Kinh tế

“Điểm mặt” 4 dự án phân bón của Vinachem gánh lỗ hơn 1.700 tỷ đồng

Doanh thu của 4 dự án phân bón thuộc Vinachem ước đạt 8.265 tỷ đồng, bằng 79% so với kế hoạch 2019, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2018.

Năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ước tính 4 dự án phân bón (Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP-Vinachem, DAP số 2-Vinachem) lỗ 1.739 tỷ đồng. Đáng nói, mức lỗ này tăng 29% so với kế hoạch 2019 và tăng lỗ 34% so với cùng kỳ 2018.

Theo Vinachem, 4 dự án phân bón có giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế năm 2019 ước đạt 8.581 tỷ đồng, bằng 82% so với kế hoạch 2019, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp của 3 dự án giảm, cụ thể: Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc giảm 5%, Công ty Cổ phần DAP- Vinachem giảm 23%, Công ty Cổ phần DAP số 2- Vinachem giảm 20% so với thực hiện năm 2018.

Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình là đơn vị duy nhất có giá trị sản xuất tăng, tăng 46% so với năm 2018, tuy nhiên nguyên nhân tăng lại là do giá trị sản xuất trong năm 2018 quá thấp, vì hỏng thiết bị nên phải dừng máy dài ngày.

4 dự án phân bón của Vinachem gánh lỗ hơn 1.700 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Về doanh thu, doanh thu của 4 dự án phân bón ước đạt 8.265 tỷ đồng, bằng 79% so với kế hoạch 2019, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2018.

Về lợi nhuận, 4 dự án ước lỗ 1.739 tỷ đồng, tăng lỗ 29% so với kế hoạch 2019, tăng lỗ 34% so với cùng kỳ 2018.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 ngày 11.1, Vinachem cho biết, năm 2019, các đơn vị thuộc Vinachem đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Đó là khó khăn về nguyên liệu đầu vào, vốn và điều kiện sản xuất, cũng như khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Do vậy kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm của toàn Tập đoàn đạt được không cao so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế (không tính 4 đơn vị thuộc Đề án 1468 của Chính phủ về xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương) đạt 34.885 tỷ đồng, bằng 92% kế hoạch năm, bằng 95% so với năm 2018…

Tác giả: Vũ Đậu (T/h)

Nguồn tin: Báo ĐS&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP