Giáo dục - Đào tạo

Vùng lũ Hương Khê trước ngày khai giảng

Chúng tôi về thăm một số xã ở vùng lũ Hương Khê, Hà Tĩnh vào thời điểm sắp sửa khai giảng năm học mới cũng là thời điểm mùa mưa bão sắp ập đến, nhiều trường học mầm non nơi đây vẫn còn dấu tích của các trận lũ quét, tường rào sập sệ, bàn ghế tạm bợ,… nhất là hai trường mầm non thuộc xã tâm lũ Phương Mỹ và Hương Xuân.

Vùng lũ Hương Khê trước ngày khai giảng

Chiếc cầu phao bắc tạm qua sông làm phương tiện đi lại cho học sinh tới trường

Đến Phương Mỹ, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hồng Quân dẫn chúng tôi đến thực tế tại trường mầm non xã, tuy ngày khai giảng cận kề nhưng không hề thấy bất kỳ một động tĩnh gì cho ngày khai giảng.

Biết tôi băn khoăn, Chủ tịch Nguyễn Hồng Quân phân bua: Các nhà báo biết đó, cứ mỗi mùa mưa bão đến có bao nhiêu nước trên địa bàn toàn huyện đều đổ dồn về túi nước Phương Mỹ chúng tôi; chưa đâu mưa thì Phương Mỹ đã mưa, chưa đâu lũ thì Phương Mỹ đã ngập chìm trong biển nước, ít có năm nào Phương Mỹ chúng tôi được bình yên, bình quân mỗi năm phải hứng chịu từ 3 – 5 trận lũ, gây đại họa cho cả xã.


Trường mầm non xã Phương Mỹ

Lũ về hầu hết nhà cửa, ruộng nương, đường sá đi lại… đều ngập chìm trong biển nước với cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Người dân Phương Mỹ chúng tôi chẳng khác gì “giã tràng xe cát biển đông”, “gom góp ba năm thiêu một giờ”.

Ở trường mầm non này cũng vậy, do lũ ngập chìm bao phen cuốn trôi toàn bộ sách vở, trang thiết bị, dụng cụ học tập của các cháu. Lũ về trở tay không kịp, tất cả đều bị cuốn theo dòng lũ.

Chúng tôi quan sát, tuy trường mầm non Phương Mỹ được xây dựng không còn là nhà tranh tre, nứa lá tạm bợ nhưng do tọa lạc ở vùng trũng nên hễ trờ mưa là bị ngập. Vì thế, 4 phía tường đều bị nứt rạn, nền móng bị sụp, nguy cơ đại họa xảy ra lúc nào không biết.

Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Xuân Tần nói: “Do những sự cố trên nên xã cùng với phòng GD huyện phải tạm thời dồn các cháu về học một chỗ để tránh lũ ở bên kia bờ sông, chờ đến khi xây dựng được trường học mới ở trên vùng cao, chúng tôi mới đưa các cháu về học được”.


Trường mầm non xã Hương Xuân

Còn cô giáo hiệu trưởng Ngô Thị Thu Hà lo lắng nói: “Mùa nắng thì còn đỡ, nhưng mùa mưa bão đến cô trò chúng tôi vất vả, thiếu thốn trăm bề, nhất là lo mỗi ngày các cháu vượt đò qua sông đi học giữa trời mưa gió, lũ lụt. Mấy năm về trước đã có nhiều học sinh và người dân chết trôi khi qua sông”. Đây là mối hiểm họa luôn rình rập khôn lường. Cô Hà thiết tha mong muốn các cấp, chính quyền cũng như các tổ chức từ thiện quan tâm giúp đỡ để xã có tiền xây dựng trường mầm non giúp cô trò chúng tôi bớt khổ, bớt lo.

Rời Phương Mỹ đến xã Hương Xuân, trước mắt chúng tôi là trường mầm non bằng dãy nhà cấp bốn tềnh toàng, cũ nát.

Chủ tịch UBND xã Lê Hữu Phi cho biết, vì xã ở vùng lũ khó khăn, thiếu thốn trăm bề, mặc dầu được sự quan tâm giúp đỡ của cấp trên cũng như các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, nhưng do sự tàn phá nặng nề của bão lũ nên Hương Xuân có cố gắng gượng dậy bao nhiêu rồi cũng cứ khó khăn, khó khăn mãi.

Chủ tịch xã chỉ tay vào lớp học và nói: “Chuẩn bị ngày khai giảng nhưng hầu hết trang thiết bị dạy và học chưa có gì đáng giá”.


Phòng làm việc của cô giáo hiệu trưởng trường mầm non Hương Xuân

Cô giáo Hiệu trưởng Võ Thị Thuận phân bua với chúng tôi: Hơn 20 năm dạy học ở vùng cao Hương Khê, từ bản đồng bào dân tộc Rào Tre đến bản Giàng cũng như một số trường miền núi trung du nhưng chưa có trường, lớp nào khó khăn như ở đây. Cô trò chúng tôi vẫn đang học trong mấy phòng học nhà cấp bốn thuộc nhà kho HTX từ những năm 70 để lại, tất cả đều xuống cấp nghiêm trọng. Cô trò chịu vất vả suốt năm này qua năm khác, chống chọi với nguy cơ sập đổ tường nhà lúc nào không biết.

Chúng tôi cùng cô giáo hiệu trưởng xem hết các phòng học, nhà sinh hoạt giáo viên, tất cả chẳng khác gì một mái trường của thời bao cấp.

Cô Hà cũng cho biết, đầu tư cho năm học mới cả trường mới được phân 14 triệu đồng, nên không biết mua sắm thế nào đây. Hầu hết dụng cụ học tập, đồ chơi cho các cháu đều bị hư hỏng, nhà trường muốn mua mấy con ngựa nhún, mấy đồ chơi đơn giản cho các cháu nhưng theo giá cả hiện nay một con ngựa nhún cũng mất đi hơn 10 triệu đồng rồi chứ chưa nói đên việc mua sắm, sửa sang lại bàn ghế, bảng học tập…

Rời các trường học mầm non vùng lũ Hương Khê, chúng tôi không khỏi trăn trở nghĩ về cảnh tượng khác lạ, bởi những ngày này ở miền xuôi, nhất là ở các thành phố, thị xã trên cả nước tất cả đang rộn ràng, háo hức chuẩn bị cho ngày khai giảng, mọi trang thiết bị dạy và học cũng như đồ chơi đều được mua sắm đủ loại, nhiều trường còn có ý định xây bể bơi tắm cho các cháu. Ngược lại, ở mái trường vùng lũ, xa xôi hẻo lánh thuộc huyện miền núi Hương Khê vẫn còn thiếu thốn trăm bề. Nhiều nhà giáo, phụ huynh chỉ mong muốn có một mái trường tránh lũ với thiết bị dạy và học đúng với tiêu chuẩn Bộ GD đề ra, không mong gì hơn.


Anh Bình – Thanh Tâm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP