Quan trắc hằng tháng vẫn không phát hiện bất thường
Theo TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Bộ TN&MT, hiện nay, công tác giám sát hoạt động xả thải dựa vào 2 công cụ chủ yếu là hệ thống quan trắc tự động, định kỳ và công tác thanh tra, kiểm tra.
Theo quy định, các nhà máy có lượng thải lớn như Formosa phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và hệ thống này phải truyền liên tục số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT địa phương kiểm soát. Thế nhưng khi sự cố xảy ra thì phát hiện, Formosa đã thiết lập hệ thống quan trắc tự động nhưng Sở TN&MT Hà Tĩnh lại chưa kết nối với hệ thống này để giám sát xả thải.
Trong khi đó, đại diện Tổng cục Môi trường cũng xác nhận, ngoài trạm quan trắc tự động của Formosa, khi xảy ra sự cố, không có trạm quan trắc nào của Bộ TN&MT ở Khu Kinh tế Vũng Áng. Vì vậy, sự cố xảy ra, chúng ta chỉ dựa vào số liệu quan trắc của chính Công ty Formosa mà không có thông tin, dữ liệu đối chứng nên rất bị động.
Đặc biệt, trong sự cố môi trường vừa qua có một điều “khó hiểu” trong vấn đề giám sát. Giấy phép xả thải của Bộ TN&MT cấp cho Formosa (tháng 12/2015) thiết lập 3 hàng rào quan trắc nước thải gồm quan trắc tự động với 6 thông số ô nhiễm, quan trắc định kỳ một tháng một lần với 12 thông số và 3 tháng một lần với 28 thông số.
Trong đó, việc quan trắc định kỳ một tháng một lần có chỉ tiêu phenol, xyanua (hai độc tố gây sự cố cá chết), quan trắc 3 tháng một lần có chỉ tiêu sắt (kết hợp với 2 độc tố trên tạo ra sự cố môi trường miền Trung). Thế nhưng, Sở TN&MT Hà Tĩnh nói rằng, việc lấy mẫu, phân tích định kỳ được thực hiện nhưng không phát hiện bất thường.
Có nghĩa là việc phân tích chỉ tiêu phenol, xyanua hàng tháng được tiến hành nhưng không phát hiện bất thường? Trong khi kết quả phân tích mẫu cá sau khi sự cố xảy ra cho thấy, hàm lượng phenol rất cao trong một số mẫu cá. Một số mẫu nước thu được sau sự cố có hàm lượng sắt cao và chứa cả phenol. Vậy tại sao lại có sự “khó hiểu” này, cả ba hàng rào quan trắc đều được thực hiện vậy mà không phát hiện ra được sự bất thường? Cơ quan chức năng cần làm rõ điều này.
Nhiều lỗ hổng
Theo một chuyên gia xử lý nước thải, việc để cơ quan cấp tỉnh giám sát một dự án lớn như Formosa là một sơ hở. Ngay cả trong trường hợp Sở TN&MT Hà Tĩnh có kết nối hệ thống quan trắc tự động của Formosa thì tác động cảnh báo của hệ thống này cũng thấp vì hệ thống này chỉ phản ánh được các chỉ tiêu đơn giản, không phát hiện được những mối nguy hại trong nước thải (theo Giấy phép xả thải do Bộ TN&MT cấp, Formosa chỉ phải quan trắc tự động 6 thông số gồm nhiệt độ, lưu lượng thải, pH, COD, SS và tổng Nitơ). Trong khi đó,nước thải từ tổ hợp nhà máy luyện gang thép, đặc biệt là nước thải luyện cốc rất nguy hại với hàm lượng phenol, xyanua (hai độc tố gây ra hiện tượng cá chết) có thể vượt mức cho phép hàng nghìn lần.
Cũng theo chuyên gia này, việc để cho cơ quan cấp tỉnh giám sát hoạt động xả thải là không nên vì với các chỉ tiêu quan trắc quan trọng như phenol, xyanua, Fe, Zn thì thiết bị phòng thí nghiệm tỉnh khó mà phân tích được hoặc nếu phân tích được cũng cho sai số rất lớn. Chuyên gia xử lý nước thải Đào Nhật Đình cho biết, từ kinh nghiệm làm việc thực tế của mình, ông thấy sai số trong các phân tích của các địa phương có thể đến hàng chục lần so với các viện nghiên cứu.
Việc giám sát Formosa cần có đầy đủ thiết bị hiện đại kinh nghiệm. Việc báo cáo phải được thực hiện hàng ngày, tuần, tháng cho cơ quan chức năng cũng như Formosa nắm tình hình và kịp thời khắc phục khi phát hiện bất thường.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, sự cố môi trường miền Trung vừa qua cho thấy, việc giám sát xả thải của Việt Nam là khá yếu. Chúng ta thiếu sự giám sát của một bên thứ 3 như người dân và các tổ chức dân sự.
Tiếp tục xả thải ngầm?
Khi xảy ra sự cố cá chết, người dân phát hiện một ống xả khổng lồ dưới biển nghi của Công ty Formosa. Phía Formosa thừa nhận, đây là ống xả thải của công ty và đã được Bộ TN&MT chấp thuận.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân sau đó nói rằng, ống xả thải này là hợp pháp. Tuy nhiên, trong buổi làm việc với Formosa ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, đối với pháp luật Việt Nam thì hệ thống ống thải xả thải mà lắp đặt ngầm là không cho phép vì điều 101 Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2015 quy định: bất cứ đường ống nào – nhất là đường ống xả thải – đều phải tạo điều kiện cho quá trình giám sát, tiếp cận, kiểm tra một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, trả lời một tờ báo điện tử ngày 4/7, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lại nói rằng, việc dùng các ống ngầm để xả thải xa bờ được sử dụng khá phổ biến trên thế giới nhằm tạo điều kiện cho hoạt động giao thông và tránh làm xáo trộn môi trường nước vùng ven bờ. Vấn đề không phải là đường ống ngầm mà là nước thải trước khi thải ra môi trường trong ống ngầm này đã được xử lý đạt tiêu chuẩn hay chưa?
Nguyễn Hoài