TX Hồng Lĩnh

Xây mới chợ Hồng Lĩnh: Cấp thiết nhưng phải hợp lòng dân

Hồng Lĩnh là thị xã lớn thứ 2 ở Hà Tĩnh và đang phấn đấu trở thành đô thị loại 3. Trước sự phát triển của thị xã, chợ cũ Hồng Lĩnh cần một diện mạo mới theo hướng hiện đại.

Chợ Hồng Lĩnh cũ

Hiện trạng chợ cũ

Chợ thị xã Hồng Lĩnh được xây dựng từ năm 1995 và đi vào hoạt động năm 1997, với quy mô 10.963,9 m2. Với tuổi đời và quy mô như vậy, khu chợ mang dáng dấp chợ quê hơn là một trung tâm thương mại đô thị và không đáp ứng được nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của cư dân địa phương.

Khảo sát tại chợ chúng tôi thấy, hầu hết các ngành hàng, nhóm hàng, kể cả ngành thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống cũng chỉ bố trí trong các lều tạm bợ, không bảo  đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; lượng người đông, chen lấn, gây mất trật tự; đường giao thông ở các quầy ki-ốt kinh doanh nhỏ, cộng với sự cơi nới, lấn chiếm diện tích kinh doanh, khiến chợ quá tải. Hơn nữa, chợ được xây dựng giữa ngã ba, khu trung tâm chính của thị xã nên ảnh hưởng rất nhiều tới cảnh quan, môi trường và an toàn giao thông.

Cần một chợ mới hiện đại

Gần đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ra một số nghị quyết chủ trương phát triển thị xã Hồng Lĩnh, trong đó có việc đầu tư một trung tâm thương mại theo hướng chợ và siêu thị, đáp ứng nguyện vọng, bảo đảm yêu cầu tốt hơn về điều kiện kinh doanh, mua bán của người dân trên địa bàn.

Năm 2013, Công ty TNHH Như Nam do ông Đặng Ngọc Bảo làm giám đốc chính thức xin đầu tư xây dựng chợ thị xã Hồng Lĩnh. Được UBND tỉnh và thị xã chấp thuận, ông Bảo cùng các ban, ngành, sở lập dự án để đầu tư theo lộ trình.

Việc đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tổng hợp, siêu thị thị xã Hồng Lĩnh là cấp thiết, đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển đi lên của thị xã nhưng cũng cần thỏa lòng dân.

Chủ trương xây dựng Tổ hợp thương mại Hồng Lĩnh ở đường 8A hoàn toàn đúng, được dư luận đồng tình cao. Bởi đây là khu vực đồng ruộng rộng rãi, không phải đền bù lớn khi giải phóng mặt bằng, lại gần kênh nhà Lê, trên bến dưới thuyền, thuận tiện giao thông cả đường thủy lẫn đường bộ.

Tuy nhiên, khi chủ trương mới được đưa ra, lập tức đã có những phản ứng ngược lại. Một số bà con kéo nhau lên trụ sở UBND thị xã và Thị ủy chất vấn, đề xuất lùi lại thời gian dăm bảy năm, thậm chí là mười, mười lăm năm; một số người còn có những hành vi dọa dẫm, thúc ép bà con ký đơn, khiếu nại lãnh đạo thị xã…

Qua tìm hiểu được biết, hầu hết bà con tiểu thương không phải không đồng tình hoặc chống đối chủ trương của thị xã xây dựng Tổ hợp thương mại Hồng Lĩnh ở vị trí mới. Vấn đề là dự án mới ở giai đoạn chuẩn bị làm quy hoạch nhưng do thiếu thông tin hoặc thông tin chưa chính xác, khiến những người “trong cuộc” xôn xao, bất ổn. Nguyên nhân phản ứng, không đồng tình  bắt nguồn từ lợi ích nhóm, tập trung vào 4 loại đối tượng: Một là những hộ sát chợ cũ, hưởng lợi nhờ chợ, nay chợ dời sẽ mất nguồn thu lớn; hai là những người buôn bán có vị trí thuận lợi trong chợ đang làm ăn được, sợ sang chợ mới sẽ bị hoán đổi; ba là những người sống gần chợ cũ, không muốn về nơi mới phải đi lại xa hơn, vừa không thuận lợi cho làm ăn vừa phải di chuyển vất vả; bốn là một bộ phận trong Ban quản lý chợ, sợ chuyển đổi mô hình sẽ khó có chỗ đứng thuận lợi, thậm chí mất việc…

Từ thực trạng trên, tỉnh Hà Tĩnh nên có chính sách thỏa đáng với bà con lâu nay gắn bó với chợ. Trước mắt, vẫn để bà con tiếp tục kinh doanh bình thường, giúp các hộ có cơ hội thu hồi vốn. Khi về chỗ mới, cần ưu tiên địa điểm, tính toan giá cả hợp lý để bù đắp một phần thiệt thòi cho những hộ đã bỏ ra cả trăm triệu đồng đấu thầu, mua lại ki- ốt ở chợ cũ.

Thanh Tú

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP