Tứ phía âm u
Từ trung tâm xã Hương Lâm, chúng tôi phải vượt qua bao đoạn đường đèo dốc, suối sâu vực thẳm mới đến được Bản Giàng 1, nơi cư ngụ của đồng bào Mã Liềng. “Đại bản doanh” của tộc người Mã Liềng nằm chênh vênh bên một sườn núi cao, bốn phía là rừng núi âm u. Những năm 90 thế kỷ trước, Đồn Biên phòng 575 phát hiện ra bộ tộc này sinh sống ở khu vực Khe Núng – Động Tràm (xã Hương Lâm).
Thời bấy giờ, cả bản chỉ có 7 gia đình sống chung trong 3 căn nhà sàn rách nát; cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào nghề hái lượm, săn bắt không biết sản xuất. Sau khi được phát hiện, Bộ đội biên phòng cùng chính quyền địa phương đã tổ chức vận động đồng bào ra sinh sống ở khu vực hiện nay, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ bà con làm quen với cuộc sống mới, xoá dần tập tục lạc hậu. Những ngày đầu, bộ đội biên phòng đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bà con dân bản. Đảng và Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ bà con. Nhờ vậy, từ chỗ cuộc sống hoang sơ sau một thời gian bộ tộc người Mã Liềng đã dần làm quen với cách sống của người Kinh. Năm 2009, Bản Giàng 1 được Chính phủ đầu tư 3,5km đường nhựa và điện thắp sáng. Tuy nhiên, cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều gian khổ.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 4 phía trống huơ trống hoác, già Long – Trưởng bản cho biết: Toàn bản hiện có 38 hộ gia đình với 176 nhân khẩu. Cuộc sống của bà con dân bản vẫn chủ yếu dựa vào rừng vì chừng ấy con người nhưng chỉ có 4 mẫu đất trồng khoai sắn, không có ruộng để trồng lúa nên quanh năm bà con phải về xuôi mua gạo chứ ăn sắn, ăn ngô mãi không chịu nổi.
5 lớp một thầy
Theo chân trưởng bản Long, chúng tôi đến trường học là 3 gian nhà ngói nằm ở một bãi đất khá bằng phẳng ở khu trại dưới, giữa 4 phía rừng núi, thuộc trường Tiểu học Hương Lâm. Trong ngôi nhà 3 gian này, một gian dùng làm văn phòng, một gian cho lớp mầm non, còn lại một gian dành cho 5 lớp tiểu học của thầy Mạnh.
Thầy Mạnh đang dạy đồng thời một lúc … 5 lớp học
Điều băn khoăn nhưng cũng thú vị là một phòng học nhưng có đến hai cái bảng; một bảng là bảng chống loá, còn bảng kia được ghép bằng 4 tấm ván, do thầy Mạnh và dân bản tự làm. Hai cái bảng này được dùng để dạy cho 11 em học sinh, gồm 1 em lớp 1, 5 em lớp 2, 2 em lớp 3 và 3 em lớp 5. Các em được học đầy đủ các môn học và học đúng số giờ, số tiết theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Duy chỉ có một điểm khác là, tất cả các môn học cũng như tất cả các lớp học đều có chung một giáo viên duy nhất là thầy Mạnh. Trong một phòng học chừng chưa đầy 10 mét vuông mà em thì làm toán, em thì học văn, em thì tập viết… khiến chúng tôi cũng phải nín cười. Có lớp học lợp ngói, có thầy giáo tận tâm nhưng đồ dùng dạy học rất thiếu thốn.
Thầy Mạnh cho biết, trước đây thầy nguyên là công nhân của lâm trường khai thác. Trong quá trình đó, thầy thấy các em ở đây thất học nên có ý định dạy cho các em theo kiểu bình dân học vụ. Khi ý tưởng của thầy được chính quyền và ngành giáo dục đồng ý, thầy thi vào trường Trung học Sư phạm Hà Tĩnh, rồi về “cắm bản” từ năm 1996 đến nay. Thầy Mạnh cho biết thêm, hai năm nay có đường đi lại và trường chuyển về trại dưới nên đỡ vất vả, chứ trước đây, hơn mười mấy năm trời, không có đường từ miền ngoài vào, thầy luôn phải đi bộ luồn rừng qua dốc Động Quýt hơn chục cây số, cắt qua mấy con khe, mấy núi mới đến được với bản để “cõng” chữ lên cho con em dân bản. Gian khổ, vất vả nhưng được cái tình cảm của các em, của dân bản dành cho thầy thật bao la. Chính vì vậy, khi hỏi thầy có ý định chuyển trường không? Thầy Mạnh trả lời: Không! Tôi sẽ vẫn ở đây tiếp tục dạy dỗ con em dân bản, mặch dù, hoàn cảnh gia đình bây giờ rất cách trở. Hai con nhỏ đang thuê nhà ở thị trấn Hương Khê để học; vợ cũng dạy ở xã vùng sâu Hương Liên… Ngôi nhà tranh xập xệ của thầy Mạnh ở xã Hương Lâm cũng chính vì vậy mà thỉnh thoảng mới có bóng người…
Thầy Mạnh không màng gì lợi ích cho mình, thậm chí gần 15 năm cắm bản, chưa được nhận dù chỉ một tờ giấy khen, nhưng thầy vẫn không thắc mắc. Niềm mong mỏi của thầy hiện nay là làm sao ngành giáo dục quan tâm hơn, đầu tư mua sắm cho các em đầy đủ đồ dùng dạy học để các em đỡ thiệt thòi.
Hỏi về tiền thưởng Tết, thầy Mạnh thản nhiên: Làm gì có chế độ thưởng Tết hả các anh! Xem báo, nghe đài thấy có những nơi thưởng Tết cho mỗi người lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng, nghĩ mà tủi thân. Như chúng tôi đây Tết dương lịch thì không biết “mùi mè” nó thế nào; Tết âm lịch may lắm thì được một gói mì chính gọi là, mà cũng năm có, năm không. Tuy nhiên, nói là nói vậy thôi chứ chúng tôi cũng không đòi hỏi, chỉ mong sao Nhà nước quan tâm hơn đến sự học vùng sâu xa để các em đỡ thiệt thòi là được rồi.
Cách lớp học “5 trong 1” của thầy Mạnh một phòng là lớp mầm non của cô Đoàn Thị Thuận, người dân tộc Chứt, lấy chồng về bản Giàng 1. Khi chúng tôi đến, cô trò đang hát vang bài Đi học: Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây… Cô Thuận cũng là giáo viên cắm bản đã gần chục năm nay nhưng mới chỉ được vào biên chế năm ngoái. Lớp mầm non của cô Thuận cũng chỉ vỏn vẹn được 6 em. Cũng như thầy Mạnh, cô Thuận phàn nàn rằng, học sinh của cô rất thiếu đồ chơi, đồ dùng học tập. Thậm chí, nhiều khi cô đã phải lấy từ đồng tiền lương ít ỏi của mình ra để đi mua sắm đồ dạy học cho các cháu. Hỏi về tiền thưởng Tết, cô Thuận bảo: Hàng năm chỉ trông chờ vào gói mỳ chính…
Lời kết
Từ một bộ tộc gần như ăn lông ở lỗ, người Mã Liềng ở Bản Giàng 1 được Đảng, Nhà nước và bộ đội Đồn biên phòng giúp đỡ nên cuộc sống của bà con dân bản đã đổi thay rất nhiều. Tuy nhiên, thực tế đời sống của dân bản vẫn đang rất khó khăn khi tỷ lệ đói nghèo vẫn chiếm hơn 50%. Họ vẫn chỉ được “xâu cá” chứ chưa thật sự có “cần câu” để tự thân câu cá. Vì vậy, để đi đến no đủ bền vững là vô cùng khó khăn. Về sự học, mặc dù đã có những giáo viên cắm bản như thầy Mạnh, cô Thuận những sự học của các em vẫn còn nhiều thua thiệt. Để cuộc sống của đồng bào dân tộc Mã Liềng ở Bản Giàng 1 sánh kịp với những nơi khác, đang rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía.
Trước lúc chia tay, Trưởng bản Long nắm tay tôi và nói: Nhờ nhà báo về xuôi thưa dùm Chính phủ, đồng bào bản Giàng 1 rất biết ơn và mong tiếp tục được sự quan tâm để chúng tôi xây dựng trạm xá chữa bệnh; đồng bào mong được giao rừng, đất rừng để sản xuất…
NN