Du lịch

Vì sao dinh thự của 'bạo chúa miền Trung' bị bỏ hoang đến rợn người?

Khu dinh thự của Ngô Đình Cẩn hiện hoang vắng đến rợn người, cỏ mọc um tùm, vắng khách tham quan dù được xếp hạng là di tích lịch sử lưu niệm sự kiện cấp quốc gia.

Khu dinh thự của Ngô Đình Cẩn hiện toạ lạc tại phường An Tây (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Cùng với khu chứng tích Chín Hầm thì khu dinh thự này được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng là di tích lịch sử lưu niệm sự kiện cấp quốc gia năm 1993.

Mặc dù là di tích nhưng địa điểm này chẳng mấy khi có khách tham quan. Cùng với việc bị bỏ hoang phế nhiều năm khiến nó trở nên xuống cấp, lạnh lẽo đến rợn người.

Hệ thống cột, kèo của dinh thự vẫn còn khá kiên cố. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng bị mốc hoặc phủ kín rêu xanh. Bên trong cũng không có bất cứ đồ đạc nào có giá trị.

Di tích hiện chỉ được một số người tò mò, ưa khám phá thi thoảng ghé thăm. Một số người thiếu ý thức còn viết, vẽ bậy lên hệ thống tường của dinh thự.

Hệ thống mái ngói của dinh thự Ngô Đình Cẩn từng được làm một cách công phu, tỉ mỉ theo phong cách cung đình. Tuy nhiên, hiện xuống cấp nghiêm trọng, cỏ mọc um tùm.

Được biết, di tích khu dinh thự của Ngô Đinh Cẩn hiện do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên -Huế trực tiếp quản lý.

Theo lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế, mặc dù cùng được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, trái ngược với khu chứng tích Chín Hầm thường khá đông du khách tham quan thì khu dinh thự Ngô Đình Cẩn lại vắng vẻ.

Hiện khu vực dinh thự Ngô Đình Cẩn được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế khoanh vùng, cắm mốc theo đúng Luật Di sản để không bị lấn chiếm.

Lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế thừa nhận, với nguồn lực cũng như điều kiện thực tế nên việc đầu tư, bảo vệ sẽ ưu tiên cho di tích lịch sử Chín Hầm. Riêng khu dinh thự Ngô Đình Cẩn, do thiếu nguồn lực nên mong muốn có thể xã hội hóa, tìm nhà đầu tư để bảo tồn, khai thác di tích.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, di tích dinh thự Ngô Đình Cẩn từng được nhiều lần đề xuất đầu tư, trùng tu nhưng không được ưu tiên nguồn lực. Hiện ngành Văn hoá địa phương muốn xã hội hóa, tìm nhà đầu tư phù hợp. Thế nhưng, do chưa có quy định hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản nên khó khăn.

Khu đất xây dinh thự của "bạo chúa miền Trung" vốn là của ông Bát Tấn (người Sài Gòn). Sau đó, ông Tấn bán lại cho một quan triều Nguyễn tên là Bùi Duy Tín. Con cháu ông Tín bán lại cho một thương nhân người Hoa ở đường Trần Hưng Đạo (TP Huế) để làm vườn.

Năm 1956, dưới áp lực của Ngô Đình Cẩn, thương nhân người Hoa này buộc phải nhường lại toàn bộ khu vườn này. Tại đây, Ngô Đình Cẩn cho xây dựng một số công trình: Khu biệt thự, nhà thủy tạ, hồ Khánh nguyệt, vườn cây ăn quả… biến nơi đây thành một địa điểm vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, đồng thời theo dõi, giám sát chỉ đạo tay sai thực hiện các hoạt động tra tấn tù nhân cách mạng ở khu nhà giam Chín Hầm.

Tác giả: Nguyễn Vương

Nguồn tin: vtcnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP