Kinh tế

Yêu cầu cổ đông lo đủ vốn cho dự án mỏ sắt Thạch Khê

Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về thiếu vốn để đẩy nhanh tiến độ khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh…

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu đến hết ngày 15/7/2015 nếu các cổ đông vẫn không góp đủ vốn theo quy định, Bộ Công Thương chỉ đạo phương án cho phép cổ đông hiện hữu điều chỉnh tỷ lệ góp vốn để bảo đảm vốn huy động cho dự án.

Yêu cầu cổ đông lo đủ vốn cho dự án mỏ sắt Thạch Khê

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn.

Trường hợp các cổ đông hiện hữu không huy động đủ vốn, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) góp tăng vốn để thực hiện dự án. Phần góp tăng vốn của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam giao Bộ Công Thương xem xét, xử lý cụ thể.

Phó thủ tướng cũng đồng ý nguyên tắc việc lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm để thẩm định thiết kế kỹ thuật theo hình thức chỉ định thầu. Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn theo các quy định của Luật Đấu thầu và các quy định hiện hành và chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn đơn vị thực hiện.

Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư với mục tiêu khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Thạch Khê đảm bảo cung ứng nguyên liệu quặng sắt cho Nhà máy thép tại Hà Tĩnh và các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu.

Dự án có tổng đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó 30% cổ đông góp vốn và 70% nguồn vốn huy động khác. Theo tiến độ, dự án được chia làm 2 giai đoạn với thời gian thực hiện 9 năm, trong đó 7 năm xây dựng cơ bản và khai thác 5 triệu tấn/năm, 2 năm tiếp theo nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm.

Để triển khai dự án khai thác mỏ nói trên, Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) được thành lập từ 2007, với vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng. Mục tiêu của công ty là đầu tư khai thác mỏ sắt Thạch Khê để cung cấp quặng sắt trước hết cho nhu cầu luyện thép ở trong nước và dành một phần xuất khẩu, sau đó sẽ đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy luyện phôi thép, với công suất ban đầu 2 triệu tấn/năm và tiếp tục mở rộng khi có điều kiện thuận lợi.

Khởi đầu, TIC có 9 cổ đông chính, gồm Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (chiếm 30%), Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (24%), Tổng công ty Thép Việt Nam (20%), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (4%), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (5%), Tổng công ty Sông Đà (5%), Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (5%), Công ty TNHH Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Minh (4%) và Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long (3%).

Đáng chú ý là trong số này, ngoài Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (cũ) gặp khủng hoảng và không thể góp vốn, một số cổ đông khác cũng “quên” nghĩa vụ của mình.

Trong năm 2010, các cổ đông đã không đóng góp 1.300 tỷ đồng vốn góp theo cam kết, mà chỉ góp được 221,5 tỷ đồng còn thiếu của năm 2009 để thực hiện dự án.

Đến giữa năm 2011, Thủ tướng lại chỉ đạo 4 cổ đông lớn là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam phải thoái vốn tại Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê để tập trung nguồn vốn cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp.

(theo VNE)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP