Ranh giới sử dụng vũ lực và quyền phòng vệ

Để hiện thực hóa những chiến lược đã đề ra, Trung Quốc đã vận dụng phương thức ép các quốc gia láng giềng chấp thuận quyền bá chủ của Bắc Kinh nhưng vẫn tránh được việc bùng nổ một cuộc đối đầu quân sự.

Chiến thuật này được thể hiện qua việc Bắc Kinh thường xuyên sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển, tàu cá, và cả giàn khoan dầu để thay đổi tình hình chính trị cũng như hiện trạng pháp lý trên vùng biển Đông Á. Còn các tàu Hải quân Trung Quốc chỉ xuất hiện ở đằng xa để tránh bị quy vào tội tổ chức tấn công.

Lực lượng Bảo vệ bờ biển trở thành đội quân tiên phong trong chiến lược bá quyền trên vùng biển Đông Á của Trung Quốc.

Trong khi đó, Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng đã quy định rõ về việc sử dụng vũ lực đối với những vấn đề mang tính quốc tế. Mục đích của bộ luật này là nhằm ngăn chặn “những hành động gây hấn và phá vỡ nền hòa bình thế giới”.

Theo Khoản 2(4) trong Hiến chương, “tấn công vũ trang” bị quy tội phi pháp. Khoản 2(4) cũng nhấn mạnh việc đe dọa sử dụng vũ lực còn bị khép vào tội nghiêm trọng hơn cả tấn công vũ lực. Vậy những quốc gia bị tấn công vũ trang sẽ phản ứng ra sao?

Khoản 51 trong Hiến chương quy định họ sẽ được quyền phòng thủ cá nhân hoặc tập hợp tất cả các nước bị tấn công để cùng đáp trả kẻ gây hấn.

Vậy có phải bất cứ hành động sử dụng vũ lực trái phép đều bị xếp vào tội tấn công vũ trang và những quốc gia bị tấn công có quyền phòng thủ? Điều này hoàn tòan sai ít nhất là theo quy định của Tòa án công lý quốc tế (ICJ).

Theo ICJ, hành động ép buộc hoặc can thiệp mức độ thấp như “điều động hay cử các nhóm vũ trang, lực lượng phi chính quy hay lính đánh thuê” thay mặt cho nước đó tới một quốc gia khác để tổ chức “tấn công vũ trang” thì quyền phòng vệ chỉ được thực hiện nếu như sự can thiệp này đã đạt tới “quy mô và tác động” tương đương với một cuộc xâm lược. Do đó, quyền phòng vệ không được sử dụng để chống lại hành động ép buộc hoặc can thiệp mức độ thấp do lực lượng phi chính quy và quân nổi dậy tiến hành.

Đây chính là cách mà Trung Quốc đang tiến hành. Theo đó, Bắc Kinh chỉ cho triển khai những hành động nhỏ lẻ, khiến các nước bị quấy rối không thể sử dụng quyền phòng vệ. Trong khi Bắc Kinh lại có thể từng bước hiện thực hóa chiến lược xâm chiếm lãnh hải cũng như khẳng định chủ quyền đơn phương trước các nước láng giềng mà không kích động một cuộc chiến quân sự.

Ngoài ra, chiến lược sử dụng hạm đội tàu cá của Trung Quốc như một phần trong “cuộc chiến pháp lý”, đã tận dụng được ranh giới giữa phạm vi sử dụng vũ lực và quyền phòng vệ trong luật hạn chế sử dụng vũ lực (jus ad bellum) cũng như luật thời chiến (jus in bello). Thậm chí, Trung Quốc sẽ còn điều động các tàu cá tham chiến trong mọi cuộc đối đầu ở khu vực.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản lai dắt một tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Tokyo.

Nguy hiểm hơn, theo ISN, một số nguồn tin cho biết Trung Quốc đang trang bị các radar siêu âm cho hàng ngàn tàu cá để tham gia chiến dịch chống ngầm của Hải quân nước này nhằm phát hiện và đánh chìm bất các tàu ngầm của Mỹ và đồng minh của Washington xuất hiện ở vùng biển Đông Á.

Điều đáng nói, sau sự kiện tàu cá Paquette Habana của Cuba bị tàu Hải quân Mỹ bắt giữ vào năm 1900 trong giai đoạn bùng nổ chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha, luật pháp quốc tế đã quy định các tàu cá ven biển và ngư dân được loại khỏi mục tiêu tấn công và bắt giữ trong mọi cuộc xung đột vũ trang.

Do đó, dù cho lắp đặt hệ thống radar siêu âm trên các tàu đánh cá nhằm tăng lực lượng tham gia chiến dịch chống ngầm, Bắc Kinh vẫn tránh được nguy cơ các tàu cá này bị xếp vào mục tiêu tấn công hợp pháp trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ ISN, trang tin điện tử chuyên đăng tải các bài bình luận của giới chuyên gia và sinh viên nghiên cứu về những mối quan hệ ngoại giao và anh ninh quốc tế. Trang tin này được thành lập tại Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) vào năm 1994. 

MINH THU (lược dịch)