thẳng


Mười ngày, sau khi tiến hành đấu tranh, khai thác nhóm biệt kích, được sự hỗ trợ của Bộ Công An, Công an Hà Tĩnh đã thành lập chuyên án K50 thực hiện “trò chơi” nghiệp vụ: dùng biệt kích Mỹ – Ngụy đánh Mỹ – Ngụy kéo dài suốt 4 năm 2 tháng.


Cụ Lê Quang Niêm – nguyên trưởng ty công an Hà Tĩnh, người trực tiếp chỉ đạo chuyên án nhớ lại: tổ chuyên án gồm 7-9 đồng chí làm nòng cốt, ngoài ra còn có một tiểu đội mạnh từ 13-17 đồng chí được trang bị vũ khí, khí tài, các phương tiện khác phối hợp trong suốt quá trình đấu tranh chuyên án. Địa điểm hoạt động của chuyên án là đồi 931 (bắc đường quốc lộ 8) sát với biên giới Việt – Lào và các xã Sơn Kim, Sơn Hồng, Sơn Lĩnh.


Sau khi quyết định giữ lại 2 tên điệp báo viên là Nguyễn Thế Khoa và Phan Viết Phúc để phục vụ đấu tranh chuyên án. Ban chuyên án liền xây dựng kế hoạch bắt liên lạc với Sở chỉ huy Trung tâm tình báo Sài Gòn. Đây là một công việc hết sức cam go, nhạy cảm nó quyết định thành bại của chuyên án nên hầu hết toàn bộ ban chuyên án phải “vắt óc” chuẩn bị kỹ các tình huống giả tạo phù hợp với quy luật hoạt động và nhiệm vụ được giao của một toán gián điệp biệt kích ở trên đất “Bắc cộng” để báo cáo về trung tâm chỉ huy của chúng.


Cụ Võ Hữu Duyệt – Nguyên trưởng phòng Bảo vệ chính trị, người trực tiếp tham gia từ đầu đến cuối chuyên án vẫn chưa hết hồi hộp khi kể lại với tôi về cuộc điện đàm đầu tiên của toán “Hadley” với tổng đài Trung tâm chỉ huy tình bào Sài Gòn: lúc ấy là 9h 15 phút ngày 28/02/1967. Tất cả ban chuyên án nín thở tập trung tại phòng máy, hai tên điệp báo viên cũng tỏ ra hết sức lo lắng, mất bình tĩnh khiến cán bộ ta phải động viên nhắc nhở, cố gắng làm thật tốt để hưởng lượng khoan hồng. Đến giờ theo quy ước, sau ít phút thao tác kỹ thuật, liên lạc đã thông suốt. “Hadley” báo có điện chuyển đi, Trung tâm chỉ huy tình báo Sài Gòn chấp nhận. Bức điện đi “báo cáo” với Sài Gòn là khi đổ bộ xuống bị bộ đội Bắc Việt truy kích, nay mọi việc an toàn nên mới lắp máy liên lạc, “Hadley” lấy tọa độ X (bản đồ 48E Phố Châu) lập căn cứ hoạt động của toán…. cuộc liên lạc diễn ra khoảng 30 phút, thông suốt, an toàn.


Và cứ thế, trong suốt thời gian đấu tranh chuyên án từ tháng 02/1967 – 04/1971 gần 1.600 ngày, theo quy định: mỗi ngày “Hadley” phải mở máy liên lạc một chiều để nhận điện đi (nếu có), hai ngày có một phiên liên lạc hai chiều để nhận điện đi và điện đến (nếu có), tổng cộng đã có gần 1.600 phiên liên lạc một chiều và 800 phiên liên lạc hai chiều vừa … hồi hộp, vừa … an toàn, thông suốt, không hề có một sự cố xẩy ra trong suốt 4 năm 2 tháng !


Nội dung các bức điện được trả lời theo yêu cầu của Trung tâm tình báo Sài Gòn, trong đó khoảng 50% tin giả tạo, 40% tin bình thường như: đời sống KT-XH, nghề nghiệp của cư dân địa phương, hoạt động của toán “Hadley”, 10% tin thật phục vụ công tác nghiệp vụ đánh lừa địch… Điều đáng nói là để không sai sót, sơ hở toàn ban chuyên án hầu như lúc nào cũng phải căng óc ra làm việc, phải luôn tạo ra các tình huống nghiệp vụ để đánh lừa địch là rất khó khăn, phức tạp, cần phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều lực lượng và nhiều khi phải hy sinh một vài lợi ích khác để phục vụ cho “đại cục”.


Cụ Võ Hữu Duyệt vẫn còn nhớ như in các tình huống nghiệp vụ đánh lừa địch trong suốt quá trình triển khai chuyên án. Như để đáp ứng yêu cầu cầu của Trung tâm chỉ huy tình bào Sài Gòn về điều tra kho tàng, bến bãi. Thế là kho tàng, bến bãi của Đội 11 Lâm Trường Hương Sơn đã được dời dọn, chỉ để lại một số xe cộ hư hỏng, lán trại lẩn khuất trong rừng, vài thùng phuy xăng, dầu… Quả nhiên, vài ngày sau khi dời dọn khu vực này liên bị máy báy Mỹ ném bom, bắn phá nhiều lần.


Hay như để đáp ứng yêu cầu của Sài Gòn về điều tra con đường di chuyển vào Nam của “chiến xa Bắc Việt” thế là một đoạn đường khoảng 2 km từ Ngã Đôi (Sơn Lĩnh) xuyên vào dãy Trường Sơn đi qua khu rừng rậm rạp đã được hình thành, ban đêm xe xích của Lâm Trường Hương Sơn chạy đi chạy lại nhiều lần tạo nên nhiều dấu vết, nhiều lán trại lấp ló dọc tuyến đường, hơn chục thùng phuy xăng dấu ven đường, vài xe xích bị hỏng được ngụy trang so sài…


Ngay sau khi Sài Gòn nhận được tin báo của “Hadley” về phát hiện thấy tuyến đường di chuyển của “chiến xa Bắc Việt”, máy bay Mỹ liền ồ ạt ném bom xuống tuyến đường này, xăng bốc lửa lên cao, xe xích bị hỏng cháy rụi khiến cho bọn giặc lái hết sức… tin tưởng, vui mừng thắng lợi, ngay hôm sau toán “Hadley” còn nhận được điện khen và hứa tặng thưởng lớn.


Trong hơn 4 năm đấu tranh chuyên án, chúng ta còn nhận được 10 lần tiếp tế bằng máy bay với hàng chục tấn hàng về vũ khí, khí tài, đồ dùng cá nhân, thư từ, lương thực, thuốc men..


Đến tháng 4/1971, “Hadley” nhận được điện của Sài Gòn lệnh di chuyển theo hướng Tây – Nam để sang Lào. “Hadley” điện báo cáo chấp hành mệnh lệnh, nhưng trên đường rút lui sang đất Lào bị bội đội hai nước phát hiện, truy lùng ráo riết.


Sau đó một thời gian, Đài phát thanh Pha-Thét (Lào) đưa tin: quân dân các bản ở tỉnh Bôlykhămxây đã bắt được toán gián điệp biệt kích của Mỹ – Ngụy Sài Gòn, đồng thời trưng bày một số hiện vật của toán “Hadley”. Chuyên án K50 kết thúc.


35 năm sau ngày đất nước sạch bóng quân thù và gần 40 năm sau khi chuyên án kết thúc, những nhân chứng của một chuyên án không có máu đỏ, không trực tiếp siết cò súng nhưng lại đầy căng thẳng, cam go và hết sức mong manh giữa thành công và thất bại của cuộc đấu trí kéo dài tới 4 năm 2 tháng ngoại trừ một số ít đã mất thì hiện vẫn còn khá đủ. Họ là: Lê Quang Liêm, Võ Hữu Duyệt, Nguyễn Tâm Nhuận (đã mất), Phan Thanh Cao (đã mất), Phan Nguyên Trĩu, Trần Bằng, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Văn Tuy…

Chuyên án K50 và gần 1600 ngày
 dùng địch đánh địch

Cụ Võ Hữu Duyệt (thứ nhất), Lê Quang Niêm (thứ 4) từ trái sang và đồng đội xưa trò chuyện cùng lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh (tháng 3/2010) Ảnh: Mai Hoàng

Họ là một thế hệ tiêu biểu của Công an Hà Tĩnh nói riêng và lực lượng công an nhân dân nói chung. Nhờ có K50, nhờ có họ mà trong một vùng rộng lớn từ tuyến đường 8, đặc biệt là vùng Hương Sơn đã không hề bị địch oanh kích trong một thời gian khá dài, các lực lượng của ta ở những nơi này đã được bảo vệ an toàn góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ.

Trong thời kỳ chống Mỹ, Công an Hà Tĩnh đã lập án đón chặn, bắt giữ 20 vụ/23 vụ gián điệp biệt kích, bắt giữ hàng chục tên, thu hàng chục tấn hàng hoá, phương tiện điện đài, vũ khí, chất nổ. Từ năm 1964- 1973, Công an Hà Tĩnh cũng đã chi viện cho chiến trường Miền nam 123 đồng chí, nhiều đồng chí đã lập công xuất sắc, 52 đồng chí đã anh dũng hy sinh, trong đó có 22 đồng chí đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt…

Mai Hoàng

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP