Tuỳ bút Quê hương

Bàn về khai thác sử liệu trong "Khoa bảng Nghệ An“

"Khoa bảng Nghệ An“[1] được sở Văn hóa thông tin – Thư viện Nghệ An xuất bản năm 2000 và „đã được đông đảo bạn đọc và nhân dân trong tỉnh đón nhận, coi như một món quà văn hóa tinh thần trân trọng. Có dòng họ đã tìm bằng được cuốn sách để đặt lên bàn thờ tổ tiên, hoặc để trong tủ sách quý của dòng họ“ (theo „Cẩn bạch“ của tác giả).

Do vậy, cuốn sách đã được Nhà xuất bản Nghệ An tái bản vào năm 2005 và được tặng thưởng giải nhất „Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An“ năm 2009. Gần một trăm sử liệu chính cùng với „một số báo, tạp chí, gia phả các dòng họ lớn ở Nghệ An“[1] đã được tác giả lựa chọn để khai thác phục vụ cho công tác biên soạn cuốn sách. Và tác giả đã thành công. Hơn năm trăm trang sách đã cung cấp khá đầy đủ cho bạn đọc một cách nhìn tổng quát, toàn diện nhưng cũng khá chi tiết, cụ thể về lịch sử khoa bảng, truyền thống khoa bảng và truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của xứ Nghệ nói chung và của các địa phương, các dòng họ ở Nghệ An nói riêng. Các vấn đề được lựa chọn, sắp xếp có chủ định rõ ràng và trình bày hợp lí ở phần một: Truyền thống khoa bảng Nghệ An, nhất là ở chương II: Văn miếu và trường thi ở Nghệ An và chương IV: Dòng họ khoa bảng ở Nghệ An cũng như một số tư liệu ở phần phụ lục đã cung cấp cho người đọc những thông tin đáng quý và bổ ích cũng như sự thuận tiện khi cần tra cứu, tham khảo.


Tuy vậy, điều băn khoăn của người đọc là các tiêu chí phân loại gần một trăm sử liệu chính nói trên, phương pháp và nguyên tắc khai thác các sử liệu đó để từ đó quyết định các nội dung đưa vào cuốn sách, nhất là đối với phần hai „Danh mục đăng khoa“ và từ đó, đưa ra các nhận định với các số liệu thống kê liên quan. Nhất là khi mà các số liệu, tư liệu các thông tin liên quan đến các vị đăng khoa này đã và sẽ „như một món quà văn hóa tinh thần“ đối với người đọc và cao hơn nữa, như những báu vật tâm linh „để đặt lên bàn thờ tổ tiên, hoặc để trong tủ sách quý của dòng họ“ như tác giả đã „Cẩn bạch“ thì yêu cầu về độ tin cậy của chúng là không thể xem nhẹ. Liệu những tư liệu, số liệu, những thông tin này có đủ độ tin cậy? Sở dĩ có sự băn khoăn này vì khi tiếp cận các vấn đề liên quan được cung cấp trong cuốn sách, có thể nhận thấy một số nội dung dường như chỉ là ý kiến chủ quan của tác giả hoặc chỉ là sao chép sử liệu, tài liệu của các tác giả khác do không được dẫn nguồn hoặc phân tích, đánh giá. Mặt khác, người đọc không có điều kiện để kiểm chứng những nội dung, những khẳng định, những tư liệu, thông tin được trình bày này. Các số liệu xử lí thống kê dựa trên những nội dung được khẳng định do đó cũng không nhất quán. Dưới đây, xin được làm rõ những băn khoăn nêu trên nhưng cũng xin được giới hạn trong phạm vi các vấn đề liên quan đến các vị đại khoa đã được đề cập trong cuốn sách.


Xin được bắt đầu bằng các số liệu thống kê số lưọng người Nghệ An đậu đại khoa (tiến sĩ, phó bảng) từ 1075 đến 1019. Đầu tiên, tác giả cho biết: „Theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919 thì Nghệ An có 152 vị đậu đại khoa“ (trang 133) nhưng „Ở Nghệ An còn có 45 vị đậu đại khoa các khoa chính, Ân khoa… nhưng vẫn chưa có trong danh sách khoa bảng của nhà nước. Đối với các vị này, chúng tôi sẽ đưa vào phần bổ di sau phần chính thức các vị có tên trong sách khoa bảng Việt Nam“ (trang 134). Đến đây, có thể tính được tổng cộng Nghệ An có (152 + 45) = 197 vị đậu đại khoa từ 1075 đến 1919.


Thế nhưng, tiếp đó, thống kê „các khoa có người Nghệ An đậu và số người đậu của từng khoa“ (trang 134) lại cho kết quả tổng cộng là: 3 (triều Trần) + 57 (triều Lê, nhưng thực chất đã bao gồm cả triều Mạc, ví dụ năm Nhâm Thìn, Đại Chính 3) + 85 (triều Nguyễn) = 145 vị. Ngay sau con số thống kê này, tác giả nhắc lại: „Ngoài ra ở Nghệ An còn có 45 vị đậuTiến sĩ ở 35 khoa nữa chưa xác định được khoa thi, năm thi hoặc chưa có sách đăng khoa nhà nước ghi nhận“ (trang 138). Vậy theo thống kê này thì Nghệ An chỉ có (145 + 45) = 190 vị đậu đại khoa từ 1075 đến 1919.


Tuy vậy hai con số 197 hoặc 190 nêu trên chỉ là là kết qủa thống kê chung, còn số lượng tổng cộng theo danh mục đại khoa chi tiết kể cả bổ di và các khoa Hoành từ, Sĩ vọng, Đông các cũng như chưa rõ khoa đậu (trang 191 đến 235) cho kết quả là Nghệ An lại chỉ còn (138 + 17 + 34) = 189 vị đậu đại khoa, trong đó có 155 vị được tác giả xếp vào diện đã được khẳng định. Nhưng con số 155 vị này cũng lại không nhất quán so với „Theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919 thì Nghệ An có 152 vị đậu đại khoa“ như tác giả cho biết trước đó và việc có thêm 3 vị cũng không được làm rõ. Vậy thì con số „chính thức các vị có tên trong sách khoa bảng Việt Nam“ là con số nào? 152 hay 145 hay 155?


Theo như Lời nói đầu của lần in ấn thứ nhất thì người biên soạn đã „dựa vào các công trình: Quốc triều Hương khoa lục, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 1993; Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb Văn học 1993; Những ông Nghè ông Cống triều Nguyễn, Nxb Văn hóa thông tin, 1995. Đây là ba công trình biên dịch và biên soạn một cách đầy đủ và công phu về các nhà khoa bảng Việt Nam“[1]. Thật ra thì tác giả đã không chỉ dựa vào ba công trình như Lời nói đầu đã cho biết để đưa ra danh sách các vị đậu đại khoa người Nghệ An để từ đó tiến hành xử lí thống kê mà còn đối chiếu và căn cứ vào các nguồn sử liệu khác để thay đổi các thông tin liên quan và bổ sung thêm các vị khác. Tuy vậy, các cứ liệu và thuyết minh cho việc thay đổi, thêm bớt số lượng nói chung cũng như thông tin của từng vị Tiến sĩ nói riêng chưa đủ thuyết phục.


Phần hai của cuốn sách được đặt tên là „Danh mục đăng khoa“. Phần này không được đánh số chương mục nhưng theo cỡ chữ in cho từng chuyên mục thì có 5 tiểu mục gồm „Danh mục đại khoa“; „Phần bổ di danh mục tiến sĩ“; „Danh mục đại khoa Hoành từ – Sĩ vọng – Đông các và chưa rõ khoa đậu“; „Danh mục Cử nhân tiều Nguyễn và „Danh mục Hương cống các huyện“. Sau đây, chỉ xin được bàn đến các vấn đề liên quan đến các vị đại khoa được trình bày trong 3 tiểu mục đầu tiên.


Tiểu mục „Danh mục đại khoa“ với 138 vị Tiến sĩ có thứ tự từ 1 đến 138 (trang 191 đến trang 223) đã không hề được tác giả dẫn nguồn hay ít nhất có vài dòng dẫn nhập để chỉ ra danh sách này cũng như tiểu sử, công tích của từng vị được tóm tắt ở đây đã được căn cứ vào các nguồn sử liệu nào, tiêu chí các thông tin được cung cấp ra sao. So với [2] thì đã có những sửa đổi, bổ sung, thêm bớt đối với tên tuổi, quê quán, công tích của một số vị nhưng những thay đổi này cũng không được lí giải cả về nguồn sử liệu cũng như tiêu chí thay đổi. Đó là Bùi Hữu Nhẫm với thông tin được đưa thêm: „Con cháu nhiều người đỗ đạt, làm quan“ nhưng không cho biết đưa vào thông tin này với mục đích gì, theo tiêu chí như thế nào là „nhiều người đỗ đạt“, như thế nào là „làm quan“ và với các vị khác thì có xem xét để đưa vào tiêu chí này không?. Đó là Bùi Hữu Tụy theo [2] là „Thừa chỉ bộ học“ thành „Thừa chỉ bộ Lại, Lang trung bộ Lại“. Đó là Cao Xuân Tiếu có „hàm Trước tác“ theo [2] thành „hàm Tước tác“ và ghi thêm „Sau thăng đến Thượng thư, sung Biên tu Sử quán“. Hàn lâm viện Trước tác, Hàn lâm viện Biên tu thời nhà Nguyễn có hàm Chánh thất phẩm, Tòng Lục phẩm, thế mà đã thăng đến Thượng thư rồi lại còn sung Biên tu Sử quán!. Đó là Dương Thúc Hạp „đỗ Ân khoa Giáp Thân – Phúc Kiến 1(?)“. Đó là Bùi Sĩ Tuyển được chua thêm „hay Bùi Đình Tuyển“ và còn cho biết thêm „40 tuổi đậu Tú tài, được bổ chức Hồng lô“. Hồng lô là chức gì? Trong hệ thống tổ chức của các triều đại phong kiến nước ta trước đây, Hồng lô là tên gọi của một trong sáu Tự (như Đại lý Tự, Hồng lô Tự, Thượng bảo Tự …), thường gọi là lục tự, tương tự như lục bộ nhưng phẩm hàm „Khanh“ của những người đứng đầu các Tự thấp hơn „Thượng thư“ đứng đầu các bộ. Bùi Sĩ Tuyễn được thăng hàm Hông lô Tự khanh vào năm 1862, lúc ông đã 62 tuổi [2], sao lại có thể „40 tuổi đậu Tú tài được bổ chức Hồng lô“? Rồi lại còn „Sung Sử quán toàn thư“. Toàn thư là chức gì?. Còn Cao Huy Tuân thì lại lại có chức „Biên tu Sử quản(?)“. Với Lê Bá Hoan thì được chua thêm „hay Lê Bá Duy“. Trong khi đó, kí tự Hán của 2 cái tên riêng này khá giống nhau: (佳): Hoan; (唯): Duy. Tương tự, với Đinh Nhật Thận, cũng được thêm vào „hay Viết Thận“. Kí tự Hán của chữ Nhật và Viết cũng rất giống nhau. Hơn nữa, trong khi khá nhiều thông tin về vị này được cung cấp trong [2] không được đưa vào thì tác giả lại buông một câu lạnh lùng „Làm quan Tri phủ, can tội bị cách“. Còn đối với Chu Tất Thắng, thì được thêm vào „có sách ghi là Tống Tất Thắng“ và sửa cụm từ „Chết trong quân (khi đánh Bồn Man)“ [2] một cách tùy tiện và phi lịch sử thành “Chết khi đánh giặc Man“. Sao lại gọi Bồn Man, một tiểu quốc người Thái trước đây, một cách miệt thị theo kiểu của một đại bá như vậy?


Tiếp theo là „Phần bổ di danh mục tiến sĩ“ (từ trang 224 đến 228) nhưng lại được giải thích là „Các đại khoa quê gốc Nghệ An đi lập nghiệp nơi khác và từ nơi khác đến lập nghiệp ở Nghệ An“. Bổ di có nghĩa là „phần bổ sung những điểm sót“; „phần thêm của người sau vào trước tác đời trước“… Trong khi đó, mặc dù không nói rõ nhưng danh sách 17 vị này đều được chép từ [2]và tác giả chỉ phân loại và làm rõ theo tiêu chí „quê gốc Nghệ An đi lập nghiệp nơi khác và từ nơi khác đến lập nghiệp ở Nghệ An“. Như vậy thì chỉ có thể là bổ di quê quán, nguyên quán… chứ đâu phải là „bổ di danh mục tiến sĩ“? Mà ngay cả việc bổ di quê quán hay nguyên quán này cũng không được chú thích hay dẫn chú là căn cứ vào những nguồn sử liệu nào. Chưa kể còn có một số thay đổi nhỏ khác như tên riêng của Tiến sĩ „Trần Văn Triêm“ trong [2] được tác giả đổi thành „Trần Văn Chiêm“ nhưng cũng không được lí giải. Đây không phải là vấn đề phát âm của người miền Trung và miền Bắc vì tên riêng của các vị Tiến sĩ trong các nguồn sử liệu đều được viết bằng chữ Hán.Ý nghĩa cũng như kí tự Hán của hai cái tên riêng này hòan toàn khác nhau. Chính vì vậy khi viết bằng tiếng Việt tên họ của các vị đại khoa, trong [2] đã phải ghi cả bằng chữ Hán.


Sau phần „bổ di“ là „Danh mục đại khoa Hoành từ – Sĩ vọng – Đông các và chưa rõ khoa đậu“ gồm 34 vị từ số 156 đến 189, được lập thành một tiểu mục riêng, cỡ chữ như hai tiểu mục trước đó. Đúng ra, đây mới là danh mục có ý nghĩa như là danh mục bổ di, hay đúng hơn là biệt lục (xem mục lục ở cuối sách thì có thể coi tiểu mục thứ ba này thuộc mục „bổ di“. Nhưng do cách trình bày không đánh số thứ tự chương mục và cách sử dụng cỡ chữ nên khi lần lượt đọc các trang sách, người đọc sẽ hiểu đây là tiểu mục riêng). Việc khai thác sử liệu trong tiểu mục này cũng còn nhiều vấn đề. Dưới đây, xin được lần lượt bàn thêm xung quanh một số vị đã được ghi chép trong tiểu mục này.


Đối với nhân vật số 157, tác giả cho biết „Chu Dy Hiến (1555 – ?) Xã Đông Liệt, huyện Thanh Chương. Đậu Hội Nguyên, ân khoa Kỷ Sửu – Hưng Trị 2 (1589). Làm quan đến Hữu thị lang Thượng tướng quân, Giám sát ngự sử Đề hình thập tam đạo. Đặc tiến phụ quốc, Cẩm y vệ đô chỉ huy sứ, phong tước hầu“ và ghi chú là „Theo gia phả họ Chu xã Thanh Lương, và văn bia cầu sông Cương, trong sách chữ Hán „Hoan châu bi ký“. Năm Kỷ Sửu (1589), cả nhà Lê (Lê Thế Tông – Quang Hưng 12) và nhà Mạc (Mạc Mậu Hợp – Hưng Trị 2) đều có khoa thi Hội. Nhà Lê lấy đỗ 4 Tiến sĩ và nhà Mạc lấy đỗ 17 Tiến sĩ và không có ai là Chu Dy Hiến. Liệu có thể có thêm „ân khoa“ do nhà Mạc tổ chức cùng năm đó không? Nếu khẳng định là có thì phải được chỉ rõ theo nguồn sử liệu nào. Sắc phong của vua Thành Thái năm thứ 6 (1894) còn được lưu giữ ở nhà thờ họ Chu ghi rõ chức tước của ông là: „Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Đề hình thập tam đạo Giám sát ngự sử, Hữu Thị lang, Văn Thụy hầu, nay phong tặng Dực bảo Trung hưng đại vương“. Những chức tước này còn được khắc „trên long ngai“ đặt ở Thượng điện của nhà thờ này thành „hàng chữ nổi bằng vàng“[4]. Những chức tước được nói đến trong sắc phong này sao không thấy nói đến học vị Tiến sĩ của ông?. Và cũng theo [4] thì khi chép về Chu Dy Hiến có ghi là „Năm sinh chưa rõ“ và các chức tước của ông là „Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Nghệ An đẳng xứ, Tán trị Thượng tướng khanh trung giai, Đề Hình thập tam đạo, Giám sát ngự sử, Văn thụy tử. Đến năm Vĩnh Tộ thứ 1 (1619) được phong tặng Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Đề hình thập tam đạo Giám sát ngự sử Văn Thụy hầu. Năm Đức Long 1 (1629) được gia phong chức Hữu Thị lang Văn Thụy hầu“. Còn bản dịch „Văn bia cầu sông Cương“ do chính tác giả cung cấp thì chỉ ghi rằng: „…Bản xã có Đại sĩ đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, cẩm y vệ đô chỉ huy sứ đại hầu họ Chu…“ nhưng cũng chú thích „Chưa rõ ông họ Chu này là ai? Tiểu sử ra sao?“[3]. Chỉ có người chép „Hoan châu bi ký“ đưa ra Tiểu dẫn viết rằng „…người nhà giàu họ Chu tên là Chu Dy Hiến, học giỏi, đỗ Tiến sĩ, làm quan to trong triều đã bỏ tiền ra giúp đỡ…“ nhưng cũng cho biết là „Bia không còn nên khó khảo tả“[3]. Như vậy thì chỉ có Tiểu dẫn của người sưu tầm chứ „Văn bia cầu sông Cương“ đâu có chép là Chu Di Hiến đỗ Tiến sĩ. Nếu đối chiếu và xem xét kỹ thì sẽ thấy rõ ràng là vị họ Chu“ trong „Văn bia cầu sông Cương“ không thể là ông Chu Dy Hiến. Mặt khác, cũng theo [4] thì chức tước của ông Chu Dy Hiến là „Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu“, là „Thượng tướng khanh“ chứ đâu phải là „đặc tiến phụ quốc“, là „thượng tướng quân“ như đã được ghi trong [3]. Còn chức „Cẩm y vệ đô chỉ huy sứ“ của ông họ Chu trong „Văn bia cầu sông Cương“ thì theo [4], ông Chu Dy Hiến không hề có. Như vậy thì năm sinh 1555 và những chức tước như „Đặc tiến phụ quốc, Cẩm y vệ đô chỉ huy sứ“ mà tác giả ghi thêm cho Chu Dy Hiến được căn cứ vào nguồn sử liệu nào khác nữa chăng? Còn nếu căn cứ vào [4] thì vị „Đại sĩ đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ đô chỉ huy sứ“ trong văn bia cầu sông Cương chỉ có thể là con trai cả của Chu Dy Hiến, tức là ông Chu Phụng Đức, vì theo [4] thì ông này có các chức tước như: „… Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ đô chỉ huy sứ…“. Nhân đây, xin được cung cấp thêm một câu chuyện có liên quan đến các nhà khoa bảng Nghệ An. Trên diễn đàn „Các nhà khoa bảng Thanh Chương“ của „Thanh Chương – Nghệ An Online“, một thành viên của diễn đàn đã đặt câu hỏi: „Có một người con khai khoa cho đất Thanh Chương yêu quí của chúng ta là Tiến sĩ, Thượng thư Bộ Hình: Đinh Bô Cương. Ông được vua Lê Thanh tông ngự bút thịnh tuyển. Thế mà tên ông lại không có ở bia nơi Văn miếu Quốc Tử Giám?“. Một thành viên khác đã trả lời thông qua việc trích dẫn Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép về sự kiện này là „ …(Nhà vua) hạ lệnh cho cử lấy mười người hiện làm quan trong kinh từ hàng ngũ phẩm trở xuống. Lúc ấy Thái bảo Lê Niệm cử Công khoa cấp sự trung Lương Thế Vinh; Đô đốc Trịnh Văn Sái cử Hội khoa cấp sự trung Đặng Thục Giáo; Thượng thư Trần Phong cử Thượng bảo tự khanh Dương [Tông] Hải . Nhà vua xem tờ tâu của bọn Lê Niệm, thấy những người được đề cử nhiều người làm quan không xứng với chức vụ, bèn lựa bỏ họ tên bọn Lương Thế Vinh, chỉ để lại tên hai người ở trong hàng tuyển cử, là: giáo thụ Nguyễn Nhân Tùy và Tri huyện Đinh Bô Cương.” và thành viên này kết luận „Chúng ta phải tôn trọng sự thật, không được tự gán mác TS cho các cụ“.


Tiếp theo là nhân vật số 170, được tác giả cho biết đó là: „Lê Thái Tuyên: (Trước có tên là Xuân Thần). Người Diễn Châu, đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Canh Thân – Vĩnh Trị 5, triều Lê Uy Mục, khoa lục Nam Đàn ghi người Tràng Cát, làm quan đến Tham chính. (Theo Đông Yên nhị huyện đăng khoa phổ)“. Năm Canh Thân, Vĩnh Trị 5 là năm 1680 thuộc triều vua Lê Hy Tông, làm gì còn triều vua Lê Uy Mục vì ông „vua quỷ“ này đã chết trước đó 171 năm, vào năm Kỷ Tỵ (1509). Khoa thi năm Canh Thân – Vĩnh Trị 5 được ghi lại trong nhiều nguồn sử liệu khác, kể cả [2], chứ không chỉ có Khoa lục Nam Đàn, đều cho biết trong số hai vị đỗ Hoàng giáp và 17 vị đỗ Tiến sĩ của khoa này đúng là có Hoàng Xuân Thì quê ở Nam Đàn, nhân vật đã được tác giả đưa vào „Danh mục đại khoa“ trước đó. Rất tiếc là khi trích giới thiệu „Đông Yên nhị huyện đăng khoa phổ“ (trang 139), tác giả đã không cho biết tài liệu này được ai soạn, soạn vào năm nào, độ tin cậy của nội dung tài liệu ra sao, nhưng với nội dung ghi chép nếu đúng như tác giả chép về nhân vật số 170 đã được dẫn ra ở trên thì rõ ràng có quyền được nghi vấn về độ tin cậy của bản khoa phổ này. Do vậy, có lẽ không nên đưa nhân vật số 170 này vào „Danh mục đại khoa Hoành từ – Sĩ vọng – Đông các và chưa rõ khoa đậu“ vì một người sẽ có thể được tính thành hai.


Và việc một người được tính không chỉ thành hai mà có thể thành …ba đã xảy ra . Đó là trường hợp nhân vật số 180- Nguyễn Thực và nhân vật số 183- Ngyễn Văn Quán ở mục này cùng với một nhân vật trước đó ở „Danh mục đại khoa“, nhân vật số 105 – Nguyễn Văn Thực. Cả ba người này đều cùng thi đỗ khoa Nhâm Thìn (1532). Có hai ông được ghi rõ là vào thời nhà Mạc, Đại Chính năm thứ 3 còn đối với ông Nguyễn Thực thì không ghi triều đại nào, nhưng có thể khẳng định là cũng vào năm Đại Chính 3, vì năm 1532 nhà Lê chưa khôi phục được vương triều. Ông Nguyễn Văn Thực và ông Nguyễn Thực đều người cùng xã Diễn Liên huyện Diễn Châu ngày nay, nhưng trước đây, tên xã của ông Nguyễn Văn Thực được ghi là Chiêu Vật, còn của ông Nguyễn Thực là Văn Vật. Riêng đối với ông Nguyễn Văn Quán thì tên xã trước đây cũng là xã Văn Vật, tổng Quỳ Trạch, nhưng nay lại là huyện Yên Thành và được chú thích là theo „Yên Thành đăng khoa lục“. Mà chữ Thực (實)và chữ Quán (貫)có kí tự Hán khá giống nhau. Trong khi đó, các „sách đăng khoa nhà nước ghi nhận“ như cách gọi của tác giả ghi chép về khoa thi Nhâm Thìn chỉ có tên ông Nguyễn Văn Thực mà tác giả đã đưa vào „Danh mục đại khoa“ có số thứ tự 105 (trang 215). Như vậy, hai ông Nguyễn Văn Quán và Nguyễn Thực trong danh mục đại khoa thuộc tiểu mục thứ ba thực ra là không có thực, không thể chép vào đây. Và thêm một lần nữa buộc phải đặt vấn đề về độ tin cậy của các loại khoa phổ, khoa lục cấp huyện.


Một nhân vật nữa cần phải được làm sáng tỏ là Chu Tất Thắng. Ngay từ phần một, mục „Tuổi đậu đại khoa“, (trang 154), tác giả đã khẳng định: „Hai người đậu tiến sĩ trẻ nhất (18 tuổi) là Chu Tất Thắng và Nguyễn Thiện Chương đều quê ở huyện Nam Đàn“. Còn ở „Danh mục đại khoa“, (trang 193, bản in lần thứ 2), được chép như sau: „Chu Tất Thắng (1488 – ?), có sách ghi là Tống Tất Thắng. Người xã Nam Hoa, nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn. 18 tuổi đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ khoa Ất Sửu – Đoan Khánh 1 (1505) đời Lê Uy Mục. Làm quan đến Lại bộ Thượng thư, Nhập nội hành khiển, tước Nghĩa Quận công, được phong Phúc thần – đền thờ ở xã Lương Trường (gọi là đền Thống Chinh)”.


Trong số 96 tài liệu được tác giả liệt kê ở cuối sách để sử dụng cho công tác biên soạn thì có đến 6 tài liệu có ghi chép về Tống Tất Thắng và 2 tài liệu ghi chép về Chu Tất Thắng. Cả trong 8 tài liệu đó, hai nhân vật này đều được ghi có quê quán, năm sinh, năm đậu tiến sĩ và chức tước giống nhau. Sáu tài liệu có ghi chép về Tống Tất Thắng gồm có Đại Nam nhất thống chí; Nghệ An ký; Nam Đàn quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bước đầu tìm hiểu lịch sử huyện Nam Đàn ; Hương xã Nam Trung và Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An về việc phân cấp quản lí các di tích danh thắng, Sở VHTT 1997. Ngoài ra, trong danh mục Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia liên quan đến khoa bảng ở Nghệ An (trang 530, số 19), tác giả cũng đã đưa vào di tích „Đình Trung Cần và Lăng mộ Tống Tất Thắng“. Còn 2 tài liệu có ghi chép về Chu Tất Thắng gồm „Các nhà khoa bảng Việt Nam“ [2] và „Chu tộc Đại Việt“ (gia phả họ Chu, xã Thanh Lương) [4].


Cũng giống như đối với các vị Tiến sĩ người Nghệ An trong „Danh mục đại khoa“, mặc dầu đã kê cứu gần một trăm tài liệu, nhưng khi viết về Chu Tất Thắng, tác giả cũng không nêu rõ là đã căn cứ vào các nguồn sử liệu nào cũng như không được giải thích hay phân tích là đã dựa trên cơ sở khoa học nào hay lập luận nào để đưa ra các thông tin liên quan. Tuy vậy, chỉ dưới góc độ xử lí thống kê các tài liệu mà tác giả sử dụng thì đã có 7 nguồn sử liệu ghi chép về Tống Tất Thắng trong khi chỉ có 2 nguồn sử liệu ghi chép về Chu Tất Thắng, có tỉ lệ so sánh là 7/2. Hơn nữa, ngoài 7 nguồn sử liệu mà tác giả liệt kê còn hàng trăm tài liệu khác đều có ghi chép hoặc viết về Tống Tất Thắng, trong khi đó, chỉ có dăm ba tài liệu ghi nhầm thành Chu Tất Thắng mà thôi. Còn nếu tìm kiếm trên Google thì với từ khóa „Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng“ sẽ có được gần chục ngàn kết quả, còn với từ khóa „Nghĩa Quận công Chu Tất Thắng“ thì sẽ chỉ nhận được dăm ba kết quả. Như vậy thì tại sao tác giả „Khoa bảng Nghệ An“ lại khẳng định đối với nhân vật số 9 là: „Chu Tất Thắng (1488 – ?), có sách ghi là Tống Tất Thắng“?


