Tin Hà Tĩnh

Về nơi xoi dó tìm trầm

Nhắc đến Phúc Trạch - vùng đất đầy nắng và gió ở phố núi Hương Khê (Hà Tĩnh) là không ai không biết đến dòng sông Ngàn Sâu thơ mộng chở nặng phù sa hay giống bưởi Phúc Trạch thơm ngon ngọt bùi nức tiếng. Nhưng có lẽ, thương hiệu nổi tiếng hơn cả của Phúc Trạch đó chính là thương hiệu cây dó trầm. Về với vùng đất này, chúng ta như được hòa mình vào khung cảnh của thiên nhiên, hai bên đường rợp bóng dó trầm. Phúc Trạch đó, hết sức đơn sơ, mộc mạc mà chứa chan nghĩa tình.

Miệt mài đục dó tìm trầm.

Khoảng 20 năm trước, khi thấy được những lợi ích kinh tế của cây dó trầm, nhiều hộ dân ở Phúc Trạch có vườn rộng bắt đầu trồng xen canh thêm cây dó trầm. Và cho tới hiện tại, gần như 100% diện tích đất vườn rừng, trang trại trong toàn xã đều đã được phủ kín dó trầm. Với gần 1.700 hộ dân thì tất cả đều có thu nhập từ cây dó trầm. Dó trầm mọc thẳng vút cao, gỗ mềm, 5 - 7 năm tuổi bắt đầu cho trầm. Cây càng lâu năm, khả năng cho trầm càng cao. Có những cây dó trầm vài chục năm tuổi, giá bán trăm triệu đồng mỗi cây. Tinh dầu trầm chiết từ cây là loại hương liệu, dược liệu cực kỳ quý hiếm, có giá trị hơn vàng.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người dân nơi đây, trầm không phải khi nào cũng xuất hiện. Có những cây đường kính lớn 50- 80cm nhưng chưa hẳn đã có trầm, trong khi có cây chỉ 20-25cm trầm đã kết tụ. Trầm thường xuất hiện nhiều ở các cây già cỗi, u bướu hoặc có bệnh, thường ở gốc rễ và đoạn thân trên 3m. Nếu như trước đây, trầm hoàn toàn tự nhiên thì ngày nay, người dân đã có nhiều phương pháp can thiệp để cây dó sinh trầm như dùng khoan và bơm thuốc tạo trầm vào cây. Việc này sẽ giúp rút ngắn thời gian tạo trầm. Hiện tại, trầm tự nhiên (là do sâu đục, hoặc cây dó tự tạo ra), người trong nghề gọi là “hàng kiến”; còn trầm nhân tạo gọi là “trầm khoan”. Các công đoạn thu hoạch cây dó trầm và tạo trầm thành phẩm hầu hết đều thực hiện thủ công. Khi chặt cây, ở những các mạnh cưa, cắt cũng phải do người có kinh nghiệm lựa chọn, đánh dấu để lấy may mắn với hy vọng sẽ có trầm chất lượng cao, nhiều dầu.

Một số sản phẩm mỹ nghệ chế tác từ cây dó trầm.

Để xoi trầm, mỗi người thợ đều tự trang bị cho mình một bộ đồ nghề, gồm rất nhiều những chiếc đục, cưa đặc biệt được đặt rèn dành riêng cho nghề này. Ở mỗi công đoạn, người thợ sẽ lựa chọn những dụng cụ phù hợp. Không chỉ những người lớn tuổi, khi trầm ngày càng có giá trị, nghề xoi trầm thu nhập khá ổn định nên nhiều người trẻ sẵn sàng học và giữ nghề truyền thống.

Ông Đinh Công Ánh (1928) - là một trong những người đầu tiên mang nghề xoi dó tìm trầm về Phúc Trạch. Những ngày đầu làm nghề, khoảng vào những năm 1980, trầm hương chủ yếu lấy từ tự nhiên, từ trong rừng hoặc từ vườn tạp của người dân. Khi đó giá trầm hương cũng rất rẻ, hầu hết người dân ít ai biết được giá trị thật của trầm. “Nếu may mắn thì gặp cây có hàng “tốc bông” (trầm đẹp, thơm và bền) thì có khi lãi cả chục triệu đồng. Nhưng không may thì đẽo mỏi mắt cũng không tìm thấy miếng trầm nào, cả cây dó to cũng chỉ làm củi, nghề xoi trầm là vậy đó”- ông Ánh cho biết.

Cũng theo ông Ánh, để lấy được trầm, thông thường phải qua nhiều công đoạn gồm: đẽo phá, xổ phá, ép sát và xổ gạn (tỉa sạch). Trong đó xổ gạn là công đoạn khó nhất. Gạn cần nhất là sự dẻo dai của cổ tay và tinh mắt, chỉ cần thiếu tập trung hoặc lỡ tay là có thể “phạm”, làm hỏng, thất thoát trầm hương. Do tuổi cao, thi thoảng nhớ nghề, ông Ánh mang bộ dụng cụ đẽo phá, xổ phá cho khuây khỏa; còn xổ gạn - công đoạn lấy trầm thì để con, cháu thực hiện.

Dó trầm được phủ kín tại xã Phúc Trạch.


Tiếp bước những người thợ lão luyện như cụ Ánh, em Nguyễn Văn Tuấn (2000) là một trong những người trẻ tuổi quyết tâm học và làm giàu từ nghề chế tác dó trầm. “Em học nghề từ cha rồi sau đó xin vào làm ở một cơ sở sản xuất trầm trong xã. Ban đầu, mình chỉ được đi chặt cây, đẽo phá, dần dần em đã thuần thục công đoạn xổ phá, ép sát và đang học thêm kỹ năng xổ gạn. Vì đây là nghề truyền thống từ cha ông nên em sẽ cố gắng theo đuổi để học và giữ lấy nghề” - Tuấn chia sẻ.

Từ một vài người ban đầu, đến nay toàn xã Phúc Trạch đã có hàng chục cơ sở với hàng trăm thợ trầm đang ngày đêm đẽo phá, xổ phá, ép sát và xổ gạn. Bên cạnh, toàn xã hiện có khoảng 100 người theo nghề xoi dó trầm và kinh doanh các sản phẩm mỹ nghệ từ trầm. Với khoảng 3 ha cây dó, tổng thu nhập toàn xã năm 2020 dự kiến đạt khoảng 90 tỷ đồng (bao gồm từ hoạt động bán hạt, cây giống và cây thương phẩm và các thành phẩm từ dó trầm).

Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, Trần Quốc Khánh cho biết: Nhờ cây dó trầm mà tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm đi rõ rệt. Hơn nữa, nghề chế tác trầm hương Phúc Trạch cũng được khách hàng trên cả nước biết đến bằng những sản phẩm mang phong cách riêng. Đó cũng là cách những người làm nghề ở làng Phúc Trạch tìm chỗ đứng bền vững hơn cho sản phẩm trầm mỹ nghệ, nâng cao giá trị cho cây dó trầm ở địa phương.

Tác giả: XUÂN SƠN

Nguồn tin: Công an Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP