Anh Phạm Văn Dũng, ở huyện Can Lộc, vừa phải về nước sau hơn một năm lao động ở Nga. Học xong cao đẳng, không xin được việc làm, anh được giới thiệu đi XKLĐ ở Nga với mức thu nhập 1.000 USD/tháng, làm việc 8 giờ/ngày. Tổng chi phí cho việc XKLĐ là 120 triệu đồng. “Lúc ở nhà, nghe ngon ngọt, nhưng đến nơi, họ bắt bọn tôi làm quần quật ngày đêm trong xưởng may 12 tiếng/ngày, chỉ được nghỉ trong các lần ăn uống. Làm việc vất vả, nhưng cuối tháng, chủ đều bảo không đủ sản lượng, nên bị trừ lương chỉ còn 4 – 5 triệu đồng/tháng”, anh kể.
Vì với đồng lương ít ỏi chỉ đủ trả tiền chi tiêu hằng tháng, anh Dũng bỏ trốn ra làm ngoài. Trở thành lao động “chui”, không có giấy tờ hợp pháp, anh lúc nào cũng phải trốn chui trốn lủi cảnh sát. Làm việc “chui” được gần 3 tháng, anh bị lực lượng chống lao động nhập cư trái phép bắt giữ và giam trong trại tị nạn hơn 2 tháng. Khi người nhà vay mượn tiền gửi sang nộp, anh mới được về nước. Hiện, anh xin làm lái xe cho một hãng taxi ở Hà Tĩnh để trả món nợ hơn 100 triệu đồng vay ngân hàng khi đi XKLĐ ở Nga.
Chị Đào Thị Hằng ở Can Lộc sang Nga làm cho một xưởng may người Việt. Chị Hằng kể, sang Nga phải làm việc hơn 16 tiếng mỗi ngày, bắt đầu từ 7 giờ sáng đến tận đêm khuya. Lương tháng được 5 – 6 triệu đồng, nhưng tiền ở trọ, tiền ăn, giá cao ngất. Công ty đưa sang Nga theo đường du lịch nên chị không có giấy tờ lao động.
Ra chợ mua thức ăn, sợ nhất bị cướp dí súng vào đầu lấy hết tiền, đồ vật giá trị. Có người trong xưởng chị Hằng đã bị cướp đánh gãy cả chân vì không đem tiền. “Có khi đêm đang ngủ, công an ập vào kiểm tra là phải chạy vào rừng trốn. Đợt trước, gần chỗ tôi làm, có một cô gái trẻ người Nghệ An chạy vào rừng trốn công an bị lạc không biết đường về, rồi chết vì lạnh. Nghĩ cực quá nên tôi bỏ về, dù trăm triệu đồng vay mượn chưa thể trả”, chị Hằng nói.
Sang Angola XKLĐ được 2 năm, nhưng anh Phan Văn Hùng ở xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà về quê với hai bàn tay trắng. “Còn giữ được mạng mà về là may mắn lắm rồi, ở nhà không biết chứ, bên đó cực lắm. Cuộc sống không khác gì con vật”, anh Hùng bắt đầu câu chuyện. Bỏ hơn 110 triệu đồng cho công ty môi giới lao động, anh cùng 2 người bạn sang Angola làm thợ xây.
Công ty hứa mức lương sẽ là 1.000 USD/tháng. Sang Angola, anh và nhóm bạn mỗi ngày phải làm 12 – 14 tiếng, công việc nguy hiểm, nhưng chỉ được ở phòng nhỏ nhà ổ chuột, ăn gạo hôi mốc…
“Muỗi bên đó nhiều lắm, sang làm việc được mấy tháng, tôi và 2 người bạn trong phòng đều bị sốt rét. Bị sốt rét ác tính, sức khỏe gần như suy kiệt, thay vì được đưa đến bệnh viện chữa trị, chúng tôi chỉ uống thuốc cầm chừng ở nhà”, anh Hùng kể. Khi bệnh nặng biến chứng, anh và bạn gọi người nhà gửi tiền sang để về Việt Nam điều trị.
Bỏ mạng xứ người
Chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Thế Hữu ở xã Song Lộc, Can Lộc đúng ngày giỗ đầu người con trai xấu số; không khí tang thương phủ khắp căn nhà cấp 4. Ông Hữu rơm rớm nước mắt kể về con trai. Năm 2011, gia đình ông vay ngân hàng hơn 50 triệu đồng cho con trai Nguyễn Chí Thanh (SN 1991) đi XKLĐ ở Malaysia. Làm việc vất vả, lương thấp, anh Thanh mạo hiểm bỏ trốn ra làm ngoài cho công ty xây dựng.
Năm 2013, em gái lấy chồng, anh tìm cách vay mượn tiền về nước. Không đủ tiền đi máy bay, anh và nhóm 17 người khác quyết định về Việt Nam bằng thuyền theo đường sông Mekong. Khi qua địa phận Lào thuyền gặp sóng lớn, bị lật. Anh Thanh và 3 người bạn bị nước cuốn trôi; mấy ngày sau, bộ đội Lào mới tìm thấy xác. Em gái phải cưới chui ngay trong đêm để chạy tang, còn mẹ anh ngất lên ngất xuống.
Để đem được xác con từ Lào về nước, gia đình phải cầm cắm sổ đỏ vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng. “Vì XKLĐ mà con trai mất, con gái phải cưới chạy tang, bà nhà tôi giờ cứ nhìn thấy ảnh con là khóc. Thương vợ, tôi phải cất hết ảnh con vào tủ riêng và khóa lại”, ông Hữu nghẹn ngào nói.Chúng tôi đến gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở xã Thạch Vĩnh. Vừa đến cổng đã nghe tiếng khóc tang thương vọng ra từ căn nhà cấp 4 cũ kỹ. Chị Hà vừa nhận được giấy báo tử từ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola. Nhận được tin chồng XKLĐ ở Angola mất, mấy ngày nay, chị Hà ngất xỉu mấy lần. Trên chiếc gường nhỏ, hai con thơ, đứa học lớp 8, đứa lớp 4, vừa ngồi bóp chân tay cho mẹ vừa khóc.
Bà Trần Thị Bình, mẹ chị Hà, cho biết, chồng chị, anh Quý đi Angola từ tháng 11/2014, tổng chi phí cho chuyến đi gần 200 triệu đồng, đều vay từ ngân hàng và họ hàng. Anh Quý sang đó làm thợ xây, điều kiện lao động khắc nghiệt, phải sống chui lủi. Từ một chàng trai biển lực lưỡng, sau 3 tháng làm việc, anh bị sốt rét, trở nên tiều tụy. Anh không có tiền nhập viện, bệnh biến chứng, gia đình vay mượn tiền gửi sang cho anh điều trị nhưng đã muộn. Anh mất ở bệnh viện xứ người.
________________
(còn nữa)
Gia đình vợ chồng trẻ Trương Thị Hương (26 tuổi) và Nguyễn Phi Hùng (30 tuổi) ở phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) vì XKLĐ sang Đài Loan làm ăn không thuận lợi, nên cả hai tự tử, để lại 3 con thơ dại bơ vơ.
Chấn chỉnh hoạt động XKLĐ
Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ rà soát, báo cáo về tổ chức bộ máy hoạt động, các cơ sở ủy quyền (kèm theo quyết định thành lập, giao nhiệm vụ, ủy quyền/bổ nhiệm người đứng đầu, giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh…).
Cục cũng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về tuyển chọn, quản lý lao động và chế độ báo cáo theo quy định. Các doanh nghiệp không báo cáo sẽ bị xử phạt hành chính, doanh nghiệp nào bị xử phạt từ 2 lần trở lên trong 12 tháng sẽ bị đình chỉ hoạt động 6 tháng.
Theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, qua thanh kiểm tra thời gian qua, đã phát hiện, xử phạt một số doanh nghiệp ủy quyền cho các đầu mối tuyển lao động không đúng quy định, báo cáo không đầy đủ.
Lê Hữu Việt
Phong Cầm- Quang Lộc