Vẫn chỉ xem xét các tài liệu mà tác giả đã sử dụng vừa nêu trên thì chẳng lẽ chân giá trị và độ tin cậy của bộ chí „Đại Nam nhất thống chí“ của Quốc sử quán triều Nguyễn lại không bằng cuốn „Các nhà khoa bảng Việt Nam“ của PGS. Ngô Đức Thọ chủ biên ư?. Tương tự, „Nghệ An ký“ của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch hay các tài liệu còn lại chẳng lẽ không đủ độ tin cậy hơn so với „Chu tộc Đại Việt“?. Về sự nhầm lẫn đáng tiếc này của các tác giả [2], Văn hóa Hà Tĩnh số 141 tháng 4 năm 2010 đã có bài “Về một nhân vật lịch sử cần được đính chính trong cuốn sách Các nhà khoa bảng Việt Nam” nêu khá đầy đủ các luận cứ. Điều xin được bàn đến ở đây là cách khai thác sử liệu của tác giả “Khoa bảng Nghệ An” đối với [4] khi viết về Chu Tất Thắng. Nếu đúng thì đây là tài liệu “Chu tộc lịch đại công thần” gồm 57 trang in chế bản điện tử, cỡ chữ 20, khổ A4, do ông Bùi Văn Chất “phiên âm, dịch nghĩa và hiệu đính phần gia phả” và “Tộc trưởng họ Chu, Chu Mạnh Quỳnh” đứng tên [4]. Trang 10 [4] cho biết: “Về Gia phả, do thời gian và cách lưu giữ bảo quản của các đời trước đây, phần vì nạp lên không có hồi âm, phần bị cháy do hỏa hoạn nên hiện tại không còn nhiều. Chỉ còn được 3 quyển ghi chép các vị công thần họ Chu qua các đời. Bộ Gia phả và những bộ đã cháy, đã mất, đã thất lạc không biết được lập từ năm nào, nhưng hiện tại còn 3 quyển bằng chữ Hán (quyển 1 gồm 39 trang, quyển 2 gồm 28 trang và quyển 3 gồm 47 trang). Nội dung của 3 quyển này gần giống nhau, trong đó quyển 1 là tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ các nội dung của hai quyển kia. Niên đại xa nhất là bản khai do Tộc trưởng Chu Phụng Phùng lập năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) và bản có niên đại gần nhất do Tộc trưởng Chu Phụng Biểu lập năm Thiệu trị thứ 3 (1843)”. Theo “Lời người dịch” (trang 12) thì: “… người dịch căn cứ vào quyển 1 để dịch. Nhưng có một số trang có lẽ là được chép sau, có nhiều chỗ khó hiểu nên chỉ xin tạm dịch”. Phần chép về Chu Tất Thắng trong [4] như sau:


“III- Chu Tất Thắng:


Phiên âm: Trịnh Đô phủ, Thanh Chương huyện, Nam Hoa Thượng, Tiền Tổ phụ Đông Liệt xã, Khả La thôn, Chu Tất Thắng sinh nhật Mậu Thân niên, chí Ất Sửu niên hành canh thập bát tuế đăng khoa Tiến sĩ, vi chức bộ Thượng thư Nhập sử hành khiển, tư đô Nghĩa Quận công, sắc phong thượng đẳng phúc thần triều Lê Uy Mục, niên hiệu Đoan Khánh.


Dịch nghĩa: Chu Tất Thắng sinh năm Mậu Thân (1488), người xã Nam Hoa Thượng, huyện Thanh Chương, phủ Trịnh Đô, nguyên ông nội là người Thôn Kỳ La, xã Đông Liệt, huyện Nam Đường. 18 tuổi đậu Tiến sĩ khoa Ất Sửu (1505), làm quan đến Thượng thư Nhập sử hành khiển, tước Nghĩa Quận công. Triều Lê Uy Mục – Đoan Khánh sắc phong thượng đẳng phúc thần.”


Nếu dịch giả đã phiên âm đúng bản gốc chữ Hán thì chưa bàn đến hành văn, từ ngữ được người chép phả sử dụng quả là nhiều chỗ khó hiểu như Lời người dịch đã đề dẫn mà riêng địa danh, chức tước và nhất là độ tin cậy của sử liệu trong đoạn văn này của bản phả cũng cần được xem xét. Trên mảnh đất xứ Nghệ từ xưa đến nay đã bao giờ có Trịnh Đô phủ và thậm chí huyện Thanh Chương lại còn lệ vào phủ này? Trong quan chế của các triều đại phong kiến Việt Nam, có chức nào là chức “bộ Thượng thư” cũng như chức “Nhập sử hành khiển”?. Chu Tất Thắng đậu Tiến sĩ lúc 18 tuổi vào năm 1505, còn “triều Lê Uy Mục” chỉ tồn tại đến 1509 thì làm sao mà Chu Tất Thắng đã có thể được giao chức vụ Thượng thư, được phong tước Quận công và mất khi chưa đến 22 tuổi để được vua Lê Uy Mục “sắc phong thượng đẳng phúc thần?. Giả sử đoạn chép về Chu Tất Thắng được ghi lại vào năm 1740 trong bản phả thứ 1 là nguyên bản, không phải là „được chép sau“ thì ngay tại thời điểm đó, đền Thống Chinh ở trên núi Ngũ Nhạc thuộc địa phận Lương Trường đô hội của đất Nghệ An đã rất nổi tiếng là thờ Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng với đầy đủ chính xác tên họ trong các sắc phong của các đời vua Lê trước đó như: Cảnh Trị (1670); Dương Đức năm thứ 3 (1674); Chính Hòa năm thứ 4 (1683); Chính Hòa năm thứ 5 (1684); Vĩnh Thịnh năm thứ 6 (1710); Vĩnh Khánh năm thứ 2 (1730); Cảnh Hưng năm thứ nhất (1740) [5]… cho nên hơn hai mươi năm sau đó, năm Bính Tuất (1766), La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã thốt lên: „Trung nghĩa Tống Tất Thắng. Anh hùng Mai Thúc Loan“. Văn bia đền Thống Chinh hiện vẫn còn do các bậc đại khoa người cùng quê Trung Cần với Tống Tất Thắng là Thám Hoa Nguyễn Văn Giao, Hoàng Giáp Nguyễn Hữu Lập cũng đã ghi chính xác, khúc chiết và rất rõ ràng: „Ngài quê ở Trung Cần, đậu Tiến sĩ khoa Ất Sửu, triều vua Đoan Khánh, là Thượng thư bộ Lại kiêm Đông Các Đại học sĩ… Thần họ Tống, tự Tất Thắng…“[5]. Như vậy thì rõ ràng đoạn chép về Chu Tất Thắng trong [4] là không đủ độ tin cậy và không đúng.


Mặt khác, tác giả Khoa bảng Nghệ An đã kê cứu danh mục di tích lịch sử văn hóa Quốc gia liên quan đến khoa bảng ở Nghệ An (trang 530) trong đó có số 19 là: „Đình Trung Cần và Lăng mộ Tống Tất Thắng“. Hồ sơ của di tích này và bằng công nhận di tích là những tài liệu pháp lí. Theo đó, danh thần được thờ đình Trung Cần là Tiến sĩ Tống Tất Thắng. Như vậy thì, vị Tiến sĩ là người ở „.xã Nam Trung, huyện Nam Đàn. 18 tuổi đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ khoa Ất Sửu – Đoan Khánh 1 (1505) đời Lê Uy Mục. Làm quan đến Lại bộ Thượng thư, Nhập nội hành khiển, tước Nghĩa Quận công.Chết khi đánh giặc Man, được phong Phúc thần – đền thờ ở xã Lương Trường (gọi là đền Thống Chinh)” như chép ở trang 154 và 193 [1] phải là Tống Tất Thắng chứ không thể là Chu Tất Thắng và trong lịch sử khoa bảng nước ta cũng không thể có Tiến sĩ Chu Tất Thắng.


Đáng buồn là việc sưu tầm, khảo cứu, đối chứng không được tiến hành cẩn trọng đã dẫn đến những sai sót không đáng có trong [2] theo kiểu“dĩ ngoa truyền ngoa”, hay như người Nghệ Tĩnh thường nói là „sai dắc dây“ trong một số tài liệu. Sở dĩ có sự chép nhầm, ghi nhầm hoặc khắc nhầm này vì chữ Tống (宋) và chữ Chu (朱) có kí tự Hán rất giống nhau. Giá như tác giả thoát khỏi được cái bóng của [2] để viết về nhân vật số 9 trong „Danh mục đại khoa“ là „Tống Tất Thắng, (1488 – ?),có sách viết là Chu Tất Thắng“ như Tế tửu Quốc tử giám Lê Bá Đôn đã ghi rõtrên bia mộ Tống Tất Thắng đã và đang tồn tại từ hàng mấy trăm năm nay ở Trung Cần, Nam Đàn thì sẽ không có gì phải bàn luận. Nhưng nếu viết ngược lại như [1] khi trong tay đã có Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An về việc phân cấp quản lí các di tích danh thắng, Sở VHTT 1997 và biết rõ di tích lịch sử văn hóa Quốc gia „Đình Trung Cần và Lăng mộ Tống Tất Thắng“ đã được công nhận từ năm 1996 thì liệu tác giả đã lưu ý đến các quy định của Luật Di sản văn hóa?


Thế nhưng, 5 năm sau khi [1] được in ấn lần thứ hai, trong bài viết „Về những sắc phong sưu tầm được ở Nghệ An“ đăng trên báo Nghệ An ngày 8/04/2010, chính tác giả cho biết: „Có những dòng họ có nhân vật được nhiều triều đại ban sắc phong lên đến hàng trăm, như Tiến sĩ, Hành khiển Tống Tất Thắng ở Nam Đàn là sắc từ triều Lê cho đến hết triều Nguyễn“. Đã sưu tầm được ở Nghệ An hàng trăm sắc phong của Tiến sĩ Tống Tất Thắng mà sao tác giả vẫn viết “Hành khiển Tống Tất Thắng”? Làm gì có sắc phong nào từ các triều đại nhà Lê đến nhà Nguyễn ghi tước vị “Hành khiển” của Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng? Chức quan này từng tồn tại từ triều đại nhà Trần, đến triều vua Lê Thánh Tông thì không còn nữa, mà Tống Tất Thắng đỗ Tiến sĩ và làm quan kể từ triều vua Lê Uy Mục, sau triều vua Lê Thánh Tông mấy chục năm. Như vậy là đến năm 2010, tác giả cũng đã biết rõ Tiến sĩ Tống Tất Thắng ở Nam Đàn được nhiều triều đại ban sắc phong lên đến hàng trăm, tức là nhân vật số 9 của „Danh mục đại khoa“ [1] phải là Tống Tất Thắng chứ không phải là „Chu Tất Thắng, có sách ghi là Tống Tất Thắng“ như ông đã khẳng định trong cả hai lần in cuốn sách vào năm 2000 và 2005. Mà đâu chỉ có hàng trăm sắc phong ghi rõ Tống Tất Thắng. Bia mộ, di chỉ trong vườn nhà ở Nam Trung bản quán, hàng chục bia đá, hàng chục đền thờ, nhà thờ ở Nghệ An, Hà Tĩnh (trong đó có di tích nhà thờ Tống Tất Thắng ở xã Sơn Hòa, ương Sơn, Hà Tĩnh được xây dựng từ đầu thế kỉ XVIII đã được xếp hạng) do các bậc đại khoa, do nhân dân và dòng họ xây dựng, chăm lo hương khói từ hàng mấy trăm năm nay đều ghi rõ là để thờ phụng Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng chứ đâu phải là Chu Tất Thắng. Hậu duệ của Tống Tất Thắng hiện nay gồm nhiều chi họ ở Sơn Thịnh, Sơn Hòa (Hương Sơn, Hà Tĩnh), Văn Chàng (Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) Minh Sơn (Đô Lương, Nghệ An) Nam Đàn… đều có nhà thờ chi họ thờ Tống Tất Thắng và đều có Tộc phả ghi Tống Tất Thắng ở Trung Cần là Thủy tổ và phả hệ được chép liên tục từ Thủy tổ cho đến ngày nay là trên hai mươi đời. Chẳng lẽ quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa Quốc gia „Đình Trung Cần và Lăng mộ Tống Tất Thắng“ của nhà nước Việt Nam, quyết định đặt tên đường phố Tống Tất Thắng ở thành phố Vinh và thị xã Thái Hòa của UBND tỉnh Nghệ An, quyết định xếp hạng di tích „Nhà thờ Tống Tất Thắng ở xã Sơn Hòa“ của UBND tỉnh Hà Tĩnh lại chưa chuẩn xác?.


Đúng là „Làm sách địa chí nói chung là hết sức phức tạp, khó khăn, đòi hỏi công sức, trí tuệ và thời gian rất lớn“ như Th.S Nguyễn Văn Danh đã viết trong „Lời nói đầu“ (In lần thứ nhất) của cuốn sách. Chính vì thế, những bất cập tương tự như được nêu ở trên vẫn thường tồn tại trong nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử như là một điều khó tránh. Vậy nên mới có những cuộc tranh luận gần đây chưa có hồi kết về nhân vật „đô đốc Long“ đánh trận Đống Đa lịch sử đại phá quân Thanh là Đặng Tiến Đông hay Đặng Tiến Giản hay Đặng Văn Long [6], về việc có hay không „thời đại đồng thau“, „nạn cống vải“ và các vấn đề liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan giữa các vị viện sĩ, giáo sư , những nhà sử học nổi tiếng với những người không thuộc chuyên ngành nhưng xem ra, cái đúng chưa hẳn thuộc về các nhà sử học [7] v.v. Hoặc như bài minh trước đền Ngọc Sơn ngay giữa trung tâm Hà Nội mà vẫn còn tồn tại những khác biệt giữa bản đắp bằng vôi vữa trên cuốn thư trước cổng ra vào đền so với bản khắc đầu tiên trên nghiên đá cũng như các bản dịch bài minh này không những chưa đúng cách chấm câu mà còn nhiều chỗ chưa chính xác trong từng câu dịch [8] v.v.


Giá như khi khai thác nguồn sử liệu phong phú có trong tay để biên soạn «Khoa bảng Nghệ An» mà tác giả chấp thuận sử dụng một phương pháp luận được lựa chọn trước đó thì chắc chắn sẽ tránh được những băn khoăn nêu trên của người đọc, người tra cứu. Ví dụ như tác giả có thể phân loại theo mức độ tin cậy và đánh số thứ tự các nguồn sử liệu được nêu ở « Danh mục sách và tài liệu tham khảo » thành một số nhóm nhất định và khi viết thì ghi số thứ tự những tài liệu liên quan đã được sử dụng vào ngay sau các thông tin, các nhận định đối với một vấn đề hay một nhân vật nào đó. Phương pháp này vẫn được sử dụng phổ biến khi viết về các vấn đề khoa học, nhất là trong khảo cứu. Nó không chỉ giúp làm tăng độ tin cậy cho người đọc đối với các nhận định, những thông tin được nêu trong công trình khảo cứu của mình, giúp cho người đọc có điều kiện kiểm chứng lại mà còn là một công cụ đắc lực hỗ trợ người viết tự kiểm soát mình để không sa vào các nhận định thiếu căn cứ hoặc nặng tính suy diễn chủ quan, áp đặt. Phương pháp sử dụng các từ viết tắt cho các nguồn tài liệu, sử liệu và đưa vào cuối phần cung cấp thông tin cho từng nhân vật như [2] đã làm cũng mang lại hiệu quả tương tự, nhưng cách này ít thuận tiện cho in ấn cũng như đối chiếu nên hiện nay ít được dùng. Ngoài ra, việc đánh số chương mục như các công trình nghiên cứu hiện nay cũng như việc đưa thêm tên họ bằng chữ Hán đối với các vị khoa bảng cũng rất cần thiết. Hy vọng rằng khi «Khoa bảng Nghệ An » được tái bản lần sau đến tay người đọc thì những băn khoăn đã nêu trong bài viết này sẽ được giải tỏa.



Tài liệu đã dẫn


[1]. Khoa bảng Nghệ An: Đào Tam Tỉnh, Nxb Nghệ An, 2005


[2]. Các nhà khoa bảng Việt Nam: Ngô Đức Thọ chủ biên, Nxb Văn học 1993.


[3]. Văn bia Nghệ An: Ninh Viết Giao chủ biên, Nxb Nghệ An, 2004.


[4]. Chu tộc lịch đại công thần (Gia phả họ Chu xã Thanh Lương): Chu Mạnh Quỳnh, Tộc trưởng họ Chu, Bùi Văn Chất phiên âm, dịch nghĩa và hiệu đính phần gia phả.


[5]. Thần phả và Văn bia đền Thống Chinh, Nam Lộc, Nam Đàn, Nghệ An


[6]. Đối thoại Thăng Long – Hà Nội, Bùi Thiết, Nxb VHTT, Hà Nội 2009


[7]. Bác bỏ mọi luận cứ của giới sử học cho rằng “nạn cống vải” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan: Lê Mạnh Chiến, Văn hóa Nghệ An Online, 06 Tháng 4 2011và một s�

  Từ khóa: Khoa bảng , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